Đề án 70 nghìn tỷ đồng: Không hẳn thừa nếu...

Đề án 70 nghìn tỷ đồng: Không hẳn thừa nếu...
TP - Số phận các đề án ra đời từ những phút lóe sáng bất chợt trong phòng điều hòa máy lạnh đã và sẽ ra sao cũng không quá khó để kết luận. Tuy vậy, dự thảo đề án 'Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015', (có kinh phí dự kiến70 nghìn tỷ đồng) xem ra cũng không hẳn là một việc làm thừa, nếu...

> Đề án 70.000 tỷ đồng mới chỉ trên giấy

Đề án 70 nghìn tỷ đồng: Không hẳn thừa nếu... ảnh 1
 

Thành đại văn hào mới dám Tập đọc vỡ lòng

Trong nghệ thuật đưa ra quyết sách để xử lý tình huống sao cho hiệu quả nhất thì điều tối quan trọng là chọn đúng hướng ưu tiên, chọn đúng khâu đột phá. Giáo dục nước ta đang đứng trước yêu cầu phải có sự “đổi mới căn bản, toàn diện” thì việc cấp bách nhất, có tác động chi phối tổng thể, theo thiển ý của tôi, chính là việc xác lập hệ giá trị căn bản của con người mà giáo dục cần và phải đào tạo nên (cùng với trách nhiệm của gia đình và toàn xã hội) theo yêu cầu của sự phát triển đất nước trong nỗ lực đồng hành cùng nhân loại.

Nói một cách khác, đây chính là triết lý giáo dục, là mục tiêu học làm người của hoạt động giáo dục. Khi đã xác lập triết lý giáo dục, việc có một chương trình – sách giáo khoa (SGK) thấm nhuần sâu sắc tinh thần dân chủ - nhân văn, khoa học - hiện đại, dân tộc - quốc tế là điều cần thiết.

Biên soạn SGK luôn là công việc rất khó khăn. Chẳng thế mà đại văn hào Nga Lev Tolstoi, sau khi lao tâm khổ tứ sáng tạo nên những tiểu thuyết đồ sộ bất tử như Chiến tranh và hòa bình, Anna Karenina, Phục sinh..., về cuối đời mới dám bắt tay viết cuốn Tập đọc vỡ lòng cho trẻ em và coi đó là tác phẩm lấy đi của ông nhiều tâm lực nhất. Tôi xin mạo muội nêu lên một số nguyên tắc chính (chắc là chưa đầy đủ) khi bắt tay vào việc biên soạn, truyền đạt chương trình và SGK ở cấp học phổ thông.

Thay vì cung cấp những kiến thức được tiếp nhận theo kiểu thụ động, học như vẹt, cần hướng tới trang bị cho học sinh phương pháp tư duy, năng lực tự học để có thể tiếp tục trau dồi kiến thức suốt đời, cả sau khi ra trường và lăn lộn trong cuộc đời.

Thay vì những kiến thức chết, đóng hộp sẵn, là kiến thức sống động, có giá trị ứng dụng cao, thiết thực với cuộc sống trước mắt và lâu dài.

Hãy chia sẻ suy nghĩ chân thành

Thay vì chỉ tập trung bồi dưỡng một chiều cho các em nhận thức toàn màu hồng về đất nước với “rừng vàng, biển bạc”, với lịch sử vẻ vang luôn “đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”, với dân tộc anh hùng bất khuất, cần cù thông minh..., hãy chia sẻ với các em những suy nghĩ chân thành, thẳng thắn vì sao nước ta vẫn chưa thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu.

Thay vì phô bày đủ loại kiến thức mang dáng vẻ hàn lâm, hãy hết sức coi trọng mức độ phát triển tâm sinh lý của từng lứa tuổi học sinh để có cách tiếp cận phù hợp.

Thay vì truyền thụ kiến thức đủ loại theo kiểu “nhất thành bất biến”- như chữ nghĩa của các bậc thánh hiền, hãy biết khích lệ tư duy chủ động, sáng tạo - tư duy phản biện trong chừng mực có thể.

Thay vì chỉ tập trung hoàn toàn vào việc truyền thụ kiến thức đại trà cho số đông, trong một số trường hợp cụ thể, SGK cần dành một phần hợp lý để cá thể hóa sự truyền thụ này sao cho có thể phát huy được năng lực khác biệt tiềm tàng ở một số em xuất sắc.

Thay vì phạm một lỗi lớn là góp phần tước bỏ tuổi thơ hồn nhiên, hạnh phúc của con trẻ bằng việc nhồi nhét những chương trình học hành, kiểm tra, thi cử liên miên, cần sớm giảm tải chương trình theo hướng lược bỏ những nội dung chưa thật cần thiết. Việc này, theo tôi, có thể tiến hành ngay đối với bộ sách hiện hành, không cần phải chờ đến khi triển khai việc biên soạn SGK mới.

Thay vì dạy chay - học chay buồn tẻ, xơ cứng, hãy cung cấp ngay trong SGK những đề xuất sinh động hóa môn học, khiến trẻ em như được vừa học vừa chơi, vừa nghe giảng vừa trực tiếp tham gia quá trình kiếm tìm kiến thức, làm sao cho các em thực sự cảm thấy đến trường thích hơn ở nhà...

Thay vì biến môn văn - lẽ ra là rất hấp dẫn - thành một môn học nhàm chán, hãy để các em chủ động đến với văn học một cách cởi mở nhất, thật đa chiều, đa dạng, để văn học thực sự trở thành vốn tình cảm, vốn tâm hồn cao đẹp vô giá mà các em sẽ mang theo suốt cuộc đời...

Biên soạn SGK quả là một vấn đề nan giải. Công việc khó khăn này chỉ có thể đạt kết quả như mong muốn nếu huy động được sự đóng góp của nhiều chuyên gia từ nhiều nguồn khác nhau tập hợp dưới cây đũa chỉ huy của một nhạc trưởng có tầm nhìn cao xa, đầy đủ năng lực và tâm huyết.

Kết quả của công việc to lớn này phải được công khai trước công luận, trước ngàn vạn cặp mắt săm soi đầy thiện chí mà nghiêm khắc của bàn dân thiên hạ trước khi chính thức được đưa vào sử dụng. Với một chương trình thống nhất, nên có 2 - 3 bộ SGK khác nhau; thời gian và công chúng sẽ biết cách lựa chọn bộ sách nào có ưu thế hơn cả.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG