Đề án Đổi mới và Thi tuyển sinh gây nhiều tranh cãi

Đề án Đổi mới và Thi tuyển sinh gây nhiều tranh cãi
TP - Một điểm trong đề án Tổng thể Đổi mới và Thi tuyển sinh bị các đại biểu phản ứng mạnh là điểm tối thiểu tốt nghiệp do ban chỉ đạo thi của tỉnh quy định. Nếu vậy, các tỉnh sẽ tuỳ tiên điều chỉnh để có tỷ lệ tốt nghiệp cao.
Đề án Đổi mới và Thi tuyển sinh gây nhiều tranh cãi ảnh 1
Ảnh: Phạm Yên

Sáng  9/11, Bộ GD&ĐT đã công bố Đề án Tổng thể Đổi mới và Thi tuyển sinh gồm 61 nội dung, tập trung vào 3 vấn đề: Giải pháp tiếp tục đổi mới và thi tuyển sinh, Nâng cao chất lượng thi toàn quốc, Tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.

Mặc dù đại biểu mời khoảng 10 đại diện các sở GD&ĐT, không có chuyên gia về thi trắc nghiệm (TN), không có mặt các nhà chuyên môn..., chỉ có khoảng 4  - 5 người đại diện các sở tham gia ý kiến, nhưng tất cả đều rất nóng bỏng.

Những điểm mới của Đề án

Hằng năm, Bộ sẽ tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, lấy kết quả thi xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm một căn cứ quan trọng xét tuyển ĐH, CĐ, THCN. Kỳ thi này sẽ được tổ chức thi tại địa phương với khoảng 8.000 cán bộ, giảng viên từ các trường ĐH, CĐ, THCN làm thanh tra, giám sát.

Bộ chủ trương chuyển việc ra đề thi từ tự luận sang thi trắc nghiệm đối với các môn thi, trừ Ngữ văn có thi cả tự luận  và TN. Các trường ĐH, CĐ, THCN sẽ chuyển tuyển sinh theo khối thi (A, B, C, D) như hiện nay thành xét tuyển theo ngành học. 

Đối với kỳ thi THPT quốc gia, tổ chức thi nhiều môn. Trước mắt trong ba năm đầu, tổ chức thi 8 môn như hiện nay; sau đó có thể thêm các môn khác thuộc chương trình THPT.

Để được công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 5 môn, bao gồm 3 môn thi bắt buộc cố định (Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ), 1 môn bắt buộc do Bộ quy định từng năm, 1 môn do thí sinh tự chọn hoặc thí sinh thi 3 môn bắt buộc cố định và được chọn cả 2 môn còn lại để được công nhận tốt nghiệp (thí sinh không được học môn Ngoại ngữ, hoặc học không đủ thời gian quy định, sẽ được thi môn thay thế).

Trước kỳ thi, thí sinh đăng ký những môn dự thi tùy theo mục đích của mình: Nếu chỉ để được công nhận tốt nghiệp THPT thì phải thi 5 môn; thí sinh đã tốt nghiệp THPT dự thi để được xét vào ĐH, CĐ, THCN phải thi theo yêu cầu…

Thí sinh dự thi để vừa được công nhận tốt nghiệp THPT, vừa được xét vào ĐH, CĐ, THCN phải chọn các môn thi sao cho đồng thời thoả mãn các điều kiện yêu cầu.

Đặc biệt, theo đề án mới này, thí sinh đăng ký dự thi theo cơ sở giáo dục mà thí sinh học xong lớp 12 trong năm tổ chức kỳ thi; thí sinh “tự do” đăng ký dự thi tại bất cứ đơn vị thi nào…

Về hình thức thi, các môn thi Toán, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ được ra theo hình thức TN; Toán thi 90 phút, các môn khác mỗi môn thi 60 phút; Ngữ văn thi 2 phần: Tự luận 90 phút và TN 30 phút.

Điểm mới tiếp theo là mỗi môn thi đều ra đề theo chương trình THPT, không chỉ lớp 12 và không chỉ theo sách giáo khoa.

Đề thi có 2 phần: Phần thứ nhất để công nhận tốt nghiệp, gồm khoảng 70% số câu hỏi theo chuẩn kiến thức, kỹ năng THPT. Trong một số năm trước mắt, phần thứ nhất của đề thi cho thí sinh học chương trình Bổ túc THPT, gồm các câu hỏi theo chương trình Bổ túc THPT.

Phần thứ hai để xét tuyển sinh, gồm khoảng 30% số câu hỏi theo chương trình nâng cao ở cấp THPT.

Trước kỳ thi 1 năm, công bố chỉ tiêu tuyển sinh từng ngành và các tiêu chí xét tuyển theo từng ngành; các tiêu chí xét tuyển là: Môn thi có điểm thi với hệ số 1; Môn thi có điểm thi với hệ số 2 hoặc 3; Dựa vào điểm thi một số môn và kiểm tra thêm môn năng khiếu.

Ngày 9/11, nhiều bạn đọc gọi điện đến báo Tiền phong bày tỏ vui mừng khi Bộ GD&ĐT công bố chưa thi trắc nghiệm môn Toán và các môn còn lại vào năm 2008 để tiếp tục nghiên cứu, rút kinh nghiệm, tổng kết đánh giá...

Bộ đã lắng nghe ý kiến của các nhà giáo, các chuyên gia, phụ huynh học sinh và những người quan tâm đến giáo dục... tại diễn đàn “Lấy kết quả thi THPT quốc gia xét tuyển vào ĐH, CĐ và...” trên báo Tiền phong

Báo Tiền phong mong tiếp tục nhận ý kiến của độc giả góp ý và chúng tôi sẽ chuyển ý kiến của độc giả tới những người có trách nhiệm của Bộ GD&ĐT.

Ý kiến xin gửi về địa chỉ: Phóng viên Giáo dục, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội hoặc e-mail: hothubaotienphong@gmail.com.

Trong trường hợp đặc biệt đối với một số ngành đặc thù, phải sàng lọc thật kỹ, được Bộ đồng ý, trường chọn số thí sinh dự tuyển trong số thí sinh đăng ký hợp lệ, theo điểm từ cao xuống thấp của ngành học, bằng khoảng 1,5 đến 2,0 lần chỉ tiêu tuyển sinh của từng ngành để tổ chức kiểm tra một lần nữa (do trường tự tổ chức thi tự luận, vấn đáp, thực hành...), lấy điểm để chọn số thí sinh trúng tuyển chính thức, đúng bằng số chỉ tiêu tuyển sinh của ngành học.

Lộ trình thực hiện, như đề án nêu là bắt đầu từ năm 2009, tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, trong đó đề thi có phần riêng cho thí sinh bổ túc THPT thi tốt nghiệp. Đến năm 2009 - 2011, tổ chức thi đồng loạt, ở tất cả các đơn vị thi trên toàn quốc, cùng lịch thi, cùng đề thi.

Từ năm 2012, tổ chức thi theo các thời điểm khác nhau, ở các vùng, miền khác nhau, với các đề thi khác nhau, sao cho điểm thi ở các nơi đều có giá trị tương đương nhau...

Còn nhiều điểm gây tranh cãi

Ông Đoàn Hoài Vĩnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, nếu kỳ thi quốc gia là kết hợp với các trường ĐH, CĐ tuyển sinh đầu vào thì ngoài  việc giám sát, thanh tra của các trường ĐH, CĐ mà Bộ phân công đến các tỉnh thành, các trường cũng nên phân công đại diện của mình đến các tỉnh, thành tham gia ban chỉ đạo thi để giám sát các kỳ thi, kể cả công tác coi thi, chấm thi thì kết quả sẽ khách quan hơn.

Ông  Phạm Hữu Nam , Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc  ủng hộ sáp nhập kỳ thi nhưng đề nghị Bộ phải đưa giải pháp tuyên truyền có hiệu quả.

Với khâu công nghệ thông tin bấy lâu nay gây tranh cãi và điều tiếng trong thi cử, ông Nam đề nghị Bộ nên dùng phần mềm thống nhất chung cho cả nước để tránh hiện tượng mỗi tỉnh dùng riêng một phần mềm. Bộ cũng cần giám sát chặt chẽ khâu này vì trong các năm đã có chuyện gian lận trên phần mềm do không lường trước phức tạp ở khâu vào điểm.

Về điểm mới là để thí sinh “tự do” chọn nơi thi, ông Nam cho rằng, điều này sẽ dẫn đến hiện tượng thí sinh “chạy lung tung”, gây ra phức tạp vì nghĩ nơi này thi dễ hơn, nơi kia thi khó. Ông phác hoạ viễn cảnh rằng, thí sinh sẽ lên miền núi thi vì nghĩ vùng ấy sẽ dễ đỗ hơn, khiến các đại biểu bật cười. Theo ông, Bộ nên cân nhắc kỹ về điểm này...

Một điểm bị các đại biểu phản ứng mạnh là điểm tối thiểu tốt nghiệp do ban chỉ đạo thi của tỉnh quy định điểm tốt nghiệp. Câu hỏi được đặt ra là làm sao còn chương trình chuẩn cả nước, các tỉnh sẽ tuỳ tiên điều chỉnh để có tỷ lệ tốt nghiệp cao. Đại biểu đề nghị phải nghiêm túc thật sự vì nếu coi thi cẩn thận nhưng lại để các tỉnh tự do hạ chuẩn thì chẳng khác gì  thi cử trước kia.

“Cần lực lượng chuẩn” - Là ý kiến của bà Nguyễn Lan Hương, Phó phòng Khảo thí Sở GD & ĐT Thái Nguyên. Theo bà, cần phải có đội quân tinh nhuệ từ khâu sao in đề thi đến các giám thị...

Bà nhấn mạnh, chỉ cần giám thị thu phiếu làm bài thi TN đảo đầu đuôi là khi quét có vấn đề, phải xử lý.

Kết thúc cuộc toạ đàm, Thứ trưởng GD&ĐT Bành Tiến Long cho rằng, Đề án còn có nhiều vấn đề phải làm rõ như thời gian thi, hỗ trợ nguồn lực, lệ phí thi...

Ông Nguyễn An Ninh, Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định Chất lượng Giáo dục cho biết, sẽ đưa Đề án lên trang web của Bộ vào ngày 10/11; đồng thời gửi công văn tới các đơn vị để lấy ý kiến.  

MỚI - NÓNG