Để đạt điểm cao môn Vật lý cả 2 kỳ thi

Để đạt điểm cao môn Vật lý cả 2 kỳ thi
TP - Dưới đây là 10 lời khuyên vàng của thầy Nguyễn Cảnh Hòe, giáo viên khối chuyên Vật Lý, THPT chuyên, ĐHKH Tự nhiên, ĐHQG HN.
Để đạt điểm cao môn Vật lý cả 2 kỳ thi ảnh 1
Thí sinh không nên chọn sách tham khảo tràn lan. Ảnh: Phạm Yên

1. Mức độ đề thi tốt nghiệp sẽ không khó hơn năm ngoái vì năm ngoái đề ra đã được coi là khó.  Học sinh muốn vượt qua được kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ cần học chương trình cơ  bản  là có thể làm được loại đề này. Để vượt qua được kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ thì thí sinh cần tập trung vào phần nâng cao. 

2. Lý thuyết chiếm 50% đề thi nên thí sinh  cần học lý thuyết thật cẩn thận, học hiểu không học thuộc lòng.

3. Nên tăng cường học nhóm, cùng nhau giải đáp để trao đổi và học hỏi.

4. Có 1 chương trong sách giáo khoa xưa nay bị bỏ qua khi thi tự luận là chương 4 “Dao động và sóng điện từ”, nay thi trắc nghiệm (TN), học sinh  phải học kỹ, học bình đẳng như các chương khác.

5. Trong quá trình ôn tập phải liên hệ lý thuyết với thực tế và chú trọng ba phần so sánh sau: Tia không nhìn thấy, các loại quang phổ, các phản ứng hạt nhân.

6.  Với các bài tập khảo sát, học sinh nên nhớ những kết quả có tính chất định luật, không cần nhớ phần biến đổi đại số, cũng không cần nhớ lời giải một cách máy móc.

7. Làm bài tập có ba phần quan trọng là khảo sát đề, giải, biện luận. Trước tới nay,  phần 1 và phần 3 thường được thầy bao cấp làm hộ trò, nay thi TN, thí sinh phải  chú trọng vào 2 phần này, đặc biệt phần khảo sát đề để có thể tự giải bài được. Đặc biệt, đề thi TN tránh phần vẽ hình trong đề mà chỉ hỏi thi bằng câu văn khiến học sinh khó hiểu hơn (vì khi học chủ yếu học qua hình vẽ) nên học sinh cần đặc biệt chú trọng khảo sát đề để hiểu đề thi hỏi gì.

8. Tài liệu ôn tập chủ yếu là sách giáo khoa và sách bài tập, học sinh nên làm hết không bỏ bài tập nào (xưa nay học sinh và thầy chỉ làm bài khó, bỏ bài dễ và không chú ý nhiều đến bài tập trong sách giáo khoa. Đó là điều cực kỳ nguy hiểm).

9. Với Sách tham khảo (STK), chỉ xem phần lý thuyết, bài tập khó chưa làm ngay vì sẽ không ra trong thi tốt nghiệp; chỉ những bạn thi vào ĐH, CĐ mới cần chú ý tới các bài tập khó trong STK.

10. Có nhiều loại câu hỏi TN nhưng loại câu hỏi đúng – sai thường được sử dụng nhiều nhất vì các loại câu hỏi khác thường dài.

Ngoài ra, với các bạn tham dự kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ, không nên chọn STK tràn lan mà chỉ nên chọn một vài tác giả và đọc  hết từ đầu đến cuối vì mỗi tác giả có một chiến lược (nên chọn STK của các nhà xuất bản: NXB GD, NXB ĐHQG và NXB ĐHSP là tương đối  đáng tin cậy).

Một điều quan trọng khác trong quá trình ôn tập là thí sinh phải chịu khó luyện tập việc tính toán các số thập phân,  số lẻ, đặc biệt, phần cuối chương trình 12 -phần hạt nhân,  sử dụng máy tính nhiều. Vì sao lại có lời khuyên này? Vì trong thực tế, nhiều học sinh không biết sử dụng máy tính.

Muốn bắt được tốc độ làm bài thi TN nhanh, tốt nhất thí sinh nên đi thi thử.  Thí sinh ở Hà Nội, TPHCM  có thể  thi thử tại các trường ĐHSP, ĐHQG, ĐH Bách khoa; thí sinh ngoại tỉnh nên tìm một nơi tổ chức thi thử đáng tin cậy nhất để thử sức 1-2 lần.

Hướng sự chú ý đến “Bộ đề” cũ

(Thầy Nguyễn Ngọc Long, giảng viên ĐHKH Tự nhiên, ĐHQG HN)

Tất cả các chương trong sách giáo khoa Vật lý, không phần nào kém quan trọng hơn phần nào vì  câu hỏi thi TN phân bổ khắp các chương nào cũng có, như ở trên mạng có quy định chương 1 mấy câu, có quy định tất cả các chương và không bỏ câu nào hết.

 Với bài tập, học sinh không nên sa đà vào luyện những bài đánh đố hoặc quá khó nhưng không có nghĩa là chỉ học những câu quá dễ.

Riêng với môn Vật lý, thi tốt nghiệp chỉ nằm ở lớp 12 (những chỗ nào ứng dụng kiến thức lớp 10, 11 các thày cũng đã ôn lại khi dạy chương trình lớp 12 nhưng lý thuyết chỉ hỏi trong chương trình lớp 12).

Trong một bể kiến thức giúp thí sinh luyện thi TN (khoảng 15 cuốn của các tác giả khác nhau, có những cuốn sách 1.000 câu hỏi thi) có các câu hỏi-trả lời, do soạn vội nên tác giả đã khiến học sinh không biết trả lời thế nào là đúng thế nào là sai, thậm chí có câu trả lời sai hoàn toàn nên thí sinh chỉ nên chọn 1 cuốn để xem tham khảo biết dạng thôi chứ còn tài liệu chính để học vẫn là sách giáo khoa.

Với loại sách 1.000 câu nếu không biết đọc học sinh  sẽ không nhớ, chỉ nên đọc và học để biết phân loại dạng bài  tập cho dễ nhớ là đủ. Một cuốn sách có thể tin cậy là cuốn do ĐHQG TPHCM xuất bản (của một nhóm tác giả, trong đó có tác giả tên là Lê Khắc Bình).

 Hồ Thu (ghi)

MỚI - NÓNG