Đề minh họa thi THPT Quốc gia 2018: Chỉ phù hợp với học sinh khá, giỏi

Nhiều giáo viên và học sinh cho rằng đề minh họa năm nay khó hơn nhiều so với năm ngoái.
Nhiều giáo viên và học sinh cho rằng đề minh họa năm nay khó hơn nhiều so với năm ngoái.
TP - Theo các giáo viên, đề minh họa kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 Bộ GD&ĐT vừa công bố có lượng kiến thức trải rộng, phân hóa sâu nên học sinh năm nay sẽ chật vật để đạt điểm khá. Nhiều giáo viên cho rằng, đề thi minh họa này chỉ phù hợp với học sinh khá giỏi.

Chạy đua ở lò luyện thi

Sau khi tham khảo bộ đề minh họa, Vũ Hiền Trang, học sinh lớp 12A4, Trường  THPT Đông Anh (Hà Nội) cho biết, ở các môn như Địa lý, Ngoại ngữ, Giáo dục công dân đề minh họa không quá khó so với năm trước. Còn đề Ngữ văn, Toán và Lịch sử quá sức so với học sinh bởi lượng kiến thức quá rộng. Trang ví dụ, ở môn Toán, có những câu về tích phân, nguyên hàm còn khó ngay cả với học sinh giỏi. Đề Ngữ văn cũng thực sự quá sức của học sinh khi yêu cầu so sánh, phân tích rất dài trong một lượng thời gian hạn hẹp. Theo Hiền Trang, kể cả môn Lịch sử, đề minh họa ra rộng hơn so với cả sách hướng dẫn ôn tập. “Đa số học sinh lớp 12 ở thời điểm này, ngoài học chính, học ôn ở trường đều phải vắt chân lên cổ để đi học thêm ở các lò luyện, trung tâm ôn thi nhưng vẫn bất ngờ vì có những câu thầy cô chưa dạy đến”, Trang nói.

Cô Đoàn Khanh, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A4, Trường THPT Đông Anh (Hà Nội) cũng là giáo viên dạy Lịch sử cho biết, lớp có 41 học sinh, trong đó có khoảng 5-6 em không có nhu cầu thi ĐH, số còn lại đều dự định thi tuyển vào các trường. “Để đạt được điều đó, từ đầu năm đến nay, học sinh học rất vất vả vì lượng kiến thức năm nay quá lớn, quá tải với các em. Với đề minh họa môn Lịch sử như vừa rồi, để đạt tốt nghiệp thì dễ còn đạt khá là rất khó”, cô Khanh nói. Theo cô Khanh, với phương thức thi trắc nghiệm, bất cứ chi tiết nhỏ nào cũng có thể thi vì thế để học và có thể nắm vững kiến thức lớp 12 đã khó, nay thêm kiến thức lớp 11 nên học sinh càng phải học ngày, học đêm. Theo lộ trình, trong năm tiếp theo học sinh phải thi cả kiến thức lớp 10 nữa thì không biết sẽ như thế nào.

 Giáo viên cũng căng thẳng

Thầy Lương Ngọc Huy, Tổ trưởng môn Toán, Trường THPT Đồng Quan (Hà Nội) cho biết, sau khi có đề minh họa, đã cho học sinh ở lớp có chất lượng với nhiều học sinh giỏi làm thử. Kết quả, học sinh đạt điểm thấp hơn khi các em làm đề minh họa năm ngoái. Như đề năm ngoái, học sinh khá có thể làm bài đạt điểm giỏi là bình thường còn với đề minh họa như năm nay rất hiếm học sinh đạt được điểm 9. Theo thầy Huy, sự khác biệt dẫn đến khó khăn trong đề năm nay so với năm trước là ngoài việc thêm kiến thức lớp 11 thì đề còn nhiều câu hỏi móc nối, đan xen kiến thức hai lớp học. Học sinh phải thực sự có năng lực, tinh nhạy mới giải quyết hết.

Đánh giá đề minh họa năm nay khó hơn năm trước, thầy Huy cho rằng, thầy chưa thử nghiệm trên lớp học sinh trung bình nhưng theo phán đoán, các em chỉ đạt từ 4 đến 4,5 điểm là chủ yếu. “Với kiến thức rộng như hiện nay, không chỉ học sinh mà giáo viên cũng rất lo lắng. Từ nay đến kỳ thi chỉ còn hơn 4 tháng nên giáo viên phải ôn luyện căng thẳng hơn”, thầy nói. Tuy nhiên, chương trình ôn tập cũng đã được nhà trường vạch sẵn, ở thời điểm này thầy cùng các giáo viên tập trung nâng trình độ học sinh khá giỏi để có thể giải quyết được bài khó, còn học sinh trung bình, yếu cũng chỉ rèn làm sao để các em đạt được mức độ nhất định.

Cô Nguyễn Thị Thúy, giáo viên dạy Toán tại Hà Nội cũng cho rằng, so với năm ngoái, học sinh năm nay thiệt thòi rất nhiều vì các em vừa phải học lượng kiến thức rộng vừa đối mặt với đề thi có thể ở mức độ khó hơn rất nhiều. Theo cô Thúy, thực sự trong mỗi lớp bình thường chỉ có khoảng gần chục học sinh có năng lực giỏi, số còn lại là khá và trung bình, yếu. Đề minh họa vừa rồi phù hợp cho học sinh khá giỏi, còn học sinh trung bình, yếu và học sinh trường dân lập, các trung tâm giáo dục thường xuyên năm nay sẽ rất khó khăn để đạt điểm 5-6.

Cô Thúy cho rằng, thời điểm này, học sinh đều phải chạy đua để đến đích là kỳ thi THPT quốc gia, lấy điểm xét tuyển vào ĐH. Trong lớp đa số học sinh cho biết đã phải đi học thêm, luyện thi ở các trung tâm ở ngoài mất nhiều thời gian và tiền bạc. “Ở lớp, chất lượng học sinh không đồng đều, đề phân hóa sâu như hiện nay học sinh rất căng thẳng mà giáo viên cũng vất vả vì phải có phương pháp dạy làm sao để đạt hiệu quả cho từng nhóm học sinh”, cô nói.

Theo các giáo viên THPT khác, khi tiếp cận đề minh họa, nhiều học sinh rất sốc vì khó. Ôn tập theo hình thức cuốn chiếu nên đến thời điểm này nhiều giáo viên đã cho học sinh luyện đề cho quen các dạng bài. Theo đó, nhiều em khá giỏi đã đạt điểm tối đa ở các bộ đề trước, tuy nhiên đến đề minh họa này học sinh không đạt được điểm 9, không hề có điểm 10, kể cả môn Toán.

Cái khó của năm nay là học sinh đang đối mặt với lượng kiến thức rộng vì thế có tình trạng học trước quên sau. Một giáo viên tâm sự, Bộ không cho học trước chương trình, vì thế, buổi sáng học sinh vẫn phải học chương trình chính khóa, buổi chiều lại học ôn tập kiến thức đã học từ lớp 11 hoặc kỳ I lớp 12, nhưng ít tuần sau quay lại kiểm tra kiến thức chi tiết là nhiều học sinh lại quên hết.

Chưa công bằng giữa các năm

Ông Trần Trung Hiếu, giáo viên Lịch sử, Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho rằng, dù không công bố nhưng cách ra đề minh họa của bộ năm nay được rút kinh nghiệm từ năm trước. Năm trước, đề dễ nên có nhiều học sinh đạt điểm 9,10 dẫn đến điểm xét tuyển ĐH cao nhưng chất lượng lại không cao. Năm ngoái, có học sinh đạt điểm 10 nhưng chưa chắc đã có học lực giỏi. Ở một số câu, một số mã đề năm trước có vấn đề nên năm nay bộ sẽ tăng 1 số câu hỏi khó để kìm cơn mưa điểm 10 như năm trước. Có thể nói, công tác ra đề thi của bộ hiện nay vẫn phụ thuộc vào hiệu ứng xã hội, chưa thực sự chủ động nên không công bằng cho học sinh năm nay so với năm trước.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.