Đề thi tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ sẽ ra như thế nào?

Đề thi tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ sẽ ra như thế nào?
TP - Tiền phong đã có cuộc phỏng vấn TS Nguyễn An Ninh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục, Bộ GD&ĐT xung quanh vấn đề này.
Đề thi tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ sẽ ra như thế nào? ảnh 1
Ảnh: Hồng Vĩnh

Thưa ông, các môn học nào sẽ thi trắc nghiệm năm 2008?

Năm 2008, các môn thi theo hình thức trắc nghiệm (TN) ở kỳ thi tốt nghiệp THPT là: Vật lí, Hóa học, Sinh học (nếu các môn này được quy định là môn thi tốt nghiệp năm 2008) và các môn ngoại ngữ như: Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật.

Ở kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, các môn thi theo hình thức TN là: Vật lí, Hóa học, Sinh học và các môn ngoại ngữ: Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật.

Ở kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, các môn thi theo hình thức TN là: Vật lí, Hóa học, Sinh học và các môn ngoại ngữ: Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật.

Cấu trúc đề thi trắc nghiệm, số câu hỏi trong mỗi đề thi và thời gian làm bài là như thế nào?

Cấu trúc đề thi TN năm 2008 ở 2 kỳ thi như sau:

Đề thi tốt nghiệp THPT gồm 40 câu trắc nghiệm đối với các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học và 50 câu đối với các môn ngoại ngữ; thời gian làm bài là 60 phút. Đối với thí sinh học chương trình THPT phân ban thí điểm, đề thi gồm 2 phần: phần chung cho tất cả thí sinh, phần riêng cho thí sinh học chương trình ban KHTN hoặc thí sinh học chương trình ban KHXH&NV.

Thí sinh chỉ được làm một phần riêng thích hợp. Thí sinh nào làm cả 2 phần riêng (dù làm hết hay không hết, dù làm đúng hay không đúng), bài làm coi như phạm quy và không được chấm điểm phần riêng (phần chung vẫn được chấm điểm).

Đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ gồm 50 câu hỏi đối với các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học và 80 câu đối với các môn ngoại ngữ; thời gian làm bài là 90 phút.

Đề thi gồm 2 phần: Phần chung cho tất cả thí sinh, phần riêng cho thí sinh học chương trình THPT phân ban thí điểm hoặc thí sinh học chương trình THPT không phân ban. Thí sinh chỉ được làm một phần riêng thích hợp.

Thí sinh nào làm cả 2 phần riêng (dù làm hết hay không hết, dù làm đúng hay không đúng), bài làm coi như phạm quy và không được chấm điểm phần riêng (phần chung vẫn được chấm điểm).

Đề thi có bao nhiêu phiên bản, có đủ lớn để thí sinh không cóp bài của nhau, thưa ông? 

Số phiên bản đề thi của mỗi kỳ thi do Hội đồng ra đề thi quyết định và là một trong những nội dung được bảo mật cho đến khi thi xong. Tuy nhiên, số phiên bản của đề thi phải đủ lớn để những thí sinh ngồi liền kề nhau không có mã đề thi giống nhau.

Thí sinh cần ôn tập như thế nào để làm tốt bài thi trắc nghiệm?

Đặc điểm của đề thi TN là gồm nhiều câu hỏi, kiến thức phủ đều trong toàn bộ chương trình học, không có trọng tâm cho mỗi môn thi, do đó thí sinh cần phải học toàn bộ nội dung môn học, tránh đoán tủ, học tủ.

Gần sát ngày thi, thí sinh nên rà soát lại chương trình môn học đã ôn tập; xem kĩ hơn đối với những nội dung khó; nhớ lại những chi tiết cốt lõi.

Tiền phong sẽ giải đáp mọi thắc mắc của thí sinh xung quanh các vấn đề của 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và  tuyển sinh vào ĐH, CĐ 2008.

Mọi thắc mắc xin gửi về địa chỉ: Nhóm phóng viên Giáo dục- Báo Tiền phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội; e-mail: hothubaotienphong@gmailcom; điện thoại: 0903440005 (nhắn tin).

Cục Khảo thí và Kiểm định CLGD đã biên soạn và xuất bản 2 cuốn sách về thi trắc nghiệm (Trắc nghiệm Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ; Luyện tập trắc nghiệm tuyển sinh), trong đó đề cập đến những điều thí sinh cần lưu ý khi thi trắc nghiệm, những lưu ý đối với từng môn thi, cấu trúc đề thi trắc nghiệm, cùng một số đề thi mẫu để thí sinh tham khảo.

Cục cũng đã phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục để trong thời gian tới sẽ phát hành bộ sách Trắc nghiệm dùng cho luyện tập thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học và tiếng Anh. 

Khi bắt đầu 1 kỳ thi chung thì những học sinh đã tốt nghiệp năm trước sẽ dự thi như thế nào và thi các môn nào?

Theo dự thảo Đề án đổi mới thi và tuyển sinh: Khi triển khai một kỳ thi THPT quốc gia thì các thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước sẽ đăng ký dự thi như các thí sinh khác. Tuy nhiên, chỉ cần phải thi một số môn theo yêu cầu của ngành học mà thí sinh có nguyện vọng được xét tuyển (do các trường ĐH, CĐ quy định).

Ví dụ ngành X của trường nào đó quy định 3 môn để tuyển sinh là Toán, Vật lí, Hóa học; 3 môn của ngành Y là Toán, Vật lí, Tiếng Anh. Nếu thí sinh muốn có cơ hội để được xét tuyển vào 2 ngành này thì cần đăng ký dự thi 4 môn: Toán, Vật lí, Hóa học, tiếng Anh trong kỳ thi THPT quốc gia.

Tại hội nghị thi và tuyển sinh 2008, vấn đề làm đề thi được coi như một yếu tố cực kỳ quan trọng để có thể phân loại và lựa chọn thí sinh. Có ý kiến cho rằng đề thi của ta còn quá đơn giản kiểu đúng - sai; có - không... Điều này sẽ được điều chỉnh trong đề thi năm nay như thế nào?

Đề thi là một yếu tố cực kỳ quan trọng để có thể đạt được mục đích của kỳ thi là phân loại và tuyển chọn thí sinh. Thực tế những năm qua cho thấy các đề thi không có sai sót, đã phân loại, đánh giá đúng trình độ thí sinh và đã tuyển chọn được các thí sinh có đủ điều kiện theo học tại các trường ĐH, CĐ, TCCN.

Có nhiều loại câu trắc nghiệm, trong đó có loại câu trắc nghiệm dạng đúng – sai, có – không. Tuy nhiên, ở các kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ vừa qua, đề thi trắc nghiệm do Bộ GD&ĐT ra chỉ sử dụng loại câu trắc nghiệm có nhiều lựa chọn, do đó không hề “quá đơn giản”.

Xin cảm ơn ông! 

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.