Đề thi Văn ĐH 2006: Lủng củng, thiếu khoa học

Đề thi Văn ĐH 2006: Lủng củng, thiếu khoa học
TPCN - Tiến sĩ Nguyễn Lam Điền - Tổ trưởng phụ trách chấm môn Văn ở Đại học Cần Thơ nhận xét: “Đề thi và đáp án năm nay vừa không hay vừa thiếu khoa học!"
Đề thi Văn ĐH 2006: Lủng củng, thiếu khoa học ảnh 1
SV thi ĐH - CĐ 2006

Theo Tiến sĩ Nguyễn Lam Điền, một số câu vẫn nằm trong bộ đề ôn thi. Giữa đề thi và đáp án có nhiều lủng củng. Đáp án chỉ thiên về ý không có yêu cầu về hành văn.

Đề thi khối D, câu I (2 điểm): “Anh (chị) hãy trình bày hoàn cảnh ra đời bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu. Nêu những đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm đó (đoạn trích được học)”.

Đáp án phần “hoàn cảnh ra đời…” ở gạch đầu dòng thứ hai: “Nhân sự kiện lịch sử này, Tố Hữu viết bài thơ để ôn lại một thời kháng chiến gian khổ mà hào hùng, thể hiện nghĩa tình sâu nặng của những người con kháng chiến đối với nhân dân Việt Bắc, với quê hương cách mạng (0,5điểm)”. Đây không phải “hoàn cảnh” mà là “mục đích”.

Tiến sĩ  Nguyễn Hoa Bằng cho rằng: “Đề thi khối C có nhiều mâu thuẫn với đáp án. Ví dụ Câu II (5 điểm), vừa không hay vừa lủng củng, cũ kỹ. Người ra đề và làm đáp án chưa nắm chắc truyện Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài.

Thể hiện ở chỗ lấy lời tự khen của tác giả về tác phẩm của mình để bắt học sinh chứng minh “lời khen” là không nên, không khách quan.

Bản thân câu trích cũng không phù hợp với trình độ thí sinh vì có từ “nhưng” đầu câu trích: “Nhưng điều kỳ diệu là dẫu trong cùng cực đến thế mọi thế lực của tội ác cũng không giết được sức sống con người. Lay lắt đói khổ, nhục nhã, Mỵ vẫn sống, âm thầm, tiềm tàng, mãnh liệt”.

Về đáp án, ở phần giới thiệu tác phẩm nhân vật (0,5 điểm), viết: “… Truyện kể về cuộc đời Mỵ và A Phủ ở Hồng Ngài với những ngày đen tối và những ngày tươi sáng đầy hy vọng”.

Thực tế trong tác phẩm, cuộc đời của Mỵ và A Phủ khi ở Hồng Ngài chỉ là những ngày đen tối, khi Mỵ và A Phủ trốn tới Phiềng Sa tham gia du kích thì mới có những ngày tươi sáng và đầy hy vọng! Đáp án còn thiếu hẳn phần “làm sáng tỏ nhận xét” mà chỉ yêu cầu đơn thuần là phân tích nhân vật. 

Đáp án ở ý 2 (câu II) khi chứng minh “con người tốt đẹp bị đày đọa (1,5 điểm)” đã lẫn lộn giữa khái niệm “phẩm chất” và “hình thức”. ở ý a: “Mỵ có phẩm chất tốt đẹp” thì đáp án nêu “Mỵ là một thiếu nữ xinh đẹp”. Xinh đẹp là “hình thức”.

Hoặc ở câu I, khi nêu “ý nghĩa hình ảnh con tàu “ (1 điểm), đáp án lại nêu thừa phần hoàn cảnh sáng tác “Chế Lan Viên viết bài thơ Tiếng hát con tàu vào thời điểm ở miền Bắc đang diễn ra cuộc vận động đồng bào miền xuôi lên xây dựng kinh tế ở vùng cao Tây Bắc. Bài thơ được in trong tập thơ ánh sáng và phù sa (1960)” v.v.

Qua ý kiến của các giám khảo thì đề thi và đáp án năm nay còn kém hơn năm ngoái, vẫn kiểu tư duy khuyến khích văn mẫu và lò luyện thi. Sự vênh nhau giữa đề thi và đáp án bộc lộ trình độ của người ra đề và làm đáp án còn nhiều lỗ hổng hoặc người ra đề thi và người viết đáp án khác nhau, không gặp nhau.

Lê Xuân
(Giáo viên dạy văn ở Cần Thơ)

MỚI - NÓNG