Kỳ thi THPT Quốc gia 2018

Đề Văn mở, đáp án cũng cần mở

Thí sinh trao đổi sau khi thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2018 tại điểm thi Trường THCS Nguyễn Du, Hà Nội. Ảnh: Như Ý.
Thí sinh trao đổi sau khi thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2018 tại điểm thi Trường THCS Nguyễn Du, Hà Nội. Ảnh: Như Ý.
TP - TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên dạy Ngữ văn Trường THPT Chu Văn An đặt câu hỏi, có cho điểm không nếu học trò nói những điều của lương tri và trách nhiệm khi làm đề Văn THPT quốc gia 2018.

Sau khi đề thi môn Ngữ văn xuất hiện trên mạng xã hội đã có nhiều luồng tranh cãi tuy nhiên đa số ý kiến đánh giá đề năm nay mở và hay. Các giáo viên dạy Văn cũng cho rằng đề hay nhưng khó, có câu vượt tầm học sinh trung bình. Quan trọng là đáp án như thế nào để thí sinh không bị thiệt vì với đề mở, thí sinh được mặc sức nêu quan điểm và lập luận để bảo vệ chính kiến của mình.Nhiều ý kiến khẳng định, nếu đề mở, nhưng đáp án cứng, đóng khung thì thí sinh sẽ thiệt thòi.

TS Trịnh Thu Tuyết phân tích, phần I đề văn đưa ra ngữ liệu đọc hiểu là một đoạn trích trong bài thơ “Đánh thức tiềm lực” của Nguyễn Duy, một đoạn thơ từ thập kỷ 80 không chỉ giữ được tính thời sự mà còn có thể chạm tới những trăn trở, suy ngẫm của con người thời hiện đại. Trong đó, có các vấn đề cần trăn trở như tiềm lực, thực tế tiềm lực, thực tế khả năng phát triển tiềm lực của đất nước.

Ngoài 3 câu đầu thì câu 4 đã đặt ra vài suy ngẫm. TS cho rằng, cụm từ lệnh trong câu 4 “có còn phù hợp với…” là một câu lệnh có tính định hướng khiến học sinh có thể nhận ra ý nghĩa của phủ định/ phản biện với quan điểm của tác giả trong đoạn thơ “ta ca hát…/tiềm lực còn ngủ yên” – tính định hướng sẽ làm giảm phần nào tính tích cực, chủ động của học sinh trong tư duy. TS Tuyết đặt vấn đề: “Vậy đáp án có dung nạp, chấp nhận những ý kiến tâm huyết đó không khi học sinh có thể đề cập tới tình trạng chảy máu chất xám (tiềm lực con người), tình trạng cạn kiệt tài nguyên rừng biển sông đồng…của quê hương đất nước? “Và đáp án có cho điểm không nếu trò nói: câu thơ của Nguyễn Duy không còn phù hợp vì ít còn tiềm lực tự nhiên gì để đánh thức”, TS Tuyết nêu quan điểm.

Cũng theo TS Tuyết, đề Văn năm nay của Bộ GD&DT được đánh giá là hay và mở cho thí sinh có thể viết theo quan điểm của mình. Đặc biệt câu 4, phần I, thí sinh có thể trả lời có hoặc không ở câu hỏi “Có còn phù hợp…” tuy nhiên phải có sự lý giải, lập luận hợp lý.

TS Tuyết cũng cho rằng, thông thường với một đề mở như vậy, đáp án của bộ sẽ không đi vào từng chi tiết gạch đầu dòng làm ba rem chấm mà sẽ rất chung chung. Vì vậy, thí sinh có thể làm theo cách này hoặc cách khác đều có điểm. Tuy nhiên, với đề mở và đáp án chung như vậy thì tùy thuộc vào bản lĩnh của người chấm và thông thường sẽ có sự chênh lệch điểm giữa giám khảo này và giám khảo kia.

Đồng quan điểm, thầy Trịnh Quỳnh, giáo viên dạy Ngữ văn Trường THPT Lương Thế Vinh (Nam Định) cũng cho rằng, với đề thi mở như vậy, cách đây ít năm học sinh có thể làm một chiều tuy nhiên ngày nay các em đã chủ động có quan điểm của riêng mình nên sẽ trình bày theo nhiều hướng khác nhau. Ví dụ, có em sẽ cho rằng, tài nguyên hiện đã cạn kiệt, tài nguyên bị khai thác lãng phí hoặc có em liên hệ đến tài nguyên con người chưa khai thác hết. Vì thế, nếu đáp án “cứng” học sinh sẽ rất thiệt thòi. Tuy nhiên, thầy Quỳnh cũng cho rằng, thông thường những năm trước với dạng đề như vậy, bộ thường đưa ra đáp án khái quát, khá mở, không đưa ra các yêu cầu cần đạt cụ thể do đó giám khảo chấm thi được quyền quyết định cho điểm cả hai quan điểm có hoặc không. Điều quan trọng là thí sinh dùng lập luận, lý lẽ của mình như thế nào để thuyết phục quan điểm mình đã đưa ra.

Thầy Quỳnh cũng cho rằng, với dạng đề mở như vậy, chỉ cần học sinh đưa ra quan điểm và lý giải được vì sao lại có quan điểm đó đa số giám khảo sẽ cho điểm tối đa. Vì vậy, đối với những học sinh có lập luận, lý sẽ sâu sắc, rất thuyết phục cũng không được điểm hơn ở phần này nên có phần thiêt thòi.

MỚI - NÓNG