Đề Văn nên mở nhưng phải bám chương trình

Đề Văn nên mở nhưng phải bám chương trình
Sau bài văn cảm động của học sinh lớp 10 Trường Huỳnh Thúc Kháng (TP.Vinh, Nghệ An), một số thầy cô giáo đã bày tỏ quan điểm về cách ra đề văn theo hướng mở nhưng bám sát chương trình.
Đề Văn nên mở nhưng phải bám chương trình ảnh 1
Thi đại học tại trường Đại học Ngoại ngữ, Hà Nội. Ảnh: Lao Động

>> Phải dạy và học văn theo hướng “mở”

>> Dạy và ra đề để học sinh phát huy sáng tạo

Thầy Lê Quang Hưng - Khoa Ngữ  văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: Sáng tạo phải trên cơ sở kiến thức chuẩn, cơ bản.

Một bài văn được coi là hay khi nó chân thành, thật, viết bằng sự xúc động riêng, có cảm nhận riêng. Một bài văn lạ khi không giống, không rập khuôn, không theo bài bản khuôn mẫu. Bài văn sẽ được coi là lạ nếu khác với kiểu làm văn và ra đề lâu nay, lạ về bản thân vấn đề mà nó đề cập.

Với việc học văn và dạy văn hiện nay, rõ ràng là chúng ta cần thay đổi cách thức ra đề để phát huy ý kiến cá nhân. Tuy nhiên không nên chuyển từ chỗ thiên về nghị luận văn học chuyển sang thiên về nghị luận chính trị xã hội. Phải xác định xem cần đến mức nào.

Trong trường phổ thông cần có kiến thức chuẩn, cơ bản. Sự sáng tạo phải trên cơ sở đó. Thay đổi nhưng không cực đoan. Phải có chuẩn trên cơ sở kiến thức cơ bản.

Cô Triệu Thị Huệ - Tổ trưởng bộ môn văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM): Đề mở cần "đánh thức" sức sáng tạo nhưng cũng phải củng cố được kiến thức đã học

Thật ra loại đề mở trong môn văn đã có từ rất lâu. Tuy nhiên, sau đó qua quá trình cải cách thì lại bị "mờ dần". Tôi rất thích chấm những bài văn ở dạng đề mở. Qua thực tế giảng dạy theo loại hình đề mở, học sinh rất thích thú và năng động hẳn lên.

Lấy ví dụ cụ thể trong chương trình học mới của lớp 10 năm nay. Theo đề kiểm tra sau bài học số 2 của chương trình đã có một đề mở, rằng: "Từ chuyện cổ tích Tấm Cám, hãy tự sáng tạo một kết thúc của riêng em...".

Đề này khiến không chỉ học sinh mà cả thầy cô cũng đều cảm thấy thích vì sẽ được biết về sự cảm nhận khác nhau cũng như sáng tạo rất đa dạng của từng cá nhân.

Tóm lại, tôi ủng hộ việc ra đề mở để học sinh "được quyền" nói những cảm nghĩ, cảm nhận riêng mình về mọi vấn đề xung quanh.

Tuy nhiên, văn cũng là một môn học không chỉ cần sáng tạo mà còn cần củng cố lại kiến thức đã được trang bị. Vì vậy, dù đề mở thì cũng nên bám vào chương trình học, không nên học một đằng nhưng khi làm kiểm tra lại phải làm theo đề mở ở hướng khác.

Cụ thể như cũng trong chương trình lớp 10 năm nay, ở bài học số 4, sau khi học về ca dao thì học sinh lại có một đề mở về loại văn tự sự, như vậy e rằng chưa ổn.

Trần Hạnh Phúc, cựu chuyên văn trường Amsterdam (Hà Nội): Không thể "thoát ly" nội dung chương trình.

Khi thầy cô giáo ra đề cho chúng em - Học sinh chuyên văn - thường thì đề chỉ "mở" 50%, để học sinh thể hiện sáng tạo, còn 50% phải thể hiện, bài viết phải "bám" được kiến thức đã học.

Ví dụ như đề bài bình luận về câu nói của Mác "Hạnh phúc là đấu tranh" thì học sinh có quyền bày tỏ quan điểm của mình về câu nói này, nhưng dẫn chứng phải bám vào kiến thức, nội dung đã học.

Tôi rất trân trọng tình cảm của Hậu dành cho cha. Nhưng tôi không đồng tình với lời phê của cô giáo rằng: "Em đã cho cô một bài học làm người".

Theo Lao Động

MỚI - NÓNG