Đề xuất giáo dục phòng chống xâm hại trẻ em qua hoạt động trải nghiệm

một buổi sinh hoạt ngoài giờ lên lớp về phòng chống xâm hại cho học sinh của nhóm Linh, Chi. Ảnh NVCC
một buổi sinh hoạt ngoài giờ lên lớp về phòng chống xâm hại cho học sinh của nhóm Linh, Chi. Ảnh NVCC
TPO - Với tính thực tiễn trong việc chỉ ra hạn chế và giải pháp giúp học sinh tiểu phòng, chống xâm hại tình dục, đề tài của hai sinh viên năm cuối ngành giáo dục Tiểu học, trường ĐH Hùng Vương, Phú Thọ vừa đạt giải Nhất cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học của Bộ GD&ĐT và giải khuyến khích Euréka 2020.

Kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục ở học sinh còn thấp

Trao đối với Tiền Phong, Đào Khánh Chi, sinh viên năm cuối ngành Giáo dục Tiểu học, trường ĐH Hùng Vương, Phú Thọ cho biết, tham gia nghiên cứu cùng còn có bạn cùng lớp Nguyễn Thị Khánh Linh. Đề tài được thực hiện trên 262 học sinh lớp 4 và 30 giáo viên của 3 trường tiểu học: Tuy Lộc, Thị trấn Sông Thao và Sơn Tình, Huyện Cẩm Khê, Phú Thọ trong vòng 1 năm. Theo Đào Khánh Chi, đề tài nghiên cứu xuất phát từ thực tế những năm gần đây học sinh tiểu học bị xâm hại rất nhiều nên quyết tâm bắt tay vào nghiên cứu.

Để có được kết quả nghiên cứu khách quan, phản ánh đúng những gì mà học sinh cùng giáo viên đang ý thức và suy nghĩ về vấn nạn trên, hai nữ sinh viên đã phối hợp các phương pháp như: phân tích, tổng hợp, quan sát, điều tra, lấy ý kiến chuyên gia, thống kê toán học… nhằm làm rõ thực trạng phòng chống xâm hại (Phòng chống xâm hại tình dục; phòng chống bắt cóc, phòng chống tự xâm hại) cho học sinh thông qua hoạt động trải nghiệm ở một số trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

“Lần khảo sát đầu tiên kết quả đạt được không như mong muốn do học sinh vẫn còn e ngại. Thông qua tuyên truyền đồng thời cho học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm bằng thực tế qua các tình huống cụ thể, các em đã cởi mở, sẵn sàng chia sẻ nên khảo sát lần 2 đã thu được kết quả khả quan”, Khánh Chi nói.

Kết quả nghiên cứu cho thấy; có 38,9% học sinh tự đánh giá bản thân có thái độ tích cực, chủ động; 55,7% tỏ thái độ bình thường và 5,4% tỏ thái độ thờ ơ, bàng quan đối với công tác giáo dục phòng, chống xâm hại. Tuy nhiên, kết quả này có sự chênh lệch khá lớn đối với đánh giá của giáo viên về thái độ học sinh trong các hoạt động trải nghiệm có 76,7% giáo viên đánh giá học sinh có thái độ không cần, thờ ơ, bàng quan đối với việc rèn luyện giáo dục phòng chống xâm hại; 20% giáo viên đánh giá thái độ học sinh ở mức bình thường; chỉ 3,3% giáo viên cho rằng học sinh đã có thái độ tích cực, chủ động trong việc phòng chống xâm hại.

Mặt khác, kết quả khảo sát của Linh và Chi cũng cho thấy, trong 3 kỹ năng giúp học sinh bảo vệ bản thân (phòng chống bắt cóc, phòng chống tai nạn thương tích và phòng chống xâm hại) thì kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục ở học sinh là thấp nhất. Nghiên cứu của Khánh Linh và Khánh Chi cũng chỉ ra lý do dẫn đến kết quả phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ chưa cao theo nhiều giáo viên là do học sinh còn nhút nhát, chưa tích cực, chủ động tham gia các hoạt động (chiếm tỉ lệ 43,3%); do thời gian các môn học chính khóa chiếm phần lớn nên thời gian tham gia các hoạt động trải nghiệm còn hạn chế (chiếm tỉ lệ 26,7%). Mặt khác, lý do không kém phần quan trọng là chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường nên một số phụ huynh không muốn con tham gia vào các hoạt động ngoài giờ lên lớp vì sợ không đảm bảo được chương trình học chính khóa (chiếm tỉ lệ 16,7% và 13,3%).

Để học sinh biết tự bảo vệ mình

Theo Đào Khánh Chi, sở dĩ kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục ở học sinh tiểu học có điểm trung bình thấp nhất cũng dễ giải thích bởi trong suy nghĩ của đại đa số học sinh, các bậc phụ huynh và của 1 bộ phận nhỏ giáo viên vẫn cho rằng lứa tuổi học sinh tiểu học còn nhỏ, nguy cơ bị xâm hại tình dục là chưa nhiều nên công tác giáo dục phòng chống xâm hại tình dục cho các em chưa thực sự cấp bách, vì vậy, đôi khi còn chưa chú trọng phòng chống.

Khi đưa ra các tình huống học sinh bị xâm hại, đã có 63,1% học sinh lớp 4 đã trả lời “Em không nói vì em sợ bị đánh”, 9% học sinh trả lời “Em không nói vì bố em nóng tính lắm”.

Thực tế đã có trường hợp học sinh tiểu học bị xâm hại nhiều lần nhưng do sợ mà các em không dám nói với người lớn. Chính vì thế, lợi dụng tâm lí này mà những kẻ xâm hại thường dọa nạt khiến các em sợ hãi. Khi Linh và Chi trò chuyện với giáo viên ở một số trường tiểu học như: Trường Tiểu học Sơn Tình, Trường Tiểu học Tuy Lộc, Trường Tiểu học Thanh Nga (Phú Thọ),... về thực tế giảng dạy kĩ năng ứng phó với hành vi xâm hại tình dục cho học sinh tiểu học, nhiều giáo viên còn thấy e ngại, họ cho rằng học sinh tiểu học còn quá nhỏ để nói về những vấn đề nhạy cảm, tế nhị đó.

“Vì vậy, một điều quan trọng và cơ bản là phụ huynh học sinh và giáo viên cần dạy các em cách nhận biết đâu là những hành vi xâm hại tình dục, những thủ đoạn mà kẻ xâm hại tình dục thường hay sử dụng, cách ứng phó trong những tình huống bị xâm hại bằng những từ ngữ đơn giản, dễ hiểu, minh họa bằng hình ảnh trực quan giúp học sinh tiểu học dễ dàng tiếp thu”, Khánh Chi cho hay.

Từ những kết quả nghiên cứu, Khánh Linh và Khánh Chi cho rằng bên cạnh những giải pháp đang thực hiện, cần áp dụng giải pháp chống xâm hại cho học sinh tiểu học thông qua hoạt động trải nghiệm.

Đó là giúp học sinh vận dụng tri thức, vốn kinh nghiệm để nhận diện, ứng phó những nguy hiểm từ những tác động bên ngoài nhằm tránh gây tổn thương nhất định, đảm bảo về mặt tâm lý và tinh thần được an toàn, khỏe mạnh và phát triển đầy đủ.

Cụ thể, nhà trường và giáo viên cần thiết kế và tổ chức các trò chơi phòng chống xâm hại cho học sinh tiểu học thông qua hoạt động trải nghiệm như trò chơi múa rối, trò chơi dân gian, trò chơi vận động… với các chủ đề phòng chống những hành động tự xâm hại; phòng chống xâm hại tình dục; phòng chống bắt cóc.

Nhà trường cần thiết kế và tổ chức các hội thi phòng chống xâm hại cho học sinh tiểu học thông qua hoạt động trải nghiệm: các hội thi vẽ tranh, sáng tác truyện; sáng tác thơ. Thiết kế và tổ chức môi trường khuyến khích học sinh tiểu học tương tác và trải nghiệm... Khánh Chi và Khánh Linh cũng đã áp dụng giải pháp trải nghiệm tại một số trường tiểu học của Phú Thọ thông qua múa rối nước hay xuất bản sách. Những hoạt động này được học sinh, phụ huynh đón nhận và đánh giá cao.

MỚI - NÓNG