ĐH đẳng cấp Quốc tế: Cần xây dựng“Văn hóa trường”

ĐH đẳng cấp Quốc tế: Cần xây dựng“Văn hóa trường”
TP - Một nguồn tin chính thức từ Văn phòng Chính phủ cho hay trong tuần này sẽ có quyết định của Thủ tướng về việc thành lập Tổ công tác soạn thảo đề án xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế.
ĐH đẳng cấp Quốc tế: Cần xây dựng“Văn hóa trường” ảnh 1
TS Vũ Thành Tự Anh

Trước đó, Thủ tướng đã có ý kiến về việc sẽ thành lập Tổ công tác soạn thảo đề án xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế do ông Trần Xuân Giá, Trưởng Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục làm Tổ trưởng.

Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với TS Vũ Thành Tự Anh-Giám đốc nghiên cứu của Chương trình Fulbright Việt Nam- về mô hình ĐH đẳng cấp quốc tế.

TS Tự Anh nói: Ý kiến của tôi là nên xây một trường hoàn toàn mới. Phương án nâng cấp một trường hiện có là ít khả thi vì cho đến tận bây giờ, cả nước vẫn chưa có lấy nổi một trường đại học nghiên cứu. Đấy là chưa kể đến thực tế nhiều năm nỗ lực cải thiện chất lượng của hai trường ĐHQG không thành công.

Một trường đại học đẳng cấp thế giới thì phải có “văn hóa trường” tương thích, mà để thay đổi “văn hóa” của trường đã được hình thành và định hình hàng mấy chục năm là điều rất khó và đòi hỏi phải có thời gian. Phương án phát triển các khoa riêng rẽ càng không khả thi vì thực trạng chất xám bị phân tán rải rác ở nhiều trường như hiện nay.

Thêm vào đó, nếu như cả nước Việt Nam trong năm 2005 chỉ có duy nhất một đơn xin cấp bằng sáng chế (theo thống kê của WIPO), và rồi số lượng bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí nước ngoài chỉ dừng ở con số vài ba trăm mỗi năm (trong đó khoảng 3/4 là do hợp tác với các nhà khoa học nước ngoài, số còn lại tập trung rất nhiều ở các viện nghiên cứu) thì không thể hy vọng vào việc phát triển các khoa ở các trường hiện có thành những đầu tầu cho trường đại học đẳng cấp quốc tế.

Phương án xây dựng một trường đại học hoàn toàn mới có thể khắc phục được những hạn chế của hai phương án kia. Tuy nhiên, nó lại có nhược điểm là rất tốn kém và đòi hỏi những kinh nghiệm mà chúng ta chưa có.

Thật may, theo tôi tài chính không phải là vấn đề lớn nhất của việc xây trường đại học đẳng cấp quốc tế đối với Việt Nam hiện nay. Còn về kinh nghiệm xây dựng đại học, cũng rất may là một số trường đại học hàng đầu của Mỹ là Harvard và Duke tỏ ra sẵn lòng  giúp đỡ chúng ta.

Sự thành công trong tương lai của một trường đại học đẳng cấp quốc tế đầu tiên ở Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào sự chuẩn bị của Tổ công tác soạn thảo đề án, vậy theo T.S Tổ công tác này cần hội tụ những yếu tố cần thiết nào cho sự thành công nêu trên?

Sự thực là tôi không có thẩm quyền để trả lời câu hỏi này, nhưng tôi xin đưa ra một vài ý kiến hoàn toàn có tính cá nhân. Đầu tiên, về mặt tổ chức, việc nhiều thành viên chủ chốt của Tổ công tác hiện đang nắm những vị trí quan trọng trong hệ thống Nhà nước, bận trăm công nghìn việc, lại rất phân tán về mặt địa lý sẽ là một hạn chế cho việc vận hành Tổ công tác một cách hiệu quả.

Vì vậy, bên cạnh nhóm thành viên kiêm nhiệm này, nên có một nhóm chuyên môn và một tổ thư ký, tốt nhất là làm việc toàn thời gian. Về mặt thành phần của nhóm chuyên môn trong Tổ công tác, theo tôi, cần có sự góp mặt của một nhà doanh nghiệp tài ba, người cung cấp một cách nhìn thực tế, phản ánh nhu cầu của những người trực tiếp tuyển dụng lao động.

Đồng thời, nhà doanh nghiệp này cũng có thể giúp Tổ công tác trong quá trình hoạch định, phân tích tài chính, và huy động vốn cho dự án. Cùng làm việc chặt chẽ với tổ chuyên môn này là một tổ thư ký gồm những người thực sự tháo vát, trong đó nên có một số thành viên đã từng du học ở nước ngoài vì điều này giúp họ nắm bắt nhanh vấn đề, hiểu được văn hóa làm việc của cả hai bên Việt Nam và Mỹ, và có thể giao tiếp và truyền đạt thông tin một cách hiệu quả.

Chúng ta biết là chúng ta cần một trường có thể đạt tới đẳng cấp quốc tế, ở Việt Nam và cho Việt Nam, trong vòng 10-15 năm tới, và đây là thời điểm đặt những nền móng đầu tiên vô cùng quan trọng.

Vì vậy, cần rất thận trọng nhưng cũng phải quyết đoán. Vì vậy, về mặt điều hành, tôi cho rằng Tổ công tác cần có khả năng “quyết định nhanh” đối với những vấn đề thuộc về thẩm quyền của mình.

Tất nhiên, Tổ công tác cũng sẽ phải có trách nhiệm giải trình đối với tất cả các quyết định của mình. Cuối cùng, cần nhấn mạnh thêm một điểm là nếu chúng ta tranh thủ sự trợ giúp của các trường của Mỹ thì Tổ công tác cần chủ động tạo ra một môi trường thân thiện cho việc thảo luận, và nếu cần, tranh luận một cách thẳng thắn với đối tác tương ứng phía Mỹ về những vấn đề quan trọng.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.