ĐH Khoa học Huế: Loạn âm thanh, thầy trò bị “tra tấn”

ĐH Khoa học Huế: Loạn âm thanh, thầy trò bị “tra tấn”
TP - Giảng đường H của trường Đại học Khoa học Huế, từ 5 - 6 năm nay được gọi là “dãy nhà khổ”. Khổ vì lớp này dạy, lớp kia bất đắc dĩ phải nghe.
ĐH Khoa học Huế: Loạn âm thanh, thầy trò bị “tra tấn” ảnh 1
Giảng đường Đại học Khoa học Huế

Sự cố nhiễu loạn âm thanh xảy ra nhiều năm nay liên tục được đề cập trong hầu hết các cuộc họp công đoàn từ khoa, phòng lên đến toàn trường, nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Giảng đường H có 4 tầng, 40 phòng, kinh phí đầu tư gần 7 tỷ đồng, thuộc loại hiện đại, đẹp nhất đại học Khoa học ở Huế. Đối lập với vẻ hào nhoáng bên ngoài, hiệu quả sử dụng dãy nhà này lại quá thấp, gây ra nhiều bức xúc.

Theo ông Nguyễn Phan Trung Tiến - Phó Chủ nhiệm khoa Lịch sử, giảng bài ở dãy nhà H mệt mỏi, tiêu tốn nhiều sức lực so với dạy ở các giảng đường khác; không thể kiểm soát và biểu cảm giọng nói của mình, còn sinh viên khó tiếp thu bài giảng vì bị âm thanh hỗn tạp “tra tấn”.

Những giảng viên nữ là chịu khổ nhiều nhất, họ hốc hác, phờ phạc sau các giờ “đánh vật” ở giảng đường H.

Mùa hè đến, các phòng phải bật  quạt trần, âm thanh càng ồn ào hơn. Giảng viên vào tiết lại không cùng giờ, thế là lớp này muốn học phải chờ lớp kia hết ồn mới bắt đầu. Quá mệt mỏi và bức xúc, có giảng viên không kìm được, bực tức: “Đập bỏ dãy nhà H đi!”.

Phó Hiệu trưởng Nguyễn Đức Quang thừa nhận: Vì loạn âm nên giảng dạy ở nhà H phải cố sức để hoàn thành tiết dạy”. Việc xây dựng nhà H - theo ông Quang, là do Đại học Huế thực hiện, từ việc khảo sát, lập dự toán, đến mời đơn vị tư vấn thiết kế. Hiện, nhiều ý kiến giáo viên cho rằng, khâu tư vấn thiết kế có vấn đề nên gây ra sự cố loạn âm thanh.

Năm 2002, nhà trường đã tổ chức họp với các bên tư vấn, xây dựng, chủ đầu tư để bàn biện pháp khắc phục, nhưng vẫn không đưa ra được phương án xử lý dứt điểm.

Một số lớp đành áp dụng thử các biện pháp như: che rèm, dùng giấy dày khoan lỗ áp với cửa kính, ốp thạch cao vào tường...  để giảm thanh. Giảng viên bất đắc dĩ phải dùng loa để dạy.

Theo kết luận ngày 3/3/2006 của ông Nguyễn Văn Chí (ĐH Kiến trúc Hà Nội), tình trạng loạn âm ở dãy nhà H là do kích thước phòng không hợp lý, thể tích nhỏ, trần thấp; trong khi thể tích giảng đường phải bảo đảm từ 3,5 - 4m3/người.

Mặt khác, hành lang bị dội âm, cửa vào phòng đóng không kín. Trong giờ học, chỉ một lớp ra chơi là ảnh hưởng toàn bộ dãy nhà.

Phía đơn vị tư vấn thiết kế là Cty Cổ phần tư vấn Xây dựng TT-Huế thì đưa ra lý do: Thiết kế cũng đã tính đến vấn đề âm thanh, ban đầu đã có phương án làm hành lang rộng, cửa gỗ, nhưng đơn vị chủ quản đầu tư dự án là Bộ GD-ĐT xét duyệt lại không chấp nhận, vì kinh phí hạn hẹp.

Theo ông Ngô Tuấn Minh– Giám đốc Cty, để khắc phục tình trạng hiện nay, nên thay cửa kính khung nhôm bằng cửa lật chớp gỗ với kinh phí khoảng 150 triệu đồng; tháo lớp cửa kính bao bọc bên ngoài dãy nhà (từ tầng 3 xuống), nhưng như vậy phải chấp nhận mưa tạt và khí lạnh mùa đông.

Nghe các phương án giải quyết giảng viên, sinh viên Đại học Khoa học Huế vẫn chưa thể yên tâm.

MỚI - NÓNG