ĐH Mỹ mở rộng cửa đón sinh viên Việt Nam

ĐH Mỹ mở rộng cửa đón sinh viên Việt Nam
TPO - Tại buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề "Cơ hội du học tại Mỹ" trên Tiền phong Online, ông Michael W. Michalak - Đại sứ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại VN đã khẳng định như vậy và mong muốn tiếp tục mở rộng sự hợp tác về giáo dục giữa hai nước.

>> Bài phát biểu của Đại sứ Mỹ tại buổi giao lưu trực tuyến
>> Video buổi trực tuyến

Dưới đây là toàn văn nội dung buổi trực tuyến : 

Mở đầu buổi trực tuyến, Tổng biên tập báo Tiền phong Dương Xuân Nam đã thay mặt hàng triệu bạn đọc báo Tiền phong cảm ơn Ngài Đại sứ đã có mặt trong buổi giao lưu hôm nay.

Tổng biên tập Dương Xuân Nam nói: Cách đây không lâu, Ngài Đại sứ nhiệm kỳ trước Michael Marine đã có cuộc giao lưu với bạn đọc qua báo Tiền phong Online. Buổi giao lưu đã để lại ấn tượng rất tốt đẹp trong hàng triệu bạn đọc trong nước và ở khắp nơi trên thế giới của báo Tiền phong.

Việt Nam và Mỹ hiện đang có mối quan hệ tốt đẹp. Chúng ta đang nhìn về tương lai hợp tác giữa hai nước. Như chúng tôi thường nói, gác lại quá khứ để hướng tới tương lai.

ĐH Mỹ mở rộng cửa đón sinh viên Việt Nam ảnh 1
Tổng biên tập báo Tiền phong Dương Xuân Nam phát biểu trong buổi giao lưu
Nói về tương lai là nói về người trẻ, thế hệ trẻ. Tiền phong là diễn đàn của thế hệ trẻ Việt Nam. Báo có đến 5 ấn phẩm, gồm nhật báo, báo điện tử, các tạp chí. Tiền phong là tờ báo có uy tín hàng đầu ở Việt Nam.

Hiện nay, nhiều người trẻ ở Việt Nam rất quan tâm đến kinh tế, nền khoa học tiên tiến, nền giáo dục có hiệu quả, năng động của Mỹ. Vì thế, trong phạm vi giao lưu hôm nay, chúng ta sẽ hướng tới đề tài về du học tại Hoa Kỳ.

Chúng tôi đã giới thiệu cuộc giao lưu này trên báo từ hôm qua và nhiều bạn đọc đã biết đến, vì vậy hy vọng Ngài Đại sứ sẽ cung cấp những thông tin bổ ích cho các bạn đọc.

Hy vọng, cuộc giao lưu mang lại nhiều thông tin bổ ích, hấp dẫn cho bạn đọc.

Một lần nữa, xin được cảm ơn Ngài Đại sứ và các thành viên trong đoàn. Chúc Ngài Đại sứ sức khỏe và may mắn. Xin cảm ơn!

Tiếp theo, Ngài Michael W. Michalak - Đại sứ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam đã có bài phát biểu với bạn đọc của Tiền phong Online. Ngài Michalak cám ơn báo Tiền phong đã mời ông đến tham gia buổi trực tuyến thú vị này đồng thời gửi lời chúc mừng một năm mới hạnh phúc tới toàn thể độc giả. Xem toàn văn bài phát biểu của Ngài Đại sứ tại đây.

ĐH Mỹ mở rộng cửa đón sinh viên Việt Nam ảnh 2
Ngài Michael W. Michalak
Chính phủ Mỹ có những chính sách cụ thể gì để hỗ trợ cho sinh viên các nước nghèo (chẳng hạn như Việt Nam) muốn đến Mỹ học? Ví dụ khuyến khích các trường đại học của Mỹ giảm từ 50 - 90% học phí và tạo điều kiện cho sinh viên được phép đi làm thêm để cải thiện đời sống... (Nguyễn Tuấn Anh, 17 tuổi, Bạch Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Ngài Michael W. Michalak: Chính phủ Mỹ hiện nay đang thực hiện một số chương trình học bổng, trong đó có học bổng Fulbright. Học bổng này cấp cho khá nhiều sinh viên Việt Nam sang học tập tại Mỹ và giảng viên của Mỹ sang giảng dạy ở Việt Nam.

Ngoài ra, Chính phủ Mỹ cũng tài trợ cho Quỹ Giáo dục Việt Nam VEF, gửi 100 SV sang Mỹ học khoa học, kỹ thuật. Nhiều trường ĐH của Mỹ cũng có chương trình tài trợ cho sinh viên nước ngoài.

Ngoài ra, nhiều Cty của Mỹ có khóa đào tạo tại Mỹ hoặc ngay ở Việt Nam. Tôi muốn các bạn vào trang web của Đại sứ quán Mỹ, qua đó có một số trang web khác giới thiệu hỗ trợ tài chính tại Mỹ.

Xin Ngài vui lòng cho tôi biết tiêu chí cao nhất để vào học tại Mỹ. Tôi muốn học hỏi tại Mỹ để góp phần làm cho đất nước tôi hùng cường! (Nguyen Hoa An, 27 tuổi, Ha Noi)

ĐH Mỹ mở rộng cửa đón sinh viên Việt Nam ảnh 3
Ngài Michael W. Michalak: Chúng tôi hoan nghênh tất cả các bạn sinh viên và những ai muốn đến Mỹ học tập. Ở Mỹ có 4.000 trường được xếp hạng và tôi nghĩ bất cứ ai cũng có thể tìm được trường phù hợp. Có một số bằng cấp mà các bạn cần có để xin visa sang học. Một điều kiện khác là phải có năng lực tài chính nhưng không nhất thiết phải có đủ số tiền.

Chúng tôi cũng cần nhìn thấy những bằng chứng mà bạn có thể học tốt trong môi trường đại học của Mỹ. Bạn cần có hồ sơ học tập tốt. Ngoài ra, bạn cần phải nói được tiếng Anh tốt để có thể sống ở nơi bạn đến học tập. Bạn phải chứng minh sẽ và có ý định trở về VN sau khi học xong. Ngoài ra còn có rất nhiều thông tin khác mà bạn có thể tìm thấy trên website của Đại sứ quán Mỹ và website của Tổng lãnh sự quán Mỹ ở địa chỉ: http://hanoi.usembassy.gov/ và http://hochiminh.usconsulate.gov.

Trong phần 2 câu hỏi của bạn tôi có thể trả lời rằng sau khi bạn học xong ở Mỹ và quay trở lại Việt Nam thì tôi tin rằng Việt Nam sẽ trở nên hùng mạnh dù có học ở Mỹ hay không. Tuy nhiên, tôi nghĩ việc học ở Mỹ mang lại những lợi thế cho Việt Nam. Việc học và sống trong môi trường quốc tế là tài sản giúp bạn học và sống tốt hơn trong môi trường toàn cầu.

Hiện tôi có con trai đang du học tại Mỹ từ năm 2005. Anh của cháu sắp tốt nghiệp Đại học Việt Nam và có nguyện vọng du học bậc Thạc sĩ. Xin cho hỏi có trở ngại gì khi người em còn đang du học? Ông có thể cho biết mức học phí cũng như có thể xin đi làm thêm không? (Đỗ Ngọc Thanh, 54 tuổi, 489A/21/23 Hùyng Văn Bánh, Phú Nhuận, TPHCM)

Ngài Michael W. Michalak: Tôi nghĩ không có vấn đề gì về người anh vừa tốt nghiệp đại học, muốn đi Mỹ. Anh ấy phải nộp hồ sơ, căn cứ vào kết quả học tập của anh ấy chứ không ảnh hưởng đến người anh em đang học tại Mỹ.

Về học phí, tốt nhất gia đình nên lên Internet để tìm hiểu vì các trường có mức khác nhau nên không thể có câu trả lời đơn giản cho câu hỏi này.

Về vấn đề làm việc, tùy theo trường nhưng nói chung là có thể đi làm việc được, tuy nhiên bạn nên tham khảo thông tin ở Phòng Lãnh sự của chúng tôi về điều kiện sinh viên được đi làm.

Ngoài ra, tôi được biết, một số trường cho phép sinh viên được làm việc như trợ giảng, trợ lý nghiên cứu nhưng rất hạn chế. Tốt nhất bạn nên tìm hiểu trước vì mỗi trường có một yêu cầu khác nhau. 

Những ngành khoa học xã hội như báo chí, văn học... có được cấp học bổng du học Mỹ không? (Tuyết Hạnh, 22 tuổi, Hà Nội)

Ngài Michael W. Michalak: Chắc chắn rồi, bạn có thể tìm học bổng và hỗ trợ tài chính cho bất kỳ khóa học nào tại Mỹ. Có một số quỹ hoặc tổ chức chỉ có học bổng dành cho một số ngành cụ thể nhưng các trường đại học thì có học bổng và hỗ trợ tài chính cho tất cả các ngành khác nhau. 

ĐH Mỹ mở rộng cửa đón sinh viên Việt Nam ảnh 4
Tôi là người khuyết tật chân phải, đã tốt nghiệp ĐH Sư phạm khoa Nga - Anh, hiện đang làm biên tập cho một đài truyền hình địa phương. Tôi muốn du học về truyền thông nhưng không biết có trường nào ở Mỹ tiếp nhận người khuyết tật và chi phí như thế nào? (Đỗ Thị Ngọc Thiền, 31 tuổi, 479/4 Phan Xich Long, phường 1, quận Phú Nhuận, TPHCM)

Ngài Michael W. Michalak: Dĩ nhiên là được. Không có sự phân biệt đối với người người khuyết tật đi học ở Mỹ. Ở Mỹ luật không cho phép và chúng tôi cũng không bao giờ phân biệt đối xử với người khuyết tật. Người khuyết tật có thể học tập, vui chơi bình đẳng như những người bình thường.

Ngài Michael W. Michalak: Thực ra tôi không biết chắc các trường đại học quyết định hỗ trợ tài chính thế nào cho những sinh viên giỏi nhưng các sinh viên giỏi thường nhận được học bổng dựa trên thành tích học tập của họ. Có nhiều hình thức hỗ trợ tài chính khác nhau dành cho sinh viên, nó tùy thuộc vào kết quả học tập của SV đó tốt đến đâu.

Ngoài ra, có những chương trình cho vay dành cho sinh viên. Bất cứ ai cũng có thể vay tiền nhưng các bạn cần vào xem thông tin trên web của các trường vì mỗi trường có một điều kiện khác nhau.

ĐH Mỹ mở rộng cửa đón sinh viên Việt Nam ảnh 5
Em dang du hoc tai Han Quoc va em muon apply qua My, nhung muon xin visa sang My thi luon yeu cau phong van truc tiep. Em co the xin phong van tai Dai su quan My o Han Quoc khong? Cho em hoi cac truong trao hoc bong cho sinh vien hoc cao hoc nganh vien thong? (Phan Tran Linh Thao, 24 tuổi, Seoul, Han Quoc)

Ngài Michael W. Michalak: Bạn có thể đến ĐSQ hoặc Lãnh sự quán Mỹ tại Hàn Quốc để xin visa và thực hiện phỏng vấn. Ở Mỹ có rất nhiều trường có chuyên ngành về viễn thông. Hầu hết các trường về chế tạo máy, khoa học đều có khoa học về điện tử, viễn thông và bạn có thể xin vào đó để học về ngành viễn thông. Nếu bạn quan tâm học một ngành hẹp nào đó thì tôi khuyên bạn đến Phòng Văn hóa của ĐSQ Mỹ ở gần nhất để xin tư vấn. Tại Văn phòng đó có người giúp bạn tìm thông tin và thu hẹp diện thông tin tìm trường hoặc ngành học thích hợp.  

Con tôi hiện đang học năm thứ ba đại học tại Mỹ. Sang năm cháu có ý định sang thăm người nhà tại Áo. Làm ơn cho hỏi viêc xin visa khi trở lại Mỹ từ Áo có khó khăn gì không? (Dang Binh Duc, 50 tuổi, 27 Đặng Tiến Đông, Hà Nội)

Ngài Michael W. Michalak: Tôi không nghĩ là có khó khăn gì, tuy nhiên tôi khuyên bạn nên tìm hiểu thông tin trước. Tôi chưa biết trường hợp nào khó khăn trong trường hợp bạn nói. Vì vậy tôi khuyên bạn đến gặp cơ quan xuất nhập cảnh của Mỹ để có thêm thông tin. 

ĐH Mỹ mở rộng cửa đón sinh viên Việt Nam ảnh 6
Tôi là cán bộ, công chức, hiện nay tôi muốn đi du học tại Mỹ, tôi xin hỏi: Với Tấm bằng cử nhân của một trường ĐH ở Việt Nam cấp sang Mỹ liệu có được công nhận và được dự thi cao học ngay không hay phải học thêm và để học cao học ở Mỹ? Ngoài các điều kiện bắt buộc thì mức kinh phí dành cho một khoá đào tạo thạc sỹ tại một trường ĐH cao nhất là bao nhiêu USD? (Dương Danh Vỹ, 28 tuổi, TP Vinh)

Ngài Michael W. Michalak: Câu hỏi của bạn rất hay nhưng không dễ trả lời. Cái đó tùy thuộc vào bằng của bạn cấp ở Việt Nam khi nào và bằng đó là bằng gì và bạn dự định học ngành cao học gì ở Mỹ và học ở đâu. Đây là vấn đề phức tạp nên tôi khuyên các bạn vào trang web cua  ĐSQ hoặc lãnh sự quán Mỹ, ở đó có đườnglink đến mục tư vấn của VIện Giáo dục quốc tế IIE. Các chuyên gia của Viện này sẽ giúp tư vấn cho các bạn. Các chuyên gia của IIE cũng có thể giúp bạn tìm được những trường phù hợp với ngành học của bạn.

Vì bạn là công chức nên tôi cũng muốn nói có những trường ĐH ở Mỹ coi công chức là một điều kiện để được vào học. Bạn cần có thêm thông tin và tôi khuyên bạn cần tham khảo ý kiến tư vấn của các chuyên gia tại IIE.

Tôi sắp tốt nghiệp Đại học ở Nga, ngành Kinh tế. Nếu tôi lấy được bằng TOEFL vào tháng 3 hay tháng 5/2008 thì tôi có xin học tiếp cao học vào tháng 9/2008 được không? Ở những trường nào? Nguyen Tung Lam, 21 tuổi, Lien bang Nga)

Ngài Michael W. Michalak: Câu trả lời của tôi là có thể được nhưng bạn phải làm việc với tốc độ cao hơn nữa để có đủ bằng cấp, tài liệu xin visa. Hiện nhiều người đã bắt đầu làm thủ tục xin vào các trường của Mỹ cho khóa học mùa thu năm nay.

Bạn nên tham khảo thông tin trên trang web của Đại sứ quán và Viện Giáo dục Quốc tế IIE. Một lần nữa, tôi nhấn mạnh là bạn phải nhanh chân lên.  

Thưa ông Đại sứ, tôi có một người em gái đang chờ đi Mỹ theo diện bảo lãnh (cha bảo lãnh con). Em tôi vừa tốt nghiệp Đại học Kinh tế. Em tôi có thể nộp hồ sơ xin đi du học ở Mỹ được không? (Tony Nguyen, 32 tuổi, LA, USA).

Ngài Michael W. Michalak: Tôi nghĩ bạn vẫn có thể nộp đơn xin học bổng nhưng bạn phải trao đổi với bộ phận Lãnh sự của ĐSQ Mỹ hoặc Tổng lãnh sự quán Mỹ. Họ sẽ tư vấn cho bạn việc xin visa của bạn nằm trong hạng mục visa nào. Vì nằm trong diện bảo lãnh nên bạn sẽ cần một loại visa riêng. 

ĐH Mỹ mở rộng cửa đón sinh viên Việt Nam ảnh 7
Hiện nay chúng tôi đang xây dựng Đề án đào tạo, cán bộ, công chức, viên chức tại nước ngoài cho tỉnh chúng tôi, trong đó địa chỉ nước đào tạo có Mỹ. Vậy thưa ông, khi đối tượng là cán bộ, công chức đi học thì có được ưu đãi gì trong học tập không? (Dương Danh Vỹ, 28 tuổi, TP Vinh)

Ngài Michael W. Michalak: Vâng, họ có thể được ưu đãi. Tôi thấy thú vị khi biết chương trình đề án đào tạo của các bạn. Chúng tôi có thể có trợ giúp cho các bạn nhưng nó tùy thuộc vào năng lực của những người được cử đi đào tạo cũng như họ học gì ở Mỹ.

Tôi khuyên các bạn nên gửi email tới Phòng Văn hóa của Đại sứ quán Mỹ hoặc Tổng lãnh sự quán Mỹ. Địa chỉ liên lạc có thể được tìm thấy trên trang web của ĐSQ Mỹ (hanoi.usembassy.gov) và trang web của Tổng lãnh sự Mỹ (hochiminh.usconsulate.gov). Xin lưu ý, thông tin bạn gửi càng cụ thể càng tốt.

Kết thúc buổi giao lưu trực tuyến, ngài Michael W. Michalak chia sẻ: Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến tất cả các bạn làm việc ở báo Tiền phong đã dành cho tôi cơ hội được trao đổi với bạn bè ở khắp mọi nơi của Việt Nam. Tôi cũng rất hài lòng vì có những câu hỏi rất chi tiết và cụ thể về du học của các bạn.

Rất tiếc tôi đã không còn làm những công việc về visa nữa trong thời gian dài nên không thể trả lời hết các câu hỏi của các bạn. Tôi khuyên các bạn gửi email đến cho nhân viên lãnh sự của ĐSQ và Tổng lãnh sự Mỹ vì những người này là những người làm trực tiếp nên họ sẽ có những câu trả lời cụ thể và chính xác cho các bạn.

Điều mà tôi muốn nói với các bạn tham gia giao lưu là đừng sợ đặt các câu hỏi. Nước Mỹ luôn hoan nghênh các bạn đến học tại các trường ĐH và các trường ở cấp thấp hơn của Mỹ. Nước Mỹ đánh giá cao sự quyết tâm, kỹ năng và chất lượng của sinh viên Việt Nam.

Chúng tôi muốn thấy có nhiều hơn nữa các bạn sinh viên sang Mỹ học. Tôi cũng muốn nói các bạn hãy tiếp tục đặt câu hỏi và tôi sẽ tiếp tục trả lời. Tôi cũng sẽ làm việc với Chính phủ Mỹ, Chính phủ Việt Nam, các tổ chức tư nhân để tăng số lượng sinh viên Việt Nam sang Mỹ du học, đồng thời tạo điều kiện cho các bạn được tham gia các khóa đào tạo của Mỹ tại Việt Nam. 

ĐH Mỹ mở rộng cửa đón sinh viên Việt Nam ảnh 8

Ông Nguyễn Ngọc Nam – Phó tổng biên tập báo Tiền phong - nói:

Thay mặt bạn đọc, chúng tôi xin cảm ơn Ngài Đại sứ. Chúng ta đã rất cố gắng nhưng chắc chắn là chưa đáp ứng được toàn bộ mong muốn của bạn đọc. Nhưng tất cả bạn đọc của chúng tôi sẽ ghi nhận sự quan tâm của Ngài Đại sứ và những trang web Ngài giới thiệu sẽ giúp ích nhiều cho các bạn đọc tìm kiếm thông tin. Nếu có bạn đọc đặc biệt quan tâm nữa, chúng tôi sẽ chuyển tới Ngài Đại sứ. Một lần nữa xin chân thành cảm ơn.

MỚI - NÓNG