ĐH Việt mở cửa đón du học sinh Việt như thế nào?

ĐH Việt mở cửa đón du học sinh Việt như thế nào?
TPO - Bộ GD&ĐT đã có văn bản yêu cầu các trường ĐH trên cả nước mở cửa để đón du học sinh. Tuy nhiên, các trường sẽ tiếp nhận du học sinh như thế nào khi có sự khác biệt khá lớn về chương trình đào tạo giữa các quốc gia?

Khoa quốc tế, ĐH Quốc gia Hà Nội đã thông báo những điều kiện để tiếp nhận du học sinh Việt muốn học tại khoa.

Theo đó, đối tượng là du học sinh đã tốt nghiệp chương trình THPT hoặc tương đương ở nước ngoài, có đủ sức khỏe học tập theo quy định hiện hành; Du học sinh đã tốt nghiệp chương trình THPT hoặc tương đương và đang theo học chương trình ĐH tại nước ngoài, có đủ sức khỏe học tập theo quy định hiện hành.

Căn cứ kết quả học tập ĐH ở nước ngoài và theo nguyện vọng, du học sinh sẽ được Khoa Quốc tế và đối tác xét công nhận, quy đổi điểm tương đương đối với một số học phần đã tích lũy được (nếu có) phù hợp với khung chương đào tạo đăng ký xét chuyển tiếp theo đúng quy định của Khoa Quốc tế, của ĐH quốc gia Hà Nội và của đối tác liên kết.

Thí sinh là du học sinh đăng ký xét chuyển tiếp vào học các ngành liên kết đào tạo tại Khoa Quốc tế cần đáp ứng đồng thời 3 điều kiện: có bằng/chứng chỉ tốt nghiệp THPT hoặc tương đương tại Việt Nam hoặc nước ngoài; Có chứng chỉ tiếng Anh IELTS 5.5 hoặc tương đương; Đạt yêu cầu phỏng vấn do Khoa Quốc tế tổ chức.

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết nhà trường sẵn sàng tiếp nhận các du học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế có nguyện vọng chuyển trường ĐH ở nước ngoài về học tại trường. Điều kiện là du học sinh phải phù hợp với các yêu cầu: Cơ sở giáo dục ĐH tại nước ngoài đang theo học có thứ hạng tương đương (hoặc cao hơn) thứ hạng của trường ĐH Bách khoa Hà Nội trong bảng xếp hạng ĐH của một trong các tổ chức xếp hạng quốc tế uy tín; sinh viên hiện tại đang học tập, minh chứng bởi tài khoản học tập còn hiệu lực (active).

Các du học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế có thể chọn lựa một trong các chương trình đào tạo phù hợp để theo học, bao gồm các chương trình hợp tác đào tạo với nước ngoài và các chương trình có ngôn ngữ giảng dạy bằng tiếng nước ngoài. Căn cứ vào chương trình học tập và kết quả học tập của sinh viên ở nước ngoài, Nhà trường xem xét miễn và công nhận tín chỉ cho sinh viên theo quy chế đào tạo.

Ông Nguyễn Phong Điền, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết thêm những em đã bỏ học thì không thể nhận.

TS. Lê Văn Út, Trưởng phòng Quản lý phát triển Khoa học và Công nghệ, trường ĐH Tôn Đức Thắng cho biết đây là chủ trương của Chính phủ; chỉ đạo của Bộ GD&ĐT rất kịp thời và nhân văn giúp cho du học sinh Việt có điều kiện học tập một cách liên tục.

Tuy nhiên, việc này cần phải thực hiện đúng theo quy định, quy trình và đúng chuẩn, không tùy tiện. Ngoài ra, cần xem xét ưu tiên cho những du học sinh được tiếp nhận vào các chương trình đào tạo quốc tế giảng dạy bằng tiếng Anh, các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài là hợp lý.

Đây cũng là cơ hội tốt để các bạn sinh viên có dịp trải nghiệm các chương trình học khác nhau, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế trong giáo dục và nghiên cứu ngày càng sâu rộng. Nhiều đại học Việt Nam đang rút ngắn dần khoảng cách về chất lượng với nhiều đại học uy tín trên thế giới.

TS. Lê Văn Út thông tin, nhiều đại học Việt Nam như ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH quốc gia Hà Nội, ĐH quốc gia TP.HCM, ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Cần Thơ, ĐH Đà Nẵng, ĐH Huế... đã được xếp hạng cùng với các đại học uy tín trong khu vực hoặc trên thế giới nên có thể nói chất lượng giáo dục và nghiên cứu có thể tương đương nhau. Do đó, việc lựa chọn học các ĐH này thì bằng cấp cũng sẽ tương đương với nhiều đại học đồng hạng trong khu vực và trên thế giới. Và điều thú vị là nếu chọn học các ĐH tương đương ở Việt Nam thì sẽ tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, theo TS. Út, bước đầu, có thể các em sẽ cảm thấy hụt hẫng vì đã không thực hiện trọn vẹn ước mơ du học, nhưng từng bước thì các em cũng sẽ quen. Nhiều ĐH tiên tiến ở Việt Nam đã có cải cách trong các chương trình đào tạo theo hướng hội nhập nên du học sinh cũng sẽ dễ dàng hòa nhập. Về sự sẵn sàng của các trường với việc này thì đây là vấn đề có thể gây khó khăn cho không ít ĐH vì liên quan nhiều đến thủ tục, chỉ tiêu, quy trình, quy chuẩn.... “Do đó, tôi nghĩ Bộ đã chỉ đạo là xem xét ưu tiên chương trình đào tạo quốc tế giảng dạy bằng tiếng Anh, các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài là hết sức phù hợp", TS. Lê Văn Út nói.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.