Đi học cùng SV khiếm thị

Đi học cùng SV khiếm thị
Từ năm SV khiếm thị đầu tiên vào ĐH (năm học 2000-2001) ở TP.HCM, giờ đây đã có 34 bạn đang ngồi chung giảng đường với bao SV khác. Chúng tôi đã đi học cùng những SV đặc biệt này.

Theo chân Nguyễn Quyết Thắng - lớp toán 1B bộ môn toán ĐH Sư phạm TP.HCM - từ nhà trọ đến trường bằng xe buýt (phương tiện đến trường rất hiếm SV khiếm thị chọn), chúng tôi vào lớp ngồi cạnh Thắng trong giờ làm bài tập môn giải tích. Trên tay Thắng là một xấp giấy bìa chỉ toàn chữ nổi hơn mười bài đã làm ở nhà.

Ngón tay Thắng lần mò trên những ký tự chữ nổi, tai chăm chú lắng nghe thầy sửa từng bài. Các bạn lên bảng viết bài giải, riêng Thắng đứng tại chỗ đọc cách giải của mình. Những hàm số, lũy thừa, trị tuyệt đối... - ngôn ngữ toán học với người sáng mắt đã khó nhưng với Thắng lại là sự thú vị.

Thắng nói khẽ: “Mình thích toán từ nhỏ, mỗi lần giải được một bài tập, cảm giác thật là sướng”. Thắng đặc biệt thích môn hình học không gian, vẽ hình và chứng minh trong tưởng tượng.

Thầy Nguyễn Thái Sơn - trưởng khoa toán tin - tâm tình: “Khi tìm đến khoa trình bày nguyện vọng trước kỳ thi ĐH, Thắng nói: “Nếu không được học toán thì em sẽ không biết học gì cả”, cũng giống y như câu nói của nhà toán học lỗi lạc bị mù Lev Semenovich Pontryagin vậy”.

Trước một hội đồng sơ tuyển các môn trực quan và trừu tượng, Thắng đều vượt qua dễ dàng. Cộng với kết quả tốt nghiệp THPT loại xuất sắc, khoa quyết định tuyển thẳng Thắng.

Có 11 SV khiếm thị đang theo học tại Trường CĐ Sư phạm mẫu giáo T.Ư 3. Ở tiết học dạy họa (nặn tượng), Lưu Văn Thành - SV năm 3 - ngừng tay nhào nặn đất sét cho biết: “Mình tưởng tượng theo cảm giác của ngón tay”.

Ở những môn dạy bằng trình chiếu PowerPoint, SV khiếm thị đều phải nhờ bạn miêu tả lại hình ảnh và cố gắng vận dụng trí tưởng tượng để tiếp thu bài. Huy Hoàng còn nhớ mãi một lần đi thực tập dạy HS mầm non, HS cầm cuốn truyện tranh bảo thầy đọc, thầy phải “dụ” trẻ chuyển sang chơi trò chơi.

Gập ghềnh đi với ước mơ

Đi học cùng SV khiếm thị ảnh 1
Nguyễn Quyết Thắng, SV năm 1 khoa toán - tin Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, trong giờ học môn giải tích - Ảnh: Tố Oanh

Chúng tôi lắng nghe tiếng đàn tranh réo rắt trả bài của Nguyễn Thị Phóng (bộ môn đàn tranh, năm 2 khoa cải lương - nhạc dân tộc Trường CĐ Sân khấu - điện ảnh).

Người em sáng mắt của Phóng đến trường học đến đâu thì ở nhà Phóng cũng bám theo học đến đó. Đến lớp 6, tuổi đã gần 20, Phóng quyết định phải được đến trường; được nhận vào lớp bổ túc văn hóa với phương pháp học nghe và nhớ.

Thi bằng vấn đáp hoặc đọc cho một bạn khác viết bài thi giùm có người giám sát riêng. Trong lần đi giao lưu văn nghệ với xã khác, Phóng gặp được một bạn khiếm thị biết viết chữ nổi đã hướng dẫn Phóng suốt ba tháng học thành thạo cách viết này. Một người hàng xóm dạy Phóng đánh đàn tranh và thật vui khi thấy việc chơi đàn trở thành niềm đam mê của cô, người mẹ xúc động bán đi đôi bông cưới để mua cho cô con gái cây đàn.

Rời vùng quê Vĩnh Long lên TP.HCM để tiếp tục con đường học, sáng nhập học, chiều Phóng lang thang đi tìm nhà trọ. Đang ở học kỳ 1 nhưng Phóng đã học sắp xong giáo trình của học kỳ 2. Thầy Lê Văn Hòa phụ trách chuyên môn cho biết: “Đàn tranh là loại đàn có kỹ thuật khó nhất trong các loại đàn dân tộc, nhưng tốc độ tiếp thu của Phóng nhanh gấp ba lần SV bình thường”.

Bên cạnh các SV khiếm thị là những người thầy, bạn bè tận tình. Ngày nào cũng thế, giờ học kết thúc, Thắng và một nhóm bạn ngồi lại cùng nhau giải những bài toán khó, rồi đọc đề bài mới vào máy ghi âm giúp Thắng. Hay bạn Nguyễn Hoàng Anh đã tình nguyện làm đôi mắt cho Phóng đi lại suốt hai năm qua.

Thầy Hòa thì đánh đàn bài mẫu thu âm vào băng cassette cho Phóng nghe luyện tập. Thầy Thái Sơn luôn liên lạc bằng email với hai SV đặc biệt của khoa để có những hỗ trợ kịp thời. Thư viện sách nói dành cho người mù (thuộc Hội Phụ nữ từ thiện TP) ghi âm những trang sách giáo khoa...

Trên con đường đi cùng ước mơ tri thức, mỗi bạn trẻ chúng tôi gặp đều mang một ước mơ hướng về cộng đồng. Như Kiều Oanh sẽ ở lại làm giáo viên tại mái ấm Thiên Ân, nơi đang đùm bọc cô; hay Phóng, Quyết Thắng, Huy Hoàng, Văn Thành... dự định sẽ về quê hương dạy đàn, dạy chữ cho trẻ khiếm thị vốn nhiều thiệt thòi...

Theo Tố Oanh-Lê Quỳnh
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG