Điểm chuẩn trường đại học “tốp trên” giảm mạnh

Thí sinh chia sẻ niềm vui khi làm được bài.
Thí sinh chia sẻ niềm vui khi làm được bài.
Tính đến thời điểm này hầu hết các trường ĐH, CĐ đã công bố điểm thi tuyển sinh 2014. Theo đó, các trường đại học không có Thủ khoa tuyệt đối, điểm chuẩn của nhiều trường đại học “tốp trên” giảm mạnh.

Khối Y - Dược, Kinh tế điểm chuẩn giảm!

Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội cho biết, dựa vào kết quả thi của thí sinh, trường dự kiến điểm chuẩn ngành bác sỹ đa khoa, điểm chuẩn năm nay có thể giảm từ 0,5 - 1 điểm; các ngành còn lại như Bác sĩ Răng Hàm Mặt, Bác sĩ Y học Cổ truyền, Bác sĩ Y học Dự phòng, Cử nhân Kỹ thuật Y học...dự kiến điểm chuẩn cũng giảm 1-2 điểm so với năm 2013.

Như vậy, mức điểm mà thí sinh đạt 9 điểm/1 môn đã không còn, điều đó cũng tạo sự công bằng hơn cho thí sinh giỏi do đề thi đã có tính phân hóa cao – vị lãnh đạo trường ĐH Y cho hay.

Tương tự, trường ĐH Dược Hà Nội có mức giảm đáng kể nhất - điểm chuẩn dự kiến là 23,5 điểm, thấp hơn năm ngoái tới 3,5 điểm.

Tại ĐH Y Phạm Ngọc Thạch, dự kiến ngành Bác sĩ đa khoa và Điều dưỡng có điểm chuẩn giảm hơn năm trước. Ngành Bác sĩ Đa khoa năm nay có 1.000 chỉ tiêu, tuy nhiên thống kê mức điểm (chưa gồm điểm ưu tiên) thì có 1.052 thí sinh được 21,5 điểm trở lên (năm 2013 lấy 23 điểm) nên dự kiến ngành này có xu hướng giảm. .

ĐH Y Dược TP.HCM dự kiến năm nay có thể giảm từ 0,5 đến 3 điểm ở nhiều ngành. Bởi ngành bác sĩ đa khoa có 342 TS đạt từ 25 điểm trở lên, trong khi chỉ tiêu cần tuyển là 400, như vậy dự kiến điểm chuẩn ngành bác sĩ đa khoa sẽ giảm (năm 2013 là 27 điểm).

Tại Trường ĐH Y dược Hải Phòng, ngành bác sĩ đa khoa năm nay có điểm chuẩn dự kiến là 24, giảm đáng kể so với mức 25,5 điểm ở mùa thi trước.

Còn khối trường kinh tế, dự kiến điểm chuẩn của trường ĐH Kinh tế quốc dân giảm so với năm trước, dự kiến khối A1, D1 (môn ngoại ngữ chưa nhân hệ số): 21 điểm.

Điểm chuẩn vào trường ĐH Ngoại thương cũng dự kiến hạ hơn so với năm trước từ 0,5 - 1 điểm. Theo GS. TS. Hoàng Văn Châu - Hiệu trưởng nhà trường, dự kiến điểm chuẩn khối A là 24 điểm, khối D 22 điểm, các ngành Ngoại ngữ 29 điểm (môn Ngoại ngữ nhân hệ số 2).

Còn Trường ĐH Thương mại dự kiến điểm sàn năm nay cho khối A là 17,5 điểm, thấp hơn năm trước 2,0 điểm.

Phân tích về mức điểm năm nay, Phó Hiệu trưởng Bùi Xuân Nhàn, một trong các lý do dẫn đến hiện tượng này là do tâm lý ngại ngần của thí sinh. Năm 2013, số hồ sơ vào trường tăng cao đột biến, mức điểm chuẩn cũng tăng lên và điều đó khiến thí sinh năm nay e ngại. Tuy vậy, theo nhà trường, lượng hồ sơ và điểm chuẩn lên xuống hằng năm theo dạng đồ thị hình sin cũng là tình trạng chung chứ không riêng gì ĐH Thương mại.

Điểm chuẩn khối Kỹ thuật, Sư phạm không tăng, khối xã hội tăng nhẹ!

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, dự kiến điểm chuẩn cũng giảm so với năm trước. Trường đã công bố điểm chuẩn dự kiến năm 2014. Theo lãnh đạo nhà trường, điểm chuẩn dự kiến sẽ trở thành điểm chuẩn chính thức của trường khi điểm sàn cho từng trình độ đào tạo và khối thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố không cao hơn điểm chuẩn dự kiến.

Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội có thí sinh dự thi đông nhất khu vực phía Bắc. Ông Kiều Xuân Thực - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho hay, điểm thi năm nay cao hơn năm ngoái, nhưng do trường tăng chỉ tiêu tuyển sinh 10% nên dự kiến điểm chuẩn tương đối ổn định.

Trong khi nhiều trường nhóm trên dự kiến giảm điểm chuẩn thì không ít trường thuộc nhóm giữa dự kiến sẽ tăng điểm chuẩn như trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã thông báo điểm chuẩn dự kiến. Theo đó, những ngành có truyền thống điểm cao năm nay vẫn giữ vững, như Sư phạm Toán, Sư phạm Văn…

Điểm trúng tuyển vào những ngành này tối thiểu phải bằng năm 2013. Học viện Báo chí và Tuyên truyền dự kiến điểm chuẩn tăng nhẹ so với năm 2013 bởi điểm thi của thí sinh cao hơn năm trước.

Để đảm bảo chất lượng, không hạ điểm chuẩn so với năm trước, nhiều trường dành nhiều chỉ tiêu để xét tuyển NV2 như Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông dự kiến dành 1000 chỉ tiêu xét tuyển NV2.

TS Lê Xuân Thành, Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng cho biết, dự kiến điểm chuẩn vào trường năm 2014 tương đương năm trước, khối A : 17 điểm; khối A1: 20 điểm, trường dành khoảng 400 để xét tuyển NV2.

Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã đưa ra mức điểm chuẩn dự kiến trúng tuyển kì thi tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2014. Theo đó, mức điểm chuẩn các ngành dao động từ 18 đến 22. Trường dự kiến dành chỉ tiêu tuyển NV2 với 11 ngành đào tạo, đều có điểm chuẩn dự kiến là 18 điểm.

Còn Trường phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho biết, toàn trường có đến 5.426 thí sinh đạt từ 16 điểm trở lên trong khi tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2014 của trường chỉ là 2.850, bởi vậy trường dự kiến tăng điểm chuẩn ở nguyện vọng 1 cho các ngành ĐH.

Trao đổi với PV, PGS.TS Lê Hữu Lập, Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông cho biết: “Các trường đại học không có thí sinh đạt điểm tuyệt đối là do đề thi năm nay khá tốt, phân hóa trình độ học sinh, phổ điểm của thí sinh đạt mức trung bình nhiều hơn nên phổ điểm thi của nhiều trường ổn định”.

Đến ngày 6/8, thống kê của Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD-ĐT cho thấy mới chỉ có bậc CĐ có 3 thí sinh đạt điểm tuyệt đối 30/30 và 2 thí sinh đạt 29,75 cũng được làm tròn lên 30 điểm. Trong khi đó, bậc ĐH chưa vẫn chưa có thủ khoa nào dành được 30/30 điểm ở 3 môn thi. Trong khi đó, năm 2013, cả nước đã có 11 thí sinh được 30 điểm.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, ngày 8-8 để đưa ra ba mức điểm xét tuyển cơ bản đối với ĐH và mức điểm xét tuyển cơ bản riêng cho CĐ. Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục có trách nhiệm tổng hợp kết quả thi chung của toàn quốc, làm cơ sở dữ liệu phục vụ cho hội đồng xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào xác định các mức điểm xét tuyển cơ bản.

Theo Hồng Hạnh

Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG