Điểm chuẩn vào đại học: Không thay đổi, có nhiều lựa chọn

Chấm thi tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Hà.
Chấm thi tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Hà.
TP - Các trường chủ trì cụm thi đại học (ĐH) đang hoàn tất công tác chấm thi những môn cuối.  Nhận định của các trường cho thấy, phổ điểm năm nay có sự phân hóa tốt và điểm chuẩn dự kiến của các trường không có nhiều biến động.

GS.TS Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết, trường đang chấm nốt môn thi tự luận cuối cùng. Theo đánh giá của GS Nam, cấu trúc đề thi và sự phân loại đề thi năm nay cũng tương tự như năm ngoái. Phổ điểm năm nay có nghiêng nhiều từ 5 điểm trở lên. “Môn Vật lý tại cụm thi Đà Nẵng có 83% bài thi  từ 5 điểm trở lên, môn Hóa học là 73%, môn Sinh học cũng trên 50%. Năm nay điểm 10 hiếm nhưng phổ điểm không thấp” - GS Nam nói.

Cũng theo Giám đốc ĐH Đà Nẵng, vì phổ điểm “đẹp” nên điểm chuẩn của các trường thuộc ĐH Đà Nẵng năm nay sẽ không thay đổi so với năm ngoái.  Theo đó, điểm chuẩn năm 2015 vào ĐH Bách khoa Đà Nẵng ngành có điểm chuẩn cao nhất là Công nghệ Thông tin và Kỹ thuật Cơ điện tử với 24 điểm. Đại học Kinh tế có khoa Kinh doanh Quốc tế lấy điểm chuẩn cao nhất: 23,75, khoa thấp nhất là Hệ thống thông tin quản lý (liên thông): 17. Đại học Sư phạm có điểm chuẩn cao nhất là khoa Sư phạm Toán học (khối A, A1) với 24, 25 điểm. Đại học Ngoại ngữ khoa Ngôn ngữ Nhật có điểm chuẩn cao nhất là 29,58 (đã nhân hệ số môn thi).

Tại ĐH Thái Nguyên, GS Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH cũng cho biết, điểm chuẩn năm nay vào các trường sẽ tương tự năm 2015. Đại học Sư phạm Thái Nguyên có chuẩn đầu vào các ngành từ 17,25 đến 26,26. Đại học Y dược lấy cao nhất 25,5 điểm. ĐH Kỹ thuật Công nghiệp từ 15 điểm đến 17 điểm, ĐH Nông lâm, ĐH khoa học các ngành điểm trúng tuyển từ 15 điểm…

Thí sinh trung bình khá chọn ngành, trường thế nào?

Cũng như những năm trước, những thí sinh đạt điểm từ 23 trở lên (với tổ hợp môn thi xét tuyển ĐH) thường rất dễ chọn trường, chọn ngành và cơ hội trúng tuyển NV1 rất cao. Nhưng với những thí sinh chỉ đạt từ 20 điểm đến ngưỡng đảm bảo chất lượng tối thiểu (điểm sàn) thường rất khó chọn trường và cơ hội trúng tuyển NV1 không cao. Đây là những thí sinh thuộc trường hợp “chấp chới”.

Theo GS Nam, để tăng cơ hội trúng tuyển từ đợt 1, thí sinh muốn vào trường nào, nên tham khảo điểm chuẩn của trường đó năm trước để lựa chọn. Ví dụ như với mức điểm từ 20 điểm trở lên thì nằm ở những ngành nào, trường nào, từ 20 điểm đến điểm sàn của Bộ GD&ĐT thì nằm ở những trường nào…

“Thí sinh nên suy nghĩ và quyết định chọn thì sẽ đúng và trúng hơn. Năm nay có nguyện vọng vào 4 ngành tại 2 trường ở đợt 1,  thí sinh có cơ hội nhiều nhất để lựa chọn học ngành mình thích” - GS Nam cho hay. Chính vì vậy, ĐH Đà Nẵng xét theo cụm  thuận lợi cho thí sinh hơn, các em có thể chọn 1 ngành tại 4 trường. Hay như nhóm GX  của Hà Nội, trong nhóm có trường thuộc top trên, có trường thuộc top giữa, có trường thuộc top dưới nên sẽ rất thuận lợi cho thí sinh.

“Mỗi thí sinh được 4 nguyện vọng nên cơ hội chọn ngành  phù hợp sẽ hẹp lại. Cơ hội trúng tuyển vào ngành muốn học sẽ cao hơn. Ví dụ như năm 2015, thí sinh cũng được chọn 4 ngành nhưng chỉ trong 1 trường nên các ngành khác nhau.  Còn năm nay, nếu thí sinh thích ngành công nghệ thông tin thì có thể chọn 2 trường có đào tạo ngành này, một trường “chấp chới” điểm, một trường điểm an toàn” - GS Nam khẳng định.

Ông Trần Khắc Thạc, Phó trưởng phòng đào tạo, ĐH Thủy lợi cho rằng, thí sinh cần bình tĩnh, tham khảo thông tin của các trường, các ngành mình yêu thích. Sau đó, dựa trên những ngành mình yêu thích để xem những trường nào đang đào tạo. Tiếp đến, căn cứ vào điểm chuẩn hằng năm và chỉ tiêu để xem lựa chọn ngành nào, trường nào. “Tôi cho rằng, các em đã yêu thích ngành nào  thì nên theo đuổi ngành đó” - ông Thạc nói.

Mặt khác, năm nay có 3 hình thức đăng ký, nên ông Thạc cũng đưa ra một số chú ý với thí sinh không đăng ký xét tuyển bằng hình thức trực tuyến. Thứ nhất, ngoài kê khai thông tin được đưa ra trên phiếu xét tuyển, khi nộp, thí sinh phải có biên nhận của bưu điện hoặc trường. Thứ hai, trong phiếu đăng ký xét tuyển phải có thông tin cá nhân như số điện thoại, email, địa chỉ  để các trường có thể liên lạc được khi cần thiết. Thứ ba, thí sinh muốn bất cứ  điều chỉnh nào, thì phải tích vào phiếu đăng ký để các trường biết.

Bên cạnh đó, theo ông Trần Khắc Thạc, với những thí sinh đạt điểm trung bình, trung bình khá cần lựa chọn những trường có chỉ tiêu cho ngành yêu thích lớn. Thứ hai là căn cứ điểm chuẩn hằng năm của trường để lựa chọn cho phù hợp.

Các trường ĐH phải công bố ngưỡng xét tuyển

Theo lịch trình, bắt đầu từ ngày 1/8, các trường ĐH sẽ bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 của thí sinh. Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, năm nay, trong công tác công bố điểm thi, xét tuyển NV1 của thí sinh có nhiều thay đổi.

Cụ thể, sau khi các cụm thi chấm điểm xong, dữ liệu sẽ được đưa về Bộ GD&ĐT và chạy đối sánh giữa cơ sở dữ liệu gốc tại trường và cơ sở dữ liệu nộp lên Bộ. Chỉ khi nào kết quả dữ liệu khớp thì các cụm mới được công bố điểm thi cho thí sinh. “Khác với năm 2015, năm nay, 120 cụm thi sẽ công bố điểm thi. Không nhất thiết các trường, các sở phải công bố điểm thi trong cùng một ngày nhưng Bộ sẽ có quy định công bố từ ngày nào đến ngày nào” - ông Mai Văn Trinh cho biết.

Cũng theo ông Mai Văn Trinh điểm mới trong công tác xét tuyển NV1 của các trường ĐH năm nay đó là thời gian xét tuyển NV1 chỉ kéo dài 12 ngày. Thí sinh có thể đăng ký bằng nhiều phương thức như đăng ký trực tuyến, đăng ký qua bưu điện và qua một số phương thức khác do các trường ĐH quy định.

“Năm nay, trước khi tiếp nhận đăng ký của thí sinh, các trường phải công bố ngưỡng nhận hồ sơ sau khi Bộ GĐ&ĐT công bố ngưỡng chất lượng tối thiểu. Điểm này khác với năm trước, để tránh tình trạng thí sinh điểm thấp vẫn nộp hồ sơ vào các trường top cao” - ông Trinh chia sẻ.

Ông Trinh cũng cho biết thêm, để phục vụ công tác đăng ký tuyển sinh trực tuyến của thí sinh, các trường THPT có hệ thống máy tính phải mở cửa hết công suất để phục vụ thí sinh.  

Theo quy định của ĐH Ngoại thương, năm nay trường chỉ xét những thí sinh đạt các yêu cầu như điểm trung bình chung học tập của từng năm lớp 10, 11, 12 từ 6,5 trở lên, hạnh kiểm của từng năm lớp 10, 11, 12 từ khá trở lên, điểm ba môn thi (theo tổ hợp môn xét tuyển) đạt mức điểm thông báo nhận hồ sơ xét tuyển của nhà trường.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.