Điểm sàn Đại học: Bao nhiêu thì vừa?

Điểm sàn Đại học: Bao nhiêu thì vừa?
Mọi năm, điểm sàn khối C, B thường cao hơn điểm sàn khối A, D. Nhưng năm nay tình hình có vẻ ngược lại trước “thảm cảnh” điểm thi hai môn văn và sử thấp đến mức kỷ lục. Dự kiến điểm sàn 15 của Bộ GD-ĐT xem ra đối với khối C khó mà khả thi...

Không chỉ thí sinh (TS) dự thi khối C, D hồi hộp chờ Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn, mà các trường có tuyển sinh hai khối này cũng thắc thỏm không kém, vì phương án xét tuyển lệ thuộc rất nhiều vào điểm sàn.

Phó phòng đào tạo ĐH KHXH & NV (ĐHQG TP.HCM) Trần Tịnh Đức cho biết: “Hiện nay trường đang xem xét cả hai phương án xét tuyển.

Phương án thứ nhất là lấy từ 15 điểm trở lên và nếu như vậy chỉ có khoảng 92% chỉ tiêu trúng tuyển. Phương án hai là lấy mức điểm tuyển 14 lẫn 15 nhưng tính chung vẫn chỉ đạt 96, 97% TS mà thôi. Do đó, có thể sẽ phải tuyển thêm NV2 cho một số ngành”.

Trong khi đó ở ĐH Luật TPHCM - một trường chưa hề biết NV2 là gì, năm nay cũng đã bắt đầu để ý tới phương án này vì điểm thi của khối C quá thấp. Điểm thi cao nhất của khối C - đồng nghĩa với thủ khoa khối này của trường - chỉ đạt 20,5 điểm.

Vì vậy, nếu như điểm chuẩn dự kiến khối A của trường này đã “yên bề” thì phương án xét tuyển cho khối C vẫn phụ thuộc rất lớn vào điểm sàn. Còn ở ĐH Sư phạm TPHCM, thông tin ban đầu cho biết trường này cũng sẽ tuyển thêm NV2 cho các khối thi, nhưng chủ yếu vẫn là tuyển cho các ngành ngoài sư phạm.

Thông thường mọi năm, các trường ĐH công lập đã rục rịch lên sẵn phương án xét tuyển và chỉ chờ điểm sàn là công bố ngay. Nhưng năm nay câu trả lời về phương án xét tuyển các khối C, D vẫn phải phụ thuộc điểm sàn, nghĩa là “hãy đợi đấy!”.

Đó là một thực tế vì không chỉ môn sử TS làm bài không được, mà ngay cả môn văn, lượng TS đạt điểm từ 5 trở xuống cũng hùng hậu không kém.

Ở ĐH Đà Lạt, khối C chỉ có 1.157/7.807 TS đạt từ 5 điểm trở lên. Tệ hơn, như ở Trường ĐH Sư phạm Đồng Tháp chỉ 83/1.374 TS đạt điểm 5 trở lên; ĐH Sư phạm TP.HCM cũng chỉ có 1.611/9.008 TS có mức điểm này trở lên.

Đối với môn sử, thống kê mới nhất tại ĐH KHXH & NV (ĐHQG TPHCM) cho thấy chỉ có gần 900 TS đạt từ 5 điểm trở lên, còn 3 điểm trở xuống có đến hơn 5.500/6.952 TS!

Trong bối cảnh đó, nếu lấy điểm sàn theo “chuẩn” 15 điểm thì dù tuyển thêm NV2 cũng không thể bảo đảm các trường đã tuyển đủ. Và vì vậy điểm sàn thấp hơn chuẩn trên là phương án đang được không ít TS lẫn các trường hi vọng...

Khốc liệt cuộc đua NV2?

Chuyện Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TPHCM) sớm công bố điểm chuẩn xét tuyển và thông báo luôn điểm xét tuyển NV2 xem ra không có gì là lạ. Nếu như mùa tuyển sinh 2004 trường này xét tuyển NV2 cho 12 ngành thì năm nay NV2 chỉ còn lại năm ngành, trong đó điểm xét tuyển thấp nhất là 19 điểm và cao nhất là 21,5 điểm.

Chỉ tiêu tuyển của trường cũng trở nên ít ỏi, từ 15 - 40 chỉ tiêu tùy theo ngành. Không phải trường này điểm thi TS không đạt, mà đó là “chiêu” để nâng cao thêm nữa chất lượng đầu vào của trường mình, thông qua cách tính lượng TS dự thi vào trường mình có điểm cao nhưng không trúng tuyển; trong khi có một số ngành do lượng TS dự thi ít, dẫn đến điểm chuẩn dự kiến không được cao như mong muốn.

Trong khi đó Trường ĐH Nông lâm TPHCM cũng dự kiến xét tuyển thêm NV2 cho một số ngành và thông tin ban đầu trường này đưa ra chính là những ngành mà năm trước trường đã thông báo xét tuyển.

Mùa tuyển sinh 2004, trường này đã dành 300 chỉ tiêu để xét tuyển NV2 vào 11 ngành bậc ĐH là cơ khí chế biến bảo quản nông sản thực phẩm, cơ khí nông lâm, chế biến lâm sản, công nghệ giấy và bột giấy, công nghệ thông tin, công nghệ nhiệt lạnh, điều khiển tự động, phát triển nông thôn và khuyến nông, kinh tế nông lâm, kinh tế tài nguyên và môi trường, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chuyên ngành ngư y.

Ngoài ra còn có 200 chỉ tiêu hệ CĐ vào bốn ngành công nghệ thông tin, quản lý đất đai, cơ khí và nuôi trồng thủy sản. Tương tự như vậy, Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM cũng lên phương án sẽ tuyển thêm NV2 cho một số ngành để nâng cao thêm chất lượng đầu vào.

Trước tình thế các trường công lập tiếp tục tuyển thêm NV2 và đưa ra mức điểm chuẩn cao đã thật sự gây thêm khó khăn cho các trường ĐH dân lập, bán công khi tổ chức xét tuyển NV2. Đối với các trường ĐH dân lập, bán công có tổ chức thi năm nay, không chỉ kết quả thi của khối C kém mà ngay cả các khối A, D, B cũng cùng cảnh ngộ.

Hi vọng tuyển được nhiều TS ở NV1 đã mong manh lại càng mong manh hơn trước số lượng “ảo” của số TS “thi dự phòng” vào các trường này. Có trường đã không biết nên cười hay khóc khi TS dự thi ở trường mình - có điểm thi cao nhất - lại có NV1 vào trường khác (chỉ mượn trường làm... điểm thi!).

Tất nhiên đối với NV2, các trường căng thẳng bao nhiêu thì TS cũng căng thẳng bấy nhiêu. Chỉ tiêu tuyển ở các trường ĐH công lập vốn đã ít ỏi, xét tuyển lại gay gắt..., nếu TS nộp hồ sơ xét tuyển không đúng, lựa chọn không kỹ càng thì cơ hội trúng tuyển càng xa vời.

MỚI - NÓNG