Kết thúc kỳ thi tuyển sinh ĐH,CĐ năm 2005:

Điểm sàn sẽ cao hơn năm trước

Điểm sàn sẽ cao hơn năm trước
Theo đánh giá chung, kỳ thi đã diễn ra tương đối nghiêm túc, tuy nhiên vấn đề lại nằm chính ở khâu ra đề thi. Đề thi dễ hơn, đáp án phải chỉnh sửa...

Ngay sau khi kỳ thi ĐH kết thúc, ông Nguyễn An Ninh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng, Trưởng Ban ra đề trả lời phỏng vấn Tiền Phong xung quanh vấn đề này.

Có ý kiến cho rằng đề thi vào đại học (ĐH) càng ngày càng dễ theo hướng...  “phổ thông hoá”, ông nghĩ thế nào về nhận định này?

Những TS đạt điểm tốt ở kỳ thi tốt nghiệp nếu cố gắng ôn luyện thi vào ĐH thì có thể đạt được điểm 7/10. Điều này phản ánh đúng là kỳ thi tốt nghiệp của chúng ta đạt yêu cầu, cho phép những TS như thế  xứng đáng có điều kiện vươn lên đạt điểm tốt ở kỳ thi vào ĐH.

Thực tế đề thi ĐH nào cũng có phần khó để phân loại theo 2 cách : có hẳn những câu khó hoặc câu nào cũng có phần đòi hỏi trả lời ở mức cao, TS không phân tích không suy luận thì chỉ được 3/4 đểm của câu đó và cũng  có những câu rất phổ thông...

Còn nếu có dễ cũng là để cho HS giỏi làm một cách trọn vẹn có nhận được điểm 10 thì TS cũng mừng, chúng ta cũng đều mừng cả.

Hàng triệu thí sinh đi thi thì chúng ta có quyền chọn ra rất nhiều thí sinh đạt cả 3 điểm 10 như thế chứ. Năm trước chỉ có  39 em đạt 3 điểm 10 tuyệt đối; năm nay, hy vọng, kỳ thi của chúng ta ngày càng chặt chẽ hơn,  số giỏi có thể vượt trội hơn.

Dư luận cho rằng đề thi dễ  hơn, số TS điểm 0 sẽ giảm và gọi đó là loại “đề thi vui vẻ cả làng”?

Dễ không có nghĩa là giảm được số điểm 0, chỉ chắc chắn là có nhiều điểm 10 thôi vì đề thi sát với trình độ của học sinh phổ thông (tỷ lệ khá giỏi phổ thông không phải là nhỏ). Đề thi dễ để có được những điểm 10 đúng là một hướng nhưng không có nghĩa là tránh những bài điểm 0.

Trong thi tốt nghiệp THPT, số HS bị 0 ít vì họ trách nhiệm là phải học để vượt qua kỳ thi đạt tốt nghiệp. Kỳ thi ĐH khác, gồm cả những TS đã thi vài ba lần, có TS không muốn đi thi (có một vài TS đến phút chót không làm được giấy báo thi thật thì đành làm giấy báo thi giả để đi thi, làm cha mẹ vui lòng). Phân tích như thế để thấy đề thi không ảnh hưởng tới số TS bị điểm 0.

Đề dễ như năm nay thì điểm sàn sẽ là  bao nhiêu và sẽ có bao nhiêu phần trăm TS đạt mức điểm TB, thưa ông?

Đề thi sát chương trình thì số điểm TB gần đến tuyệt đối vì HS đã được sàng lọc ở kỳ thi tốt nghiệp. Không có lý gì, thi một đề thi không khó hơn nhiều mà bỏ cuộc hoặc được vài điểm.

Dần dần chúng ta sẽ thấy nếu đề thi của ĐH  sát chương trình, hợp lý với TS hơn, điểm sẽ cao hơn. Trong trường hợp như vậy điểm sàn không cố định là 15 điểm. Điểm sàn không phải điểm TB . ĐS là để đánh giá xem trong kỳ thi đó thì lấy 20 hay 30% từ trên xuống là cỡ điểm bao nhiêu. Biết đâu năm nay là 15 điểm nhưng những năm sau điểm sàn lại là 20 điểm.

Năm nay ĐS sẽ cao hơn năm trước có 2 lý do: đề thi sát chương trình phổ thông hơn ; từ năm ngoái đến năm nay sự chuẩn bị của TS tốt hơn (luyện thi ít hơn, phao ít hơn..).

Dư luận nhìn nhận xu hướng ra đề thi dễ hơn là để chuẩn bị cho việc thống nhất 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh vào ĐH dự kiến thực hiện vào năm 2008. Nhưng như thế, có những trường yêu cầu tuyển TS có năng lực (theo môn) cao hơn mức đề thi bình thường  sẽ gây khó khăn cho đào tạo sau này ?

Câu chuyện này liên quan đến bài toán tổng thể để làm sao thi cử vừa sức người học nhưng lựa chọn theo đặc thù của từng trường. Theo tôi, sẽ có lúc chúng ta tuyển sinh như thế nào đó để giảm TS ảo mà lại giúp các nhà trường cũng như TS thuận lợi hơn bằng cách quy định những môn thi cứng bắt buộc phải thi và những môn các môn thi tự chọn.

Chẳng hạn TS muốn thi vào trường Ngoại giao, trường có yêu cầu đề cao môn ngoại ngữ chứ không tính tổng cả 3 môn hoặc không chọn theo khối A, B, C, D (hiện nay chỉ có duy nhất 4 cách tuyển này chúng ta tuyển theo tổng điểm, theo khối nên có khi SV Ngoại giao điểm ngoại ngữ lại thấp nhất...).

Đến một lúc nào đó một trường có thể chọn Toán, Lý và một môn nào đó chứ không phải là nhất thiết Toán, Lý, Hoá.

Trước thi, Bộ trưởng lưu ý không được sai sót đến từng dấu chấm phẩy, tuy nhiên đến đáp án-thang điểm cũng đã phải điều chỉnh, vậy các trường sẽ chấm thi như thế nào?

Vừa qua đáp án được đưa lên mạng sau 2 ngày lắng nghe dư luận, báo chí đã phản hồi rất nhanh và chúng tôi đã điều chỉnh đáp án để công bằng hơn. Đề thi đợt II cũng đã có trên mạng nhưng không có nghĩa là các trường căn cứ vào đó để chấm điểm vài hôm nữa nếu có sự phản hồi gì từ các trường cũng như ngoài dư luận thì đáp án cũng sẽ có sự điều chỉnh.

Phải ra đề đúng là pháp lệnh nhưng đúng được 100%  thì khó, càng ở mức độ cao càng khó. Kỳ thi phổ thông khó, thi ĐH khó hơn và thi HS giỏi còn khó nữa nên đôi khi để sơ suất như vậy ngoài ý muốn của những người làm đề. Điều đó cũng có nghĩa là ra đề phân loại TS không dễ.

Có những bài giải của TS có đáp số đúng nhưng không theo trình tự đáp án  có được điểm không?

Từ xưa đến nay, đối với tất cả các môn,  đáp án chỉ là một trường hợp cơ bản nhất, thông thường nhất. Với các môn Toán, Lý, Hoá, Sinh - TS có thể có những trình tự giải khác nhưng vẫn được điểm như thang điểm quy định; hay như môn xã hội, TS có thể trình bày khác nhưng ý tưởng đúng thì cũng được điểm như thang điểm. 

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.