Điểm sàn tối thiểu là 15

Điểm sàn tối thiểu là 15
Phổ điểm thi vào ĐH, CĐ năm nay sẽ rất “đẹp” vì điểm bài thi cao hơn năm trước, điểm chuẩn sẽ cao hơn và điểm sàn tối thiểu phải là 15. Đó là nhận xét của đa số các giáo viên đang chấm thi ĐH, CĐ 2005.

Những lời nhận xét trên được minh chứng bởi những con số thống kê bước đầu như sau: trong 11 túi bài thi xác suất khối A (ĐHKHTN, ĐHQG HN) số điểm 9-10 chiếm 25%, số điểm 0-1 chiếm tỷ lệ rất nhỏ, điểm bình quân của cả 11 túi là 5,5-6,0 điểm (có túi điểm bình quân lên tới 7,0).

8 túi Toán khối B có 33% điểm 9-10; 8 túi xác suất Lý có 22% bài thi đạt 9-10; bài thi môn văn của các thí sinh thi vào ĐH Ngoại thương (do các giáo viên trường ĐH KH Xã hội - Nhân văn (ĐHQG HN) chấm có điểm 8-9 tương đối nhiều và nếu 2 môn khác của thí sinh trường này mà cũng ở mức đó thì điểm chuẩn vào trường này năm nay sẽ khá cao.

Điểm văn Học viện Quan hệ QT nhiều 7 - 8; trường Xã hội - Nhân văn cũng cao hơn năm trước... Nhận xét chung về các bài thi môn Hoá là: số điểm trung bình cao hơn năm trước, điểm 8 - 9 nhiều hơn...

Điểm cao hơn, buồn hay vui?

Một câu hỏi được đặt ra là có phải điểm cao hơn là do đề thi càng ngày càng được làm theo hướng “phổ thông hoá” hay không? Các thầy chấm thi môn Văn ở ĐHKH Xã hội- Nhân văn (ĐHQG HN) khẳng định một cách thận trọng là do đề thi sát chương trình lớp 12, đề thi sáng rõ.

TS Hà Văn Đức, Chủ nhiệm khoa Văn (ĐHKH XH-NV) khẳng định: đề thi không dễ, chỉ bám sát chương trình 12 và đảm bảo phân loại TS. Năm nay điểm trung bình của môn văn cao hơn năm trước từ 0,5 đến 1,0 điểm.

Với đề thi như thế, thí sinh làm bài thoải mái hơn, không có những bài viết linh tinh. Tuy thế không phải là đã hết những bài văn do thí sinh không hiểu hoặc chép tất những gì mình học được ra.

Theo thầy Đức, với câu số 1, chẳng hạn, chỉ yêu cầu nêu giá trị lịch sử, giá trị văn học của Bản Tuyên ngôn độc lập (khoảng 1 trang) thì thí sinh dành 3-4 trang để phân tích toàn bộ tác phẩm, chép nguyên xi những gì đã được học, khiến các thầy một phen đọc mệt hơi nhưng cũng chỉ cho được 2 điểm (tối đa).

Thầy Trần Thúc Việt, Phó CN khoa Văn (ĐHKH XH-NV) cho biết: có thí sinh có lẽ đã “tủ” được Xuân Diệu nên khi đề thi vào được mạch Xuân Diệu, thí sinh này đã viết tràng giang đại hải… 

Thậm chí, có thí sinh đang phân tích nhân vật Hộ trong tác phẩm “Đời thừa” chuyển sang nhân vật Độ trong “Đôi mắt” và sau đó đã  gắn cho nhân vật này hành động “về khu sơ tán và nuôi chó béc-giê” của nhân vật Hoàng trong tác phẩm “Đôi mắt” của cùng tác giả Nam Cao...

Điều này chứng tỏ mặc dù thí sinh thi vào các trường như ĐHNT, Học viện QHQT hay ĐHKH XH-NV là những trường đòi hỏi cao về môn học nữ hoàng này vẫn không tránh khỏi bệnh thuộc lòng theo khuôn mẫu đã học”.

Có những lỗi gây cười đến rơi nước mắt. Có những thí sinh viết: Xuân Diệu là con Ngô Xuân Lộc; Xuân Diệu tên thật là Cù Chính Lan; Xuân Diệu có tập thơ “Gió đưa hương lại”, “Phấn thông vàng”,   “Đồi thông 2 mộ” , “Hương phấn mới”; Xuân Diệu ở Tổng Cao Đàn, huyện Nam Sang, tỉnh Thừa Thiên Huế...

Với môn Toán, GS N. tại một hội đồng chấm cho biết không thể ngờ được là trong khi đề dễ như thế lại có nhiều em được điểm 0, mặc dù có những em viết đủ 5 trang nhưng toàn viết lăng nhăng, đơn giản như tính đạo hàm của x2 cũng không tính được.

Vị GS này thốt lên một cách bất lực: “Tôi không hiểu vì sao thí sinh này có thể đỗ tốt nghiệp phổ thông được! Điều này chứng tỏ chất lượng học sinh phổ thông quá kém”.

Cùng với nhận xét điểm cao có vẻ mang lại cảm giác hài lòng cho nhiều người, bài thi của thí sinh năm nay lại làm cho các thầy... mệt. Theo các thày, đề Toán A dễ nên học sinh làm được bài và lại làm theo nhiều cách khác nhau khiến thầy chấm cứ phải căng mắt nhìn, ngẫm vì đáp án theo thang điểm chỉ cho 1 cách mà thầy thì không muốn để trò thiệt nên cứ phải dò 4-5 trang giấy (nếu giải 1 cách sẽ ngắn hơn) khiến tốc độ chấm khá chậm.

Để đảm bảo đủ 2 vòng độc lập và khỏi sót điểm của thí sinh, ngoài ghi điểm vào phiếu chấm theo quy định, thầy Nguyễn Hữu Điền còn cho Tiền Phong xem những tờ giấy có ghi điểm chi tiết của từng bài thi để cộng lại cho khách quan và chính xác cho từng trò.

Điểm cao, tuyển sinh có dễ?

Ngay từ đầu, ông Bùi Duy Cam, Phó Hiệu trưởng ĐHKH Tự nhiên (ĐHQG HN) đã tiên lượng: nếu phổ điểm trên sát nhau quá sẽ khó làm điểm chuẩn cho các trường bởi chỉ cần hạ chuẩn xuống nửa điểm, ngay lập tức sẽ có hàng trăm thí sinh đủ điểm mặc dù các nhà tuyển sinh có thể chỉ cần tới con số chục thí sinh; lúc ấy sẽ lấy từ trên cao xuống và ai ở diện ưu tiên miền núi, nông thôn, đối tượng... sẽ được tuyển.

Nay khi điểm các bài thi đã hòm hòm, điều ấy được khẳng định rất rõ. Một giảng viên tham gia chấm nhận xét: các nhà hoạch định chủ trương và cả những người ra đề năm nay đã thành công trong việc giải quyết vấn đề tâm lý cho thí sinh, các bậc cha mẹ và toàn xã hội vì dự báo điểm các bài thi sẽ cao hơn năm trước.

Tuy nhiên, trong phổ điểm trung bình của các thí sinh, người ra đề đã không để ý đến việc phân biệt bài thi đạt trung bình cận dưới (3 và 4 điểm) và trung bình cận trên (6 điểm) để giúp các nhà xét tuyển dân lập, cao đẳng và THCN phân biệt rõ là xét tuyển thí sinh.

Như vậy với cách ra đề như thế này, để đảm bảo “cả làng cùng vui” (nhiều điểm trung bình) thì chỉ có các nhà tuyển sinh ĐH “top đầu” được an toàn vì đã hớt số thí sinh ở trên, còn các ĐH “top sau”, CĐ, THCN sẽ khó phân biệt đâu là thí sinh thực sự ở mức 4,5,6.

Trục trặc đề Hoá, thí sinh thiệt bao nhiêu?

Những trục trặc về đề thi môn Hóa mà bấy lâu dư luận xôn xao dường như không được giải quyết thấu đáo trong quyết định cuối cùng về chấm bài theo phương án nào của Bộ GD-ĐT.

Một cán bộ chấm thi cho biết có tới 50% thí sinh chịu thiệt thòi vì quyết định này bởi có khoảng 50% làm bài theo các phương án ngoài ba-rem điểm. Vì vậy các giáo viên chấm thi đã phải dò dẫm để thí sinh nào dù làm theo phương án khác nhưng đúng kết quả hoặc đúng lô-gic vẫn cho điểm để thí sinh đỡ thiệt thòi (có thể mất tới 3/4 điểm).

Qua sự việc, vị cán bộ này cho biết ngoài cái yếu về mặt lý thuyết, yếu về thực hành, thí nghiệm trong dạy hóa ở phổ thông, qua chấm bài còn bộc lộ một điều: giáo viên dạy hóa ở phổ thông cũng... cực yếu khiến thí sinh nào khá giỏi và phải luyện thi mới làm được bài thi tốt. Đây là điều mà ngành GD-ĐT cần phải xem xét một cách thật nghiêm túc.

Coi chừng kẽ hở!

Theo một GS đang chấm thi, hướng dẫn mới của Bộ GD-ĐT về việc người chịu trách nhiệm gạch đi phần giấy thừa trong bài làm của thí sinh năm nay là người chấm bài chứ không phải là người rọc phách như trước đây có thể tạo ra một kẽ hở.

Theo ông, trước đây, vào khoảng năm 1971 đã từng xảy ra sự việc hy hữu là người chấm bài mang bài của người nhà mình về nhà và sửa chữa, làm thêm bài vào bài thi của thí sinh đó và đã bị kỷ luật theo quy chế. Ông cho rằng, hướng dẫn mới này sẽ là một kẽ hở dễ dấn đến sự việc tương tự.

Trường ĐH Nông nghiệp I vẫn chưa làm xong phách

Theo báo cáo của ông Nguyễn Văn Muốn – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Nông nghiệp I – thì ngay sau khi kết thúc thi ĐH đợt 2, trường đã tổ chức công tác chấm thi luôn từ ngày 11/7. Tuy nhiên, do số lượng thí sinh thi nhiều (cả 2 khối A và B là hơn 25.000 thí sinh) nên việc làm phách chiếm nhiều thời gian.

Đến 14/7 các bài thi mới được bắt đầu đưa ra chấm. Trường ĐH Nông nghiệp I tổ chức chấm hết vòng 1 tất cả các bài ở mỗi môn rồi mới chuyển sang chấm vòng 2. Cho đến chiều 21/7, có môn trường đã cho chấm xong vòng 1, một số môn chỉ mới được 2/3 hoặc một nửa.

Trong khi đó, nhiều môn vẫn tiếp tục làm phách. Một lý do khiến tiến độ chấm thi của trường ĐH Nông nghiệp I chậm hơn một số trường khác là lực lượng chấm thi ít (58 người cho cả 6 môn thi). Lực lượng này chủ yếu sử dụng giảng viên của chính trường (chỉ có 3 giám khảo chấm môn Sinh là hợp đồng của trường THPT Cao Bá Quát).

Tuy nhiên ông Nguyễn Văn Muốn khẳng định: 5/8 trường sẽ tổ chức chấm thi xong và đảm bảo công bố điểm tất cả các môn thi cũng như truyền dữ liệu về cho Bộ GD&ĐT trước thời hạn quy định (10/8).

Theo các giám khảo, qua những bài thi đã chấm ở vòng 1 tình hình làm bài của thí sinh tốt hơn so với năm ngoái. Vì thế, có khả năng điểm trúng tuyển vào trường cao hơn năm ngoái. Điểm 0 có nhưng ít gặp, điểm 9 và 10 khá nhiều (đặc biệt là môn Toán và Hoá khối B).  

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.