Điểm sàn và trường tư

Điểm sàn và trường tư
TP - Sáng 5-8 vừa rồi, có buổi ngồi lại của các trường đại học ngoài công lập tại Hà Nội mà mục tiêu chính là kiến nghị với Bộ Giáo dục&Đào tạo hạ điểm sàn quy định đối với khối giáo dục đại học ngoài công lập.

> ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh công bố điểm chuẩn
> Đại học Nông Lâm TPHCM công bố điểm chuẩn
> Bộ GD&ĐT công bố mức điểm sàn bằng năm ngoái

Lý do mà các trường đưa ra là nếu các trường ngoài công lập tuyển không đủ chỉ tiêu thì có lẽ “phải tan”. Hiệu trưởng một trường đại học tư nói trong mùa tuyển sinh năm ngoái, các trường đã rất vất vả trong khâu tuyển sinh. Năm nay, nếu như một số trường công lập dự định lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn thì không còn thí sinh cho trường ngoài công lập.

Ông cho biết thêm rằng, khi mới thành lập cách đây 4 năm, trường ông tuyển được 700 sinh viên. “Năm sau được 600, rồi 400, e rằng năm nay để có 200 cũng khó” ông này nói. Vị đại diện nọ kiến nghị Bộ Giáo dục&Đào tạo phê duyệt điểm sàn riêng cho khối công lập và ngoài công lập.

Một vị khác thì biện luận rằng, nhìn vào đồ thị phổ điểm năm nay có thể thấy “tổ ra đề rất thiếu kinh nghiệm”. Vì theo ông, “tháng 6 thi tốt nghiệp kết quả cao chót vót, vậy mà một tháng sau thi đại học kết quả đã lẹt đẹt. Trong tình thế đó điểm sàn chính là nguyên nhân làm chết các trường top dưới, vô tình làm thui chột chủ trương xã hội hóa của cả nước”.

Nhưng có một điều mà dư luận trông đợi các vị đại diện một số trường đại học ngoài công lập, những người đòi ít nhất là hạ điểm sàn, hoặc hơn nữa là xóa bỏ nó, chứng tỏ cho mọi người thấy nếu hạ điểm sàn thì xã hội được gì. Nhưng các vị ấy đã không đề cập đến khía cạnh ấy, dù dám chắc rằng, lợi ích của xã hội là lý do lớn nhất và thuyết phục nhất cho sự ra đời và tồn tại của hệ thống giáo dục ngoài công lập.

Thay vào đó, người ta kêu ca chuyện khó tuyển sinh (vì thí sinh không mặn mà, do uy tín đào tạo của các trường chưa được là bao), rồi đưa ra những con số mỹ miều (nhưng kém độ khả tín) về chuyện hầu hết học sinh ra trường tìm được việc làm.

Những thông tin như vậy chắc chắn sẽ khiến những người làm cha làm mẹ, những người đau đáu với nền giáo dục nước nhà thêm căn cớ, thêm lý do để lo ngại, trong bối cảnh nhà nhà làm đại học, tỉnh nào cũng cố có cho mình một trường đại học,dù “khuôn viên” của trường ấy có thể được “hoán cải” từ một làng nướng, một xưởng luyện thép, dù số giảng viên cơ hữu có thể chỉ đếm trên đầu ngón tay. Như chuyện chưa cũ nhiều tỉnh chạy theo phong trào đua nhau làm xi măng lò đứng, mía đường, bia, cảng biển…

Tất nhiên, trong một xã hội mà thói háo danh (hão), trọng hình thức và bằng cấp cùng những hệ lụy của nó, những việc trên xảy đến cũng là điều không khó dự liệu.

Ở những nước tiên tiến, trình độ phát triển cao, thị trường giáo dục được phát triển theo đúng quy luật cung cầu và những chuẩn mực kèm theo khiến bất cứ ai tham gia cũng phải tuân thủ, điểm sàn là điều không cần thiết. Nhưng điều đó ở Việt Nam chưa diễn ra, nên tất yếu xã hội sẽ phải chấp nhận cái gọi là điểm sàn, ít nhất cho đến khi nào hình thành một thị trường giáo dục đúng nghĩa.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG