Ngày 1/8, thí sinh bắt đầu nộp đơn xét tuyển:

Điểm thi như thế, xét tuyển thế nào?

Thí sinh sau giờ làm bài thi quốc gia 2015. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Thí sinh sau giờ làm bài thi quốc gia 2015. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Theo Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga, công  tác chấm thi đã kết thúc đúng theo kế hoạch, sáng 20/7, Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng Bộ GD&ĐT đã cử cán bộ đến 5 điểm nhận kết quả thi của các cụm thi. Trong 2 ngày 20 và 21/7, Bộ GD&ĐT sẽ xử lý kết quả thi và công bố điểm, sau đó công bố kết quả chung của cả nước. Ngày 1/8, thí sinh bắt đầu nộp hồ sơ xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong, Thứ trưởng Ga lưu ý thí sinh cần thận trọng khi nộp hồ sơ xét tuyển đầu tiên, vì các nguyện vọng sau… rất ảo!

Có ý kiến cho rằng, điểm thi của thí sinh năm nay cao khiến các trường khó tuyển được thí sinh giỏi thực lực, các trường sẽ tuyển được những thí sinh có điểm cao do làm bài cẩn thận, vì  cách ra đề thi cơ bản?

Theo thông tin từ kết quả sơ bộ, phổ điểm phân bố tốt hơn và dịch về  phía điểm cao so với kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ mọi năm.

Nói là phổ điểm cao nhưng chỉ tập trung chủ yếu ở khoảng điểm trung bình,  vì để có 60% nội dung kiến thức cơ bản. Những thí sinh khá và giỏi đều làm được 60% nội dung này. Để làm được những câu trong 40% nội dung còn lại phải là những thí sinh giỏi và thực sự giỏi nên phổ điểm sẽ phân bố rải đều. Số điểm tuyệt đối (điểm 10) không nhiều như mọi năm. Không phải vì vậy mà các trường tuyển thí sinh có điểm cao gặp khó khăn, vì năm nay, thí sinh biết điểm rồi mới nộp đơn xét tuyển. Lấy trường ĐH Y làm ví dụ, mọi năm, trường này chỉ tuyển những thí sinh thi vào trường mình từ đợt đầu nên không tuyển được nhiều. Năm nay, thí sinh đạt điểm cao của cả nước sẽ có thể nộp hồ sơ về, nguồn tuyển sẽ nhiều hơn cho các trường y nói riêng và các trường lựa chọn. Với điểm như vậy, các trường ĐH, CĐ sẽ dễ dàng tuyển sinh do nguồn tuyển phân khúc rõ ràng đối với cả các trường tốp cao và trường khó khăn về tuyển sinh.

Thông tin bước đầu cho thấy, điểm thi của thí sinh ở cụm thi do ĐH chủ trì cao hơn điểm thi của thí sinh cụm thi địa phương. Ông lý giải gì về điều này?

Chưa có kết quả chính thức nên chưa thể nói được.  Bộ sẽ tổng hợp điểm và kết luận chính thức. Tuy nhiên, bước đầu có thể nói rằng, những thí sinh thi ở cụm địa phương chủ trì đa số chỉ thi xét tốt nghiệp THPT. Ở cụm thi ĐH đa phần thí sinh thi để xét tuyển vào ĐH.

Vậy khi nào thí sinh sẽ biết điểm của mình?

20/7, tất cả hội đồng thi nộp dữ liệu, Cục Khảo thí sẽ nhập dữ liệu đưa vào cấu trúc  xử lý dữ liệu để công bố. Từ ngày 20 đến 25, các sở sẽ xét công nhận tốt nghiệp cho thí sinh. Bộ sẽ hoàn thành dữ liệu trong ngày hôm nay để công bố và các thí sinh sẽ có thể tra cứu miễn phí trên trang web của Bộ để biết điểm thi của mình. Bộ khuyến khích các báo link vào địa chỉ do Bộ GD&ĐT quản lý thống nhất để thí sinh có thể dễ dàng truy cập và tra điểm thi.

Vậy khi nào Bộ công bố điểm sàn?

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố kết quả thi, Hội đồng xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào  quốc gia sẽ họp và công bố ngưỡng trước  ngày 30/7 để ngày 1/8 thí sinh bắt đầu nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường.

Vì sao ông cho rằng các trường sẽ tuyển đủ 70% từ nguyện vọng 1 và thí sinh cần lưu ý gì về việc này?

Kinh nghiệm của những năm thi ba chung cho thấy, ngay từ đợt tuyển đầu tiên, nguyện vọng (NV) 1, các trường thường tuyển được 70% chỉ tiêu cần tuyển. Có trường hơn và có trường tuyển đủ ngay từ đợt đầu. Vì vậy, thí sinh cần lưu ý: Lần tuyển này không mấy ảo, mỗi thí sinh chỉ nộp đơn xét tuyển vào 1 trường với 4 NV, nhưng của cùng 1 trường.  Mỗi đợt xét tuyển, trong 20 ngày,  thí sinh còn có thể rút giấy chứng nhận điểm ra vào nên thí sinh cần suy nghĩ, chọn trường mình thích ngay từ đợt xét tuyển đầu tiên. Khi cảm thấy khả năng đạt NV xét tuyển không cao thì thí sinh cần rút hồ sơ ngay.

Các trường có trách nhiệm thông báo ngưỡng xét tuyển cụ thể, tránh thông báo chung chung là tuyển từ điểm sàn trở lên để đảm bảo chỉ tiêu  nhưng sẽ gây khó khăn cho thí sinh bởi, sẽ có  nhiều thí sinh nộp hồ sơ, và sau đó rút ra, thì sẽ rất phức tạp. Đưa ra ngưỡng chính xác cũng là để đề cao uy tín của nhà trường và thể hiện tinh thần trách nhiệm của trường với thí sinh và xã hội.

Thí sinh còn 3 nguyện vọng nữa, nên nhiều người dự đoán khả năng “ảo” rất cao, ông nghĩ sao về điều này?

Sau đợt 1 này thí sinh còn 3 giấy chứng nhận kết quả khác để nộp vào các trường khác nhau, có thể nộp từng  trường,  nhiều đợt xét tuyển hoặc cùng lúc cả 3 giấy vào nhiều trường. Mỗi đợt xét tuyển, trong 20 ngày,  thí sinh còn có thể rút giấy chứng nhận điểm ra vào. Mỗi  giấy chứng nhận còn  có 4 nguyện vọng, vì vậy khả năng ảo sẽ rất cao, khả năng trúng tuyển vào trường của thí sinh cũng khó hơn.

Còn lo ngại về chất lượng

Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đánh giá: Đề thi năm nay thành công ở chỗ đã đánh giá sát chất lượng THPT và thành công với tỷ lệ tốt nghiệp trên 90%, không gây sốc cho xã hội. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là: Điểm như thế, xét tuyển thế nào. Ông Phong Điền lo lắng nói: Trước đây, chỉ có thí sinh khá giỏi mới vào được trường này, năm nay, thí sinh từ Mù Cang Chải có thể vào được ĐH Bách khoa nếu đạt 8 điểm môn trở lên. Nhưng chất lượng một thí sinh 26 điểm ở Lạng Sơn có bằng một thí sinh đạt 24 điểm ở Hà Nội không, chúng tôi vẫn lo ngại!

MỚI - NÓNG