Do sức ép “không thể không mở thêm trường”(!)

Do sức ép “không thể không mở thêm trường”(!)
Đó là nhận định của bà Trần Thị Hà - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học và Sau Đại học (Bộ GD-ĐT), về công tác tuyển dụng và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên (GV) của các trường đại học hiện nay.

>> Khát nhân lực giảng dạy đại học
>> Loay hoay bài toán con người

Do sức ép “không thể không mở thêm trường”(!) ảnh 1
Bà Trần Thị Hà. Ảnh: Tuổi Trẻ. 

Bà Hà nhìn nhận: Các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) hiện đều đang đứng trước áp lực phải tăng cường đội ngũ GV. Đối với các trường mới thành lập, nâng cấp, nhất là các trường ngoài công lập, áp lực này càng lớn.

Nguyên nhân trực tiếp của việc các trường phải đồng loạt tuyển dụng GV, nhất là GV có trình độ cao, là do hiện nay chỉ tiêu tuyển mới hằng năm của các trường đang được xác định trên tỉ lệ quy đổi sinh viên/GV.

Không có hoặc không có đủ GV, trường sẽ không thể đề nghị và được chấp nhận chỉ tiêu tuyển sinh nhiều hơn, thậm chí phải giảm quy mô đào tạo.

Chỉ trong một năm vừa qua, số lượng GV đã tăng đáng kể. Số liệu tại hội nghị tổng kết năm học 2007 - 2008 khối các trường ĐH, CĐ cho thấy, số lượng GV đã tăng hơn 5.600 người so với năm học trước.

Không thiếu nguồn tuyển(?)

Thưa bà, việc tuyển dụng, bổ sung đội ngũ GV còn trở nên căng thẳng, khó khăn hơn bởi trong những năm gần đây có thêm rất nhiều trường ĐH, CĐ mới được thành lập. Khi xây dựng quy hoạch phát triển các trường ĐH, CĐ, Bộ GD-ĐT có tính đến quy hoạch đội ngũ GV, nguồn GV?

Theo tôi, khó khăn trong tuyển dụng giảng viên ĐH, CĐ hiện nay không phải do thiếu nguồn tuyển. Hiện tại, khó khăn nhất đối với các trường là làm sao giữ chân được đội ngũ GV: tuyển được đã khó nhưng khó nhất là giữ chân được GV giỏi.

Các trường đều đang phải tìm cách, tạo điều kiện để thu hút và giữ chân GV. Đã có những trường làm được điều này, tạo ra những cơ chế rất “mở” như cho phép GV vừa giảng dạy tại trường vừa có thể tham gia giảng dạy, nghiên cứu ở nước ngoài.

Làm được hay không, làm đến mức nào phụ thuộc nhiều vào khả năng điều hành, quản lý của hiệu trưởng các trường

Nhưng với chính sách lương bổng và điều kiện làm việc như hiện nay, các trường khó thu hút GV giỏi, nhất là người du học về?

Tôi đã trực tiếp trao đổi với nhiều lưu học sinh, nhiều GV, cán bộ trẻ. Và có thể khẳng định, đối với đa số, khi về làm việc trong một trường ĐH, cần nhất không phải là lương cao mà muốn có môi trường làm việc và cách đánh giá, những quyền lợi khi GV đầu tư thời gian, công sức cho nghiên cứu khoa học.

Để thu hút được GV giỏi, theo tôi, trước hết phải có cơ chế tài chính tính đủ được lao động của GV và có tiêu chí đánh giá chuẩn. Đó là cơ chế về tài chính để tính được, tính hết những lao động GV bỏ ra không chỉ cho việc lên lớp mà còn công sức chuẩn bị bài giảng, những việc làm nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy, chuẩn bị tài liệu, viết giáo trình, làm nghiên cứu khoa học... Phải tính rõ ràng, công bằng.

Bộ GD-ĐT cũng đã khẳng định sẽ tiến tới thực hiện chủ trương hiệu trưởng được quyền trả lương GV cho phù hợp, tương xứng với năng lực và hiệu quả công việc.

Không gặp khó khăn về nguồn tuyển, thế nhưng trên thực tế việc tuyển người có trình độ ĐH làm giảng viên ĐH - “cơm chấm cơm” - vẫn còn khá phổ biến?

Các trường ĐH có thể thực hiện song song hai giải pháp: tuyển bổ sung những người đã có đủ điều kiện để giảng dạy ngay và tuyển để tạo nguồn. Đối với những SV giỏi mới tốt nghiệp, hiện tại chỉ có trình độ ĐH, nhưng nếu không tuyển chọn ngay sẽ không giữ được ở lại trường để làm đội ngũ kế cận.

Sau khi tuyển dụng, các trường sẽ phải có kế hoạch tiếp tục đào tạo nâng cao trình độ. Sắp tới Bộ GD-ĐT sẽ ban hành quy định rất cụ thể về yêu cầu đối với đội ngũ GV: phải được đào tạo nghiệp vụ sư phạm như thế nào, làm việc tại trường sau bao lâu phải có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ...

Chưa đủ GV vẫn được mở trường

Tại sao có những trường ĐH, CĐ không có đủ những điều kiện tối thiểu về GV nhưng vẫn được phép thành lập và hoạt động, thưa bà?

Đó là câu chuyện quả trứng có trước hay con gà có trước. Không thể yêu cầu có đầy đủ GV mới đồng ý cho thành lập trường vì chưa có trường, làm sao có tư cách tuyển dụng GV.

Lúc thành lập không nhất thiết phải có đủ GV, nhưng khi đã bắt đầu đào tạo phải có đủ GV. Đủ GV ngành nào mới được đào tạo ngành đó. Mở trường chưa cần đủ GV nhưng mở ngành thì bắt buộc.

Hiện nay, không thể không mở thêm trường. Nhu cầu về nhân lực được đào tạo đang tạo sức ép lên hệ thống giáo dục ĐH. Mở trường nhưng siết chặt các quy định sẽ buộc các trường phải có sự vận động, chăm lo đội ngũ GV, tạo áp lực để các trường phát triển. Khi các trường đã vượt qua giai đoạn khởi đầu, chúng ta sẽ có thêm những trường ĐH mới bổ sung vào hệ thống.

Như vậy việc cho phép mở một trường ĐH hay mở ngành đào tạo chỉ căn cứ vào số lượng GV có... trên hồ sơ?

Quy trình thực hiện là như vậy. Anh trình hồ sơ có đủ, tôi cho anh mở ngành nhưng man khai hay thực hiện không đầy đủ, thanh tra phát hiện sẽ xử lý.

Năm học vừa qua, thanh tra giáo dục đã đi kiểm tra và có thống kê chi tiết đối chiếu số lượng GV giữa báo cáo và thực tế của các trường. Tất cả những trường khai man về số lượng và trình độ GV đã được công bố công khai.

Những con số báo cáo có lẽ cũng chưa đáng tin cậy khi hiện nay còn phổ biến tình trạng một GV có tên ở nhiều trường, thưa bà?

Không chỉ trong đào tạo ĐH và ở các trường ngoài công lập đối với đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, ở một số trường công lập cũng có tình trạng này. Bộ GD-ĐT đang gấp rút thực hiện việc xây dựng hệ thống dữ liệu về GV của các trường ĐH, CĐ trong cả nước để kiểm soát tình trạng này.

Xin cảm ơn bà.

Theo Thanh Hà
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG