Đỗ tốt nghiệp thấp vì HS lười, GV lơ, phụ huynh kệ

Đỗ tốt nghiệp thấp vì HS lười, GV lơ, phụ huynh kệ
Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp thấp nhất, bổ túc THPT càng thấp hơn. Vì đâu Tuyên Quang, tỉnh miền núi đạt chuẩn phổ cập THCS lại rơi vào tình trạng này? Trách nhiệm này thuộc về ai và giải pháp để tháo gỡ?   

Đều là những học sinh sẽ tham gia thi đại học khối C nhưng nhóm các em Huyền, Thúy, Hạnh ở Trường THPT Tân Trào lại chỉ đạt 1 điểm và 0 điểm môn Lịch sử. Không chỉ Sử mà các môn Toán, Anh, các em đều có số điểm rất thấp, dù đề thi được đánh giá vừa sức và sát chương trình.

Hạnh thật thà "không ngờ coi thi chặt như vậy. Mọi năm các anh chị khóa trước nói, mới đầu cũng dọa thế, nhưng sau thì dễ lắm, vậy là bọn em chủ quan. Nhà trường mãi sát kỳ thi mới kiểm tra chặt, chúng em quen mải chơi, không chú tâm học tập nên lúc đó chạy không kịp".

Tỷ lệ tốt nghiệp thấp, lý do đầu tiên phải nói đến là do chính học sinh lười học. "Kết quả của kỳ thi khẳng định rõ, học sinh nào chịu khó học là đỗ ngay. Thực tế kết quả cũng chính là tiếng chuông thức tỉnh cho các em" - ông Thuỷ, một giáo viên Trường THPT Tân Trào nhận định.

Một lý do nữa được các phụ huynh đề cập đến là nhà trường không sâu sát, các thầy dạy không chú ý đến chất lượng học tập của học sinh. "Kiến thức rỗng đến cả chục năm nay rồi, nhưng hàng năm học sinh vẫn được lên lớp đều đều".

Nhiều phụ huynh cũng nhận lỗi là do gia đình không quan tâm đôn đốc con cái, phó mặc cho nhà trường vì trình độ có hạn.

Câu đầu tiên mỗi khi nghe hỏi đến kết quả tốt nghiệp năm nay, các cấp chính quyền và đặc biệt những người làm trong ngành giáo dục đều nói rất buồn, nhưng phải chấp nhận sự thật.

Bà Trần Thị Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên tâm sự, thật bất ngờ với kết quả như vậy. “Mọi năm cũng đều báo cáo tốt, có khác gì năm nay đâu”, bà Thủy cho biết.

Nhận thức đúng - Xuất phát lại

Không quanh co, ông Hoàng Văn Thinh, Giám đốc Sở GD-ĐT Tuyên Quang nhận lỗi về mình. “Là người đứng đầu ngành giáo dục của tỉnh, để chất lượng học của học sinh kém như vậy, tôi là người phải chịu trách nhiệm”.

Ông cũng xác định, đây chính là thời cơ để Tuyên Quang nhìn nhận lại mình. Trong những năm qua, Tuyên Quang có tỷ lệ tốt nghiệp khá cao nhưng tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng lại thấp, thường đứng gần cuối so với toàn quốc.

Ông Đoàn Văn Ninh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định, kết quả này phản ánh đúng thực chất 100%. Ông không bất ngờ mà "chỉ bàng hoàng là tỉnh mình đứng thứ 64".

Bộc bạch tâm trạng "rất buồn vì tỷ lệ của tỉnh quá thấp", nhưng bà Trần Thị Lệ Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Trào cũng khẳng định: “Trước đây, học sinh nhận thức chưa tới, giáo viên thì buông xuôi. Qua đây, chúng tôi nhìn nhận được thực trạng của mình, lấy đó làm điểm xuất phát. Sau thực tế này, chắc chắn sang năm sẽ khác”.

Ông Thinh cho biết, lứa học sinh tốt nghiệp năm nay, 100% học sinh tốt nghiệp cấp 2 “đàng hoàng” bước vào cấp 3, không qua thi tuyển đầu vào, không phân luồng, không có sự chọn lọc.  Đây cũng là nguyên do làm giảm tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm nay.

"Kết quả thấp chứng tỏ, việc học - dạy của thầy và trò trong suốt những năm qua đã không đạt yêu cầu so với chất lượng kiến thức chuẩn ở mỗi cấp học", ông Hoàng Bình Quân, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang khẳng định.

Từ kết quả này, việc cần thiết là phải khôi phục lại niềm tin, mạnh dạn rà soát, sát hạch lại toàn bộ đội ngũ, ông Quân nói.

Còn bà Lê Thị Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang thẳng thắn: "Quan điểm của tôi là sẽ phải xây dựng đề án nâng cao chất lượng đội ngũ, không có đủ trình độ dứt khoát cho nghỉ. Sự việc xảy ra rất đáng buồn. Chúng tôi sẽ tập trung, không chạy theo thành tích mà đối mặt để nâng cao chất lượng dạy và học. Trước mắt, tập trung cao độ để ôn tập cho các cháu trong đợt thi lần 2”.

Đau đầu với các giải pháp tháo gỡ

Giải pháp để “tháo gỡ” cho gần 10 nghìn học sinh còn lại là một bài toán khó không chỉ của ngành giáo dục Tuyên Quang mà còn của nhiều địa phương khác. Những học sinh đủ trình độ, đạt chuẩn, về cơ bản đã đỗ ở lần 1. Lần 2, mục đích của ngành giáo dục là để “cứu” những học sinh chỉ còn thiếu ít điểm, tối thiểu cũng phải đạt 20 điểm trở lên mới có cơ may.

Tuyên Quang có 524 học sinh đạt 27 điểm trở lên. Với con số này, số học sinh có thể đỗ được ở lần 2 khả năng cũng không thêm được là bao.

Một số phụ huynh có ý kiến, mong ngành giáo dục “nới tay” để các em có được tấm bằng xin đi làm, chứ cũng không trông mong thi đại học. Tuy nhiên, những nhà quản lý, nhà giáo đều mong muốn Bộ sẽ vẫn tiếp tục làm nghiêm túc, bởi không chỉ năm nay mà còn nhiều năm sau, cần phải học thật và thi thật.

Ông Ninh nhận xét, cần phải làm nghiêm túc vì không chỉ tác động đến học sinh khóa này mà còn ở những lớp dưới. Ông cho biết, tới đây, Sở GD-ĐT sẽ tổ chức cho học sinh lớp 10, 11, 12 thi chung và nghiêm túc như thi tốt nghiệp vừa rồi.

Một vấn đề đặt ra đối với những học sinh trượt tốt nghiệp ở Tuyên Quang, là họ sẽ đi đâu, về đâu (?). Ước tính sẽ có khoảng 3,4% học sinh vào đại học, cao đẳng, cộng thêm trung học chuyên nghiệp nữa là khoảng 11%. Theo tính toán sơ bộ, sau kỳ thi lần 2 sẽ được khoảng 15% học sinh đỗ tốt nghiệp, vậy là còn khoảng 8.000 học sinh sẽ “bơ vơ”.

Một giải pháp ở huyện Hàm Yên được bà Trần Thị Thủy đưa ra, sẽ tổ chức phân luồng đối tượng này, một phần cho đi xuất khẩu lao động, một số tiếp tục tự học để năm sau thi lại, hoặc huyện sẽ bố trí cho các em vào học ở các trường nghề…

Nhưng nhìn chung, về cơ bản, gia đình vẫn phải tự quản lý, ông Thinh cho biết. Hiện giờ tỉnh còn khoảng 600 cử nhân tốt nghiệp sư phạm ra chưa phân công được việc làm, vẫn phải ở nhà. Do đó, để có giải pháp cho vấn đề này hiện nay rất khó. Đây có lẽ cũng là câu hỏi khó cho nhiều địa phương khác (?).

Theo Bảo Anh
VietNamNet

MỚI - NÓNG