Doanh nghiệp chưa có nhu cầu sử dụng nhân lực trình độ cao

Các diễn giả tại buổi tọa đàm
Các diễn giả tại buổi tọa đàm
TP - Tại buổi tọa đàm “Nâng cao chất lượng đào tạo sau ĐH, chính sách học bổng và hợp tác nhà trường – doanh nghiệp”, phía các trường ĐH, doanh nghiệp cũng như lãnh đạo Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều khẳng định những khó khăn trong việc tuyển sinh sau ĐH hiện nay.  

Buổi tọa đàm do trường ĐH Bách khoa Hà Nội phối hợp cùng Viện nghiên cứu dữ liệu lớn của Tập đoàn VinGroup tổ chức  tại Hà Nội, ngày 23/3.

Khó tuyển sinh

Theo PGS. Hoàng Minh Sơn, hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội, hiện có hai nhu cầu cần tuyển dụng nguồn nhân lực có trình độ cao và chất lượng cao. Đó là các doanh nghiệp và các trường ĐH. Có khoảng 78% doanh nghiệp, tập đoàn được hỏi trong một khảo sát đều đưa ra yếu tố đầu tiên để lựa chọn địa điểm đầu tư là chất lượng nhân lực; sau đó mới là chi phí sản xuất và chính sách thể chế hỗ trợ môi trường kinh doanh… Trong bối cảnh mới, việc đòi hỏi kĩ năng, trình độ với người lao động ngày càng cao. Hiện nhu cầu nhân lực có trình độ sau ĐH là rất lớn. Theo PGS Hoàng Minh Sơn, riêng với các cơ sở giáo dục ĐH, để đạt được tỉ lệ 50% giảng viên có trình độ tiến sĩ, Việt Nam cần thêm 17 nghìn tiến sĩ và cần ít nhất 6-7 năm nữa mới đạt được con số này. “Nhưng nghịch lý là, càng ngày, số có nhu cầu học sau ĐH càng giảm và các trường càng khó tuyển sinh, kể cả những trường lớn, nhiều uy tín” – ông Sơn nói.

Tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cách đây 5 năm, quy mô tuyển sinh thạc sĩ khoảng 2000/năm, nhưng nay đã giảm chỉ còn 500-600 và khoảng 80% trong số đó được tốt nghiệp. Với năng lực đào tạo của trường (gần 800 giảng viên là tiến sĩ, hơn 40 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ) thì con số 500-600 là rất ít (bằng khoảng 1/10 quy mô tuyển sinh ĐH). Với đào tạo tiến sĩ, việc tuyển sinh nhiều năm ổn định khoảng 100 người mỗi khóa, nhưng năm vừa rồi chỉ tuyển được 35.

Tình trạng tương tự với Trường ĐH Bách khoa Hồ Chí Minh. Theo PGS, Hiệu trưởng Mai Thanh Phong, nhiều năm gần đây, số học viên của trường tham gia học sau ĐH giảm. Trước đây, số lượng tuyển mỗi năm đạt khoảng 1.300-1.400, nhưng gần đây giảm chỉ còn 500-600 mỗi khóa. Theo quan sát của ông Phong, những trường lớn, đặc biệt là trường kĩ thuật, đầu vào sau ĐH giảm rất lớn.

Doanh nghiệp Việt chưa có nhu cầu

Tại buổi tọa đàm, các diễn giả đến từ trường ĐH, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ GD&ĐT, GS. Vũ Hà Văn, ĐH Yale, giám đốc Viện nghiên cứu dữ liệu lớn  tập đoàn VinGroup đã lắng nghe ý kiến của sinh viên. Cựu sinh viên  Đặng Quỳnh Anh trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết khi ra trường, sinh viên có 2 lựa chọn: đi làm, học sau ĐH. Ai cũng nói, học sau ĐH thì học xong có quyền lợi tốt hơn. Nhưng bản thân Quỳnh Anh thấy, đi làm  luôn sẽ  tích lũy kiên thức thực tế, tài chính, quyền lợi cũng được nâng cao lên theo thời gian. “Vậy, xét một cách tổng quát thì học sau ĐH sẽ đem lại lợi ích gì hơn hẳn so với không học? – Quỳnh Anh đặt câu hỏi. Trả lời câu hỏi này, GS. Vũ Hà Văn hóm hỉnh nói: nếu tương lai trong 3 năm thì có thể nói là như nhau. Còn nếu tính xa hơn thì học sau ĐH “lãi hơn”.

Tuy nhiên, các diễn giả đều đồng tình với ý kiến của PGS. Hoàng Minh Sơn về khó khăn tuyển sinh sau ĐH tại các trường ĐH.  Ông Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - có một góc nhìn khác khi lý giải việc người học sau ĐH ngày càng ít. Theo ông Duy, khi có cung thì có cầu. Cho rằng nhu cầu trình độ thạc sĩ, tiến sĩ không phải nhiều trong các doanh nghiệp, theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện chỉ có một vài tập đoàn lớn có bộ phận nghiên cứu phát triển cần nhân lực trình độ như trên; còn khoảng 98% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, ít có nhu cầu lao động trình độ thạc sĩ, tiến sĩ…

Doanh nghiệp chưa có nhu cầu sử dụng nhân lực trình độ cao ảnh 1 Giáo sư Vũ Hà Văn

Chương trình đào tạo cần phải thay đổi

Theo PGS. Hoàng Minh Sơn, thống kê của ĐH Quốc gia TPHCM cho thấy trường càng top đầu càng khó tuyển sinh. PGS. Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cũng đồng ý với quan điểm này. Đồng thời, theo ông, chương trình đào tạo của các trường cần phải thay đổi. Hiện nay, tại một số nước trên thế giới, 50% chương trình đào tạo tiến sĩ được đào tạo theo hình thức online. Đó là những môn học lý thuyết. Còn tại Việt Nam, quy định vẫn yêu cầu nghiên cứu sinh phải học bắt buộc trên lớp. Nói về giải pháp, ông Hoàng Minh Sơn cho rằng, bản thân các trường phải thay đổi tư duy đào tạo. Khá nhiều trường, chương trình thiết kế thời gian phải học rất nhiều, nhưng thời gian để người học thực sự được trải nghiệm, nghiên cứu còn ít.

Đồng quan điểm, theo PGS Mai Thanh Phong – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa HCM, nhà trường cần nhìn nhận lại chính mình xem đã đào tạo có đáp ứng yêu cầu hay không. Trên thực tế, chương trình đào tạo còn theo lối mòn, chưa thiết kế chương trình một cách linh động theo nhu cầu luôn biến đổi của thị trường và xã hội.

Nhiều ý kiến cũng thống nhất chính sách học bổng hỗ trợ người học rất quan trọng để thu hút người học sau ĐH. Tuy nhiên, cần có cơ chế chính sách rõ cho nội dung này. Bởi thực tế từ chia sẻ của đại diện Mobifone, hiện doanh nghiệp này có Quỹ với nghìn tỷ nhưng không tiêu được vì cơ chế chính sách chưa rõ ràng.

GS. Vũ Hà Văn cũng khẳng định trọng tâm của đào tạo tiến sĩ Việt Nam hiện nay là nghiên cứu sinh không có tiền để đi học. Ở Mỹ, học sau ĐH là một nghề. Người học được trả lương, được cấp học bổng. Do đó, nhà nước cần có chính sách hợp lý hơn, đồng thời thu hút sự quan tâm, hợp tác giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo ĐH.

Tại buổi tọa đàm, Quỹ Đổi mới sáng tạo (VINIF) thuộc tập đoàn VinGroup chính thức thông báo Chương trình học bổng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong nước dành cho học viên cao học, nghiên cứu sinh và các viện, trường đã ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Vingroup. Hỗ trợ tài chính cho học viên cao học và nghiên cứu sinh xuất sắc sẽ hoặc đang theo học các chương trình sau đại học trong nước thuộc các chuyên ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật hoặc y dược. Học bổng gồm mức hỗ trợ học tập (120 triệu đồng/năm/học viên cao học và 150 triệu đồng/năm/nghiên cứu sinh tiến sĩ) và học bổng hỗ trợ công bố quốc tế. Tổng số là 100 suất học bổng.

MỚI - NÓNG
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ và kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Tiến - Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh.
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
TPO - Dù đang trên đà giảm, giá vàng thế giới có mức tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 24/4. Khi tình hình chính trị ở Trung Đông chưa có thêm căng thẳng thì dữ liệu kinh tế Mỹ, lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ lại tác động giá vàng.