Đổi mới chương trình GDPT: Cần có danh mục mua sắm trang thiết bị

Sĩ số học sinh/ lớp quá đông ở các TP lớn là một trong những trở ngại khi áp dụng Chương trình GDPT mới
Sĩ số học sinh/ lớp quá đông ở các TP lớn là một trong những trở ngại khi áp dụng Chương trình GDPT mới
TP - Đầu tư cơ sở vật chất là một trong những yếu tố then chốt để áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều địa phương vẫn còn băn khoăn việc mua sắm, đầu tư trang thiết bị thế nào cho đúng lộ trình đổi mới cũng như tránh lãng phí.

Ông Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch tỉnh Điện Biên phản ánh tình trạng, chỉ còn hơn 1 năm nữa các địa phương áp dụng đổi mới chương trình giáo dục đại trà từ lớp 1, nhưng đến thời điểm này tỉnh vẫn còn tình trạng nhà tạm, chưa đủ điều kiện 1 phòng học/ lớp để thực hiện dạy học 2 buổi/ ngày. Vì thế, ông Qúy cho rằng, nên có kinh phí hỗ trợ các tỉnh tiếp tục kiên cố hóa trường học cũng như mua sắm trang thiết bị phục vụ chương trình đổi mới.

“Chúng ta kế thừa thiết bị cũ là đúng nhưng khi áp dụng dạy học công nghệ, tích hợp phải có thiết bị mới, phù hợp. Năm 2020-2021 bắt đầu áp dụng đổi mới từ lớp 1 thì cần mua trước những gì, những năm sau đó tiếp tục đổi mới từ lớp 2, lớp 6 và những năm tiếp theo lộ trình mua sắm những gì phải có kế hoạch, danh mục rõ ràng”, ông Quý nói.

Ông Quý đề nghị, chuẩn hóa trường học, Bộ GD&ĐT nên quy định rõ những điều kiện cần thiết, ví như nhà đa năng, sân tập cụ thể như thế nào. Từ đó, các địa phương biết để tính toán, cần phải đầu tư cái gì trước, cái gì sau.

Ông Nguyễn Thanh Giang, giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cho rằng, địa phương đang lúng túng trong việc đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học đổi mới. Vì thế, rất cần Bộ đưa ra danh mục những thiết bị cần mua, những thiết bị có thể tận dụng lại để tránh sự lãng phí.

Ông Nguyễn Minh Tường, Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ cho biết, Sở đã tham mưu UBND tỉnh kiểm tra, rà soát toàn bộ cơ sở vật chất, xây dựng lộ trình đầu tư xây mới, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị. Trong đó, ưu tiên cơ sở vật chất bậc tiểu học. 

Trên thực tế, ngoài vấn đề băn khoăn về mua sắm, trang bị thêm các phòng học chức năng, một vấn đề gặp khó hiện nay là sĩ số học sinh/ lớp quá đông ở các TP lớn. Tuy có xây mới trường học nhưng đến năm 2021, Hà Nội cũng khó có thể giãn sĩ số phù hợp để thực hiện chương trình. Do đó, ông Chữ Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, đề nghị Bộ có giải pháp hỗ trợ để cùng địa phương giải quyết vấn đề. 

Tận dụng tối đa thiết bị cũ

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, cả nước hiện có 567.012 phòng học, trong đó phòng học kiên cố chiếm khoảng 74,9%. Thống kê cũng cho thấy, thiết bị dạy học tối thiểu ở từng bậc học cũng đang khác nhau và có tỉ lệ thấp.  

Ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng cục cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT) cho rằng, hiện nay hệ thống phòng học bộ môn, chức năng mới chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu, tuy nhiên cơ sở vật chất là yếu tố không thể nói là có ngay được mà cần có lộ trình để đầu tư, xây dựng. 

Ông Hùng Anh cũng cho rằng, áp dụng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, không cần thiết phải đổi mới toàn bộ trang thiết bị dạy học mà Bộ sẽ sửa đổi, bổ sung các danh mục trong điều kiện tận dụng tối đa những gì đã có, mua sắm thêm những gì cần thiết. 

Về mua sắm, học sinh lớp 1 áp dụng chương trình mới năm 2020-2021 sẽ sử dụng thiết bị trường học theo chương trình mới. Việc đầu tư mua sắm được tính toán theo hướng giảm thiết bị mô hình cho giáo viên, tăng thiết bị học tập cho học sinh. Về bản chất thiết bị dạy học không thay đổi nhưng trong đó chú trọng sắp xếp lại các phòng học bộ môn, phòng học chức năng phù hợp. Bộ GD&ĐT sẽ sớm ban hành danh mục thiết bị dạy học để các địa phương chuẩn bị mua sắm, tránh lãng phí. 

Các địa phương cũng được yêu cầu xây dựng đề án theo từng năm và cả giai đoạn, trong đó tập trung ưu tiên bố trí đủ phòng học, bổ sung trang thiết bị dạy học cho lớp 1, 2 trước, cải tạo phòng học cho bậc THCS và tiếp theo mới đến THPT.

Từ bức tranh chung về tình hình hiện nay, ở miền núi có khó khăn về thiếu phòng học kiên cố, ở TP lớn gặp khó khăn về sĩ số học sinh/ lớp quá đông, ông Hùng Anh cho rằng, hiện nay cần rất nhiều giải pháp để tháo gỡ. Riêng về vấn đề sĩ số học sinh/ lớp đông như ở Hà Nội, địa phương phải có quy hoạch xây mới theo lộ trình.

Bộ GD&ĐT cũng đã  đồng ý các quận nội thành được phép nâng tầng các cơ sở giáo dục để chuyển các phòng chức năng, phòng hiệu bộ, hành chính lên tầng cao để tầng thấp cho lớp học. Đây là giải pháp căn cơ nên thời điểm này Hà Nội, TPHCM đang triển khai quyết liệt và tương đối hiệu quả. 

Giải quyết vấn đề sĩ số học sinh/ lớp quá đông, Cục trưởng cục cơ sở vật chất chia sẻ, sắp tới Bộ sẽ điều chỉnh về quy định tiêu chuẩn về các phòng học. Trong đó, quy định mỗi học sinh phải có tối thiểu một diện tích nhất định để các em có không gian hoạt động học tập thay vì quy định bao nhiêu học sinh/ lớp. 

MỚI - NÓNG
Nguyên nhân sập cầu treo Kẻ Nính
Nguyên nhân sập cầu treo Kẻ Nính
TPO - Liên quan đến vụ sập cầu treo Kẻ Nính bắc qua sông Hiếu xảy ra vào ngày 6/3/2024, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã có báo cáo kết quả kiểm tra vụ việc và nguyên nhân gây sập cầu.