Đổi mới giáo dục không thể thiếu thực tế

Đổi mới giáo dục không thể thiếu thực tế
TP - “Không đến tận nơi sẽ không thấy vấn đề; cứ bày ra, cứ cào bằng, đến lúc chỗ nào cũng cần tiền thì sẽ lại không làm được!”, Giáo sư Hoàng Xuân Sính nói về câu chuyện đổi mới giáo dục.

> Đổi mới giáo dục: Vận mệnh dân tộc là ở đây
> Phụ huynh sợ... đại diện phụ huynh

a
Bà Hoàng Xuân Sính.

Bà Hoàng Xuân Sính, nữ tiến sĩ toán học đầu tiên của Việt Nam là một trong những người sáng lập trường đại học (ĐH) dân lập đầu tiên ở Việt Nam. GS Sính đã trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong về bản dự thảo Đề án Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục Việt Nam gần đây nhất.

Cảm nhận của bà khi đọc bản dự thảo Đề án Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục VN gần đây nhất là gì?

Bản dự thảo còn chung chung, thiếu thực tế và sẽ đến một ngày, người ta thấy là không làm được, phải xin tiền... Vì chưa vạch ra đường lối đi cụ thể nên tình cảnh giống như một người tiền thì ít mà muốn “bước đi rất dài”, cái gì cũng làm! Người cầm chịch giáo dục, ngoài hiểu biết về giáo dục, phải hiểu biết về kinh tế, để tính xem hệ thống của mình là thế nào, chỗ nào cần đầu tư, đầu tư bao nhiêu, có tiền không, chỗ nào không cần hoặc chỗ nào cần hy sinh, không thể cào bằng tất cả.

Sinh viên Đại học Dân lập Thăng Long trong giờ học. Ảnh: Ngọc Châu
Sinh viên Đại học Dân lập Thăng Long trong giờ học.
Ảnh: Ngọc Châu.

Vậy theo bà, những chỗ nào còn bất hợp lý?

Anh lái xe của tôi có 2 con; cháu lớn học ở một trường tốt của Hà Nội. Anh này than: vô lý, trường tốt rồi nhưng tiền học thêm mỗi tháng là 2 triệu hơn, một năm hơn 20 triệu đồng, nhiều hơn cả học phí học ĐH.

Hay như, đối với người nông dân, Việt Nam là đất nước nông nghiệp, cái ăn cái uống của cả nước đặt lên vai họ, thế mà, việc con em họ không có đủ điều kiện để học hành cũng không được xem xét tới. Ai đời, trường ở khu vực thành phố thì rõ to, rõ đẹp; trường ở nông thôn, miền núi thì chát bùn, chát đất...

Thế mà cứ say sưa bàn đến chương trình, sách giáo khoa, giảm tải... Tôi có thể khẳng định: chương trình hoàn toàn không nặng. Nặng là do học thêm nhiều quá! Tôi ở tập thể trường Hà Nội-Amsterdam, ngày nào cũng thấy đầy trẻ em đeo kính cận, ba lô nặng trịch sau lưng, đợi lớp sắp tan để vào học tiếp. Phụ huynh đợi đón con đông nghịt phố. Câu chuyện quá tải nằm ở đó chứ không phải giảm tải!

Đối với hệ thống ĐH thì tôi chỉ xin lấy một ví dụ tôi nhìn thấy khi đi “vi hành” các trường ngoài công lập (trường Lương Thế Vinh ở Nam Định). Một thành phố không to, sản xuất không lớn có một trường ĐH được xây dựng chính quy có nhà xưởng thực tập, nhà nội trú, nơi thực hành... như Lương Thế Vinh là đủ.

Nhưng đang yên đang lành, một trường cao đẳng (CĐ) được phép nâng cấp thành ĐH (xin lỗi nhé, trừ cái mác là ĐH, còn CĐ là CĐ, làm sao là ĐH được!); sau đó, lại có thêm 2 trường ĐH nữa xuất hiện.

Thế là sinh viên đổ hết vào ĐH công lập học. Một trường như Lương Thế Vinh mà rục xuống, chết ngắc ngoải. Hay như cho thành lập Trường ĐH Trưng Vương dưới chân núi Tam Đảo. Có nữ sinh nào dám đi đến chân núi vào lúc lảng bảng cuối chiều, đường vắng hoe để học không? Thế là... chết!

Vậy bà có đề xuất nào không?

Người làm giáo dục phải thực tế và biết mình đang làm giáo dục ở đâu, từ đó mới vẽ nên bức tranh của mình chứ không thể như người làm bản dự thảo, đã đứng trên vai trò của một anh làm giáo dục của một đất nước có tiền để làm ra một thứ hoàn toàn trên lý thuyết...

Nghe bà miêu tả, có thể phác họa chân dung một người làm giáo dục ít tiền nhưng lãng mạn đến thiếu thực tiễn. Bà có thể mách nước cụ thể hơn không?

Trước khi vẽ bức tranh chung cho cải cách, người hoạch định chính sách cần phải biết đầu tư trọng tâm ở đâu trong cùng một cấp học, trong từng địa phương để có kế hoạch cụ thể và phải hiểu được “giáo dục ăn thủng ngân sách”, như người Pháp đã nói, chứ không thể quá phi thực tế.

Khi tiền có ít thì chỉ nên rót thực sự vào các trường nghiên cứu khoa học (ĐHQG) và một số trường đào tạo kỹ sư, kinh tế lớn, trường sư phạm, những trường mà thiếu họ, “dây chuyền sản xuất” của đất nước không vận hành được. Loại thứ hai cần được quan tâm là trường CĐ đào tạo kỹ thuật viên.

Như vậy, khu vực dân lập sẽ bị “bỏ rơi” và tình cảnh họ có bi đát hơn không?

Trường ngoài công lập chỉ cần chính sách để đứng vững, chứ làm cái kiểu đẩy trường tư ra xa, cho xây trường công lập học phí rẻ đầy ra ở trung tâm thì ngoài công lập nào tuyển sinh được. Để trường tư phát triển, nếu không có tiền giúp họ thì có chính sách hữu hiệu là đủ.

Dù làm gì cũng nên biết một điều: không đến tận nơi sẽ không thấy vấn đề; cứ bày ra, cứ cào bằng, đến lúc chỗ nào cũng cần tiền thì sẽ lại không làm được!

Cảm ơn bà!

GS Hoàng Xuân Sính từng được nhà nước Pháp trao tặng Huân chương Cành cọ Hàn lâm vì những đóng góp cho việc phát triển và hợp tác khoa học giữa hai quốc gia Pháp - Việt.

 

Hồ Thu thực hiện

Theo bạn, đổi mới giáo dục hiện nay bắt đầu và tập trung vào đâu?
  •   Giáo viên
  •   Chương trình dạy, học
  •   Thi cử
  •   Ý kiến khác
    
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.