Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ:

Đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ người thầy

TP - “Trong giai đoạn hiện nay, các trường sư phạm tập trung đào tạo mới nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo tại hội thảo Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên (GV) và cán bộ quản lý giáo dục vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Theo Bộ GD&ĐT, chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ GV và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông của các trường sư phạm chủ chốt. Chương trình xác định mục tiêu trong thời gian tới, sẽ tập trung phát triển năng lực đội ngũ GV , cán bộ quản lý cốt cán để họ có đủ năng lực hỗ trợ việc bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, ngay tại chỗ cho tất cả GV.

Đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ người thầy ảnh 1

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ  khẳng định: “Giáo dục là vì sự phát triển của con người, đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ người thầy và từ các cán bộ quản lý giáo dục. Đội ngũ GV  và cán bộ quản lý cơ sở là nhân tố quyết định thành công đổi mới giáo dục. Vì vậy, các trường sư phạm cần phải làm tốt công tác đào tạo và bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ GV và cán bộ quản lý giáo dục theo chuẩn nghề nghiệp”.

Bộ trưởng nhấn mạnh việc đầu tư cho các trường sư phạm phải được thực hiện theo quy hoạch ngành, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đổi mới giáo dục phổ thông. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, vì giáo dục con người là một quá trình, phải vài năm mới có thể có sự thay đổi về chất, do vậy không thể nóng vội, kiên quyết không làm chắp vá, phải đầu tư “đến ngưỡng” và đạt hiệu quả cao.

Theo Bộ trưởng, trước mắt, cần phải xây dựng được quy hoạch tổng thể ngành, từ đó thu hút nhiều nguồn vốn để đầu tư phát triển giáo dục nói chung, phát triển các trường sư phạm nói riêng. Để đổi mới hệ thống sư phạm cần chú ý: Xây dựng được một hệ thống tiêu chuẩn trường sư phạm hiện đại, năng động, tự chủ cao. Sử dụng các tiêu chuẩn này để kiểm định phân tầng xếp hạng các trường sư phạm và lấy kết quả này để sắp xếp lại mạng lưới các trường sư phạm một cách khoa học, công bằng, khách quan.  Bên cạnh đó, cần phân cấp quản lý mạnh mẽ trong hệ thống sư phạm để tăng tính tự chủ và trách nhiệm giải trình của các trường, tạo cơ hội để các trường huy động tối đa các nguồn lực xã hội vào hoạt động đào tạo, bồi dưỡng GV, cán bộ quản lý.

MỚI - NÓNG