Đổi mới phương pháp dạy - học Văn: Khó cũng phải thay đổi

Đổi mới phương pháp dạy - học Văn: Khó cũng phải thay đổi
TP - Sau bài văn của học sinh Hà Minh Ngọc, dư luận đặt câu hỏi: Có nên đổi mới cách dạy và học văn trong nhà trường phổ thông hay không?

Có trường THPT ở Hà Nội đã phô tô bài báo đăng trên Tiền phong phát cho học sinh toàn trường để các em đọc, phát biểu cảm tưởng… Dưới đây là ý kiến về dạy, học văn trong nhà trường của các giáo viên.

Đổi mới dạy và học phải mất ít nhất 20 năm

(Lê Phạm Hùng, giáo viên chuyên Văn, trường THPT Hà Nội-Amsterdam)

Giữa việc học và thi cử luôn có một khoảng cách nhất định. Đề thi mở như thế (đề văn mà Hà Minh Ngọc đã làm PV) thì phải có đội ngũ chấm mới, cách đánh giá mới. Có thể nói, hiện nay giữa học, dạy và thi vẫn còn tách rời nhau.

Nếu chúng ta chấp nhận cách dạy, cách học như thế thì phải thay đổi cả cách ra đề thi đại học, thi vào lớp 10. Nhưng sự thay đổi đó sẽ là cú sốc với dư luận với xã hội: Đây là một học sinh chuyên trong một lớp chuyên và nếu ra đề thi như thế  dư luận có  chấp nhận nổi một kỳ thi tốt nghiệp chỉ có kết quả 5 hoặc 7% không? 

Nhìn ở góc độ học để sáng tạo thì nên nhưng chúng ta phải nhìn thẳng sự thật  là, có  bao nhiêu giáo viên dạy được như thế, bao nhiêu học sinh học được như thế? Theo tôi, không đến 20% giáo viên có thể dạy được theo cách ấy và số học sinh học được cách ấy còn ít hơn.  Như tôi đã nói, điều quan trọng là phải có sự đồng bộ.

Tôi được biết, cách đây không lâu chúng ta có mời một đoàn chuyên gia giáo dục Mỹ sang để tham khảo ý kiến về việc thành lập trường chất lượng cao. Họ đã dự báo, chúng ta mất 20 năm mới dạy theo phương pháp mới, mới có thể có trường chất lượng quốc tế. Họ nói, 20 năm là ngụ ý mình phải chuẩn bị cho học sinh ngay từ bây giờ, từ lớp mẫu giáo.

Khó cũng phải thay đổi

(Bùi Kim Dung, giáo viên Văn, trường THPT Nguyễn Trãi, Hà Nội)

Dạy văn trong nhà trường đang khô cứng, thi cử khuôn sáo, phải thay đổi theo hướng mở.

Tuy nhiên dạy, học mở như thế này (trường hợp Hà Minh Ngọc – PV) chiếm phần nhỏ. Ví dụ một học kỳ có 8 bài viết thì chỉ nên có 1-2 bài theo dạng này, 6 bài theo dạng tác phẩm hoặc mở từ tác phẩm ra cuộc sống.

Mọi đổi mới đều có khó khăn riêng của nó. Như chuyện cắt tóc ngắn, bỏ khăn vành dây ngày xưa là một cuộc cách mạng thì ngày nay thi trắc nghiệm, dạy và học  theo phương pháp mới đối với môn Văn cũng là một vấn đề. Tuy nhiên, khó mấy làm dần rồi cũng quen.

Chúng tôi ủng hộ phương pháp dạy – học mới này

(Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, nguyên giáo viên Văn)

Trường THPT Đinh Tiên Hoàng chúng tôi đã phô tô bài báo trên Tiền phong, phát cho các lớp học, yêu cầu giáo viên đọc cho học sinh nghe, giáo viên cũng nên đọc và suy ngẫm.

Học sinh được yêu cầu làm bài tập làm văn, phát biểu cảm tưởng và viết về thành công  của nhà trường, của các thầy cô giáo và của bản thân trong quá trình học tập tu dưỡng. Nhà trường đã treo giải thưởng cho mỗi bài văn hay được lựa chọn từ mỗi khối lớp. Giải thưởng sẽ được trao vào dịp 20/11/2006. Chúng tôi ủng hộ phương pháp dạy và học Văn mới này. 

MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.