Đổi mới thi tốt nghiệp THPT thực hiện ngay năm nay

Đổi mới thi tốt nghiệp THPT thực hiện ngay năm nay
TP - Như Tiền Phong đã có bài phản ánh, Bộ GD&ĐT đang chuẩn bị cho việc đổi mới thi tốt nghiệp THPT. Chiều qua, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển chính thức thông báo về những dự kiến đổi mới.

Theo ông Hiển, nếu được dư luận ủng hộ, việc đổi mới sẽ tiến hành ngay từ năm 2014.

Ông Hiển nói: Nếu đổi mới ngay từ năm nay thì không có gì đột ngột. Nội dung thi vẫn nằm trong yêu cầu chuẩn kỹ năng môn học của chương trình giáo dục phổ thông, chủ yếu ở lớp 12. Học sinh không phải thay đổi gì trong việc học tập. Chỉ có khác về phương án chọn môn thi. Riêng môn ngoại ngữ thì khác một chút là có thêm phần thi luận, nhưng môn này Bộ muốn chuyển sang thi ở diện khuyến khích chứ không phải bắt buộc.

Bộ GD&ĐT dự định sẽ có tối đa 20% học sinh được miễn thi tốt nghiệp, con số 20% này dựa trên cơ sở nào?

Bao giờ trong tập thể cũng có một nhóm tiên tiến. Vậy nhóm tiên tiến là bao nhiêu phần trăm? Kết quả học tập, rèn luyện của tập thể học sinh nếu biểu diễn trên đồ thị thì đó là một cái biến liên tục, nó không ngắt đoạn ra được. Do đó ngắt ở đâu là do mình. Theo kinh nghiệm những năm trước, số thí sinh đạt kết quả khá giỏi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT nhiều hơn 20%. Bộ để 20% là cho chặt chẽ, do đó sẽ không có hiện tượng lấy nhầm, có chăng chỉ là lấy sót. Đây là số em mà mình chắc chắn thi là đỗ.

Bộ đã từng có chính sách miễn thi tốt nghiệp với học sinh giỏi nhưng cuối cùng phải bỏ vì nảy sinh tiêu cực chạy điểm, làm đẹp học bạ. Khi đưa ra ý tưởng này Bộ có lường trước những tiêu cực cũ tái phát? Chất lượng giáo dục các địa phương khác nhau, đặt tỷ lệ miễn thi 20% cho tất cả các địa phương có phải công bằng?

Chất lượng giáo dục các nơi khác nhau, nhưng điều kiện để làm giáo dục các nơi cũng khác nhau. Nếu nói đến sự công bằng thì cần phải tính đến điều kiện dạy học khác nhau đó. Hơn nữa xét tỉnh nào 20%, tỉnh nào nhiều hơn, tỉnh nào ít hơn cũng rất khó.

 “Bộ đặt ra một tỷ lệ chung là 20% học sinh xuất sắc nhất sẽ được miễn thi. Còn xác định 20% học sinh xuất sắc nhất là những em nào, đó là trách nhiệm của cơ sở giáo dục, của các giáo viên và của học sinh” 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT
Nguyễn Vinh Hiển

Còn chuyện tiêu cực, cần phải thấy cách thức miễn thi sẽ áp dụng khác với miễn thi trước đây. Trước đây, Bộ đặt ra một cái chuẩn, em nào đạt chuẩn thì được miễn nên người ta cố gắng bằng mọi cách, chính đáng có, không chính đáng cũng có, để đạt cái chuẩn đó. Còn giờ đây, Bộ đặt ra một tỉ lệ chung là 20% học sinh xuất sắc nhất sẽ được miễn thi. Còn xác định 20% học sinh xuất sắc nhất là những em nào, đó là trách nhiệm của cơ sở giáo dục, của các giáo viên và của học sinh. Đặt ra việc này thì mình sẽ phải tăng giám sát của học sinh, của giáo viên, của hội đồng giáo dục, của phụ huynh học sinh, để đảm bảo tỷ lệ chính xác. Ai, ở đâu làm sai thì phải chịu trách nhiệm trước tập thể, còn Bộ không thể nào xuống các trường để nói em này xét sai em kia xét đúng được.

Về môn thi, Bộ đưa ra hai phương án, trong đó một phương án chỉ có bốn môn mà không có môn ngoại ngữ. Phải chăng, Bộ không coi trọng môn này?

Bộ xác định ngoại ngữ là một công cụ yêu cầu năng lực con người trong thời kỳ hội nhập. Do đó, trong đề án dạy học ngoại ngữ thì môn này là môn bắt buộc trong chương trình từ lớp 3 cho đến lớp 12. Theo đề án này, sắp tới không dạy học ngoại ngữ như cũ nữa, nghĩa là sẽ hướng tới việc sử dụng chứ không phải dạy ngữ pháp là chính. Dạy ngoại ngữ là hướng tới giúp học sinh giao tiếp, nghe nói, đọc, viết được. Như vậy cách thi, kiểm tra và đánh giá của chúng ta sẽ phải khác. Thi ngoại ngữ mà với hình thức thi mấy chục phút dành cho cả triệu học sinh cùng một lúc, làm bài trắc nghiệm (nói nôm na là chỉ có gật hoặc lắc) thì đó không phải là cách thi ngoại ngữ tốt.

Chúng tôi không muốn kéo dài tình trạng thi ngoại ngữ như hiện nay. Bộ khuyến khích em nào học thật, có chất lượng thật thì dự thi, kết quả thi sẽ quy thành điểm khuyến khích. Đề thi chỉ áp dụng cho học sinh học ngoại ngữ 7 năm, không có đề thi cho học sinh học 3 năm. Đề thi có thêm phần luận, chứ không chỉ có trắc nghiệm như trước. Như vậy chấm thi phức tạp hơn. Nhưng mà kể cả như thế thì năng lực nghe nói cũng chưa kiểm tra được, Bộ sẽ tìm cách cải tiến dần.

Việc thi 4 môn có khiến tăng thêm tình trạng học sinh học lệch, thưa Thứ trưởng?

Theo quy chế hiện hành, học sinh đạt học lực yếu hạnh kiểm khá là đã có thể đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp. Vì thế, trên thực tế học sinh vẫn học lệch. Mọi năm, đến 31/3 mình mới công bố môn thi mà báo chí vẫn phản ánh nơi nọ nơi kia coi trọng môn thi coi nhẹ môn không thi. Trước đó nữa, khi chưa công bố môn thi, học sinh cũng đã học lệch, chỉ chú trọng vào những môn mình chuẩn bị thi ĐH. Chuyện học lệch là một thực tế.

Có phải Bộ khuyến khích học lệch thêm hay không? Nói thật, nếu học lệch một cách chính đáng thì đó là điều tốt. Học lệch chính đáng nghĩa là đảm bảo một mặt bằng bình thường, sau đó em nào hướng nghiệp vào cái gì thì được học thêm cái đó kỹ hơn. Chương trình cũ chưa làm được điều đó. Nhưng Bộ cũng chú ý tới việc đảm bảo mặt bằng kiến thức chung bằng cách đưa ra một ý định mới.

Quý Hiên
ghi

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
TPO - Vào tối 17/4, trên địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu), do ảnh hưởng của mưa lớn kèm gió lốc lật thuyền, hai người mất tích. Mưa lớn kèm gió lốc cũng gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng đến tài sản của Nhà nước và nhân dân.