Đối tác kém đang “đuổi” đối tác tốt!

Đối tác kém đang “đuổi” đối tác tốt!
Đó là nhận định của bà Trần Thị Hà - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (ĐH) và Sau ĐH (Bộ GD&ĐT), về tình trạng nở rộ các chương trình liên kết đào tạo (LKĐT) ĐH với nước ngoài, “vàng thau lẫn lộn” về chất lượng hiện nay.
Đối tác kém đang “đuổi” đối tác tốt! ảnh 1

Bà Trần Thị Hà - Ảnh: Tuổi Trẻ.

Bà Hà cho rằng: Hợp tác quốc tế đã được Bộ GD-ĐT xác định là một trong bảy nhóm nhiệm vụ quan trọng để đổi mới và phát triển giáo dục ĐH với định hướng nâng cao chất lượng đào tạo.

Thực tế đã cho thấy, hợp tác quốc tế trong giáo dục mặt tốt có nhưng hạn chế, bất cập cũng có. Vấn đề là xử lý được những mặt tiêu cực, phát huy tích cực chứ không thể vì có hạn chế, sai sót mà đóng chặt cửa, không khuyến khích hợp tác đào tạo.

Hiện các trường ĐH của Việt Nam mới chỉ hợp tác, thực hiện LKĐT với những trường “thường thường”, không có những đối tác tên tuổi, uy tín... Theo bà, tại sao?

Hiện nay đang có tình trạng trường (đối tác) kém “đuổi mất” trường tốt đi. Một trường tốt trước khi ký kết hợp tác, bao giờ người ta cũng tìm hiểu xem bản thân “anh” như thế nào, “anh” đã hợp tác với những ai. Nếu thấy đã từng hợp tác với những đối tác kém thì trường có uy tín sẽ không muốn vào hợp tác vì không muốn bị đánh đồng hạng.

Bộ đã yêu cầu các trường trong hợp tác đào tạo phải lựa chọn đối tác chiến lược. Còn chọn như thế nào là do các trường tự thẩm định, cân nhắc.

Phân loại đẳng cấp để cấp phép

Nhưng hiện nay Bộ GD-ĐT vẫn trực tiếp “gác cửa”, phê duyệt các chương trình LKĐT. Tình trạng thiếu vắng các đối tác uy tín cũng một phần do quy trình phê duyệt, cấp phép?

Việc Bộ phải xem xét cấp phép LKĐT với nước ngoài trước hết vì quyền lợi của người học. Trong giáo dục không thể “thử”, phải bảo đảm để người học không bị thiệt thòi, nhất là trước các đối tác cấp văn bằng nước ngoài trong điều kiện hệ thống quy định quản lý, luật pháp của ta liên quan đến lĩnh vực này còn chưa đồng bộ, hoàn thiện. Nhưng đúng là cách quản lý như hiện nay có thể đánh đồng trường lớn với trường không tên tuổi.

Các trường trong nước sẽ gặp khó khăn khi muốn tìm đối tác lớn, có tầm cỡ, nếu quy định cứ buộc những trường nổi tiếng hay có uy tín đã được thừa nhận trên thế giới muốn hợp tác ở Việt Nam phải làm theo quy trình như tất cả trường khác. Họ sẽ ngại ngần, không thể kiên nhẫn, thậm chí tự ái khi họ còn nhiều cơ hội hợp tác, luôn được chào mời ở những nơi khác.

Hợp tác với nước ngoài phải được khuyến khích. Nhưng cởi mở quá mà không quản lý được lại có những nguy cơ về chất lượng đào tạo và quyền lợi của người học.

Vậy theo bà, phải làm thế nào để vừa quản lý vừa khuyến khích được?

Theo tôi, đối với những trường có uy tín nên coi bản thân tên tuổi, xếp hạng của trường đó đã là một sự bảo đảm. LKĐT ở những ngành học không ảnh hưởng đến chính trị, quan điểm, nội dung đào tạo theo thông lệ quốc tế, là những kiến thức khoa học cơ bản chung như các ngành kỹ thuật, công nghệ, ngoại ngữ, kinh tế như quản trị kinh doanh, kế toán... thì nên khuyến khích trường hai bên chủ động, xét duyệt đơn giản hơn về thủ tục.

Còn hợp tác với những trường chưa được xếp hạng cao, chưa tên tuổi hoặc ở những nước chưa kiểm định thì phải trình để bộ đánh giá, xem xét cho phép LKĐT.

Mở đầu vào, siết đầu ra

Đối tác kém đang “đuổi” đối tác tốt! ảnh 2

Một giờ học của SV năm 2 khoa thương mại và quản trị kinh doanh trong chương trình liên kết đào tạo giữa ĐH Kinh tế TP.HCM và ĐH Victoria, New Zealand - Ảnh: Như Hùng (Tuổi Trẻ).

Các chương trình LKĐT với nước ngoài có thể mang lại nguồn thu lớn cho các trường nhưng sẽ tăng sức ép lên các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo chính quy, đại trà của các trường trong nước?

Chỉ tiêu tuyển sinh được phê duyệt hằng năm của các trường ĐH có căn cứ vào điều kiện giảng viên, cơ sở vật chất nhưng không có nghĩa là giao chỉ tiêu đã hết năng lực đào tạo...

Tỉ lệ sinh viên/giảng viên hiện nay là một tiêu chí chứ rất nhiều trường ĐH lớn đào tạo chính qui chưa hết năng lực. Việc các trường ĐH này hợp tác đào tạo với nước ngoài cũng không ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Nhưng trên thực tế, nhiều trường có chương trình LKĐT lại là những trường ở tình trạng đào tạo vượt quá khả năng? Hơn nữa, phương thức tuyển sinh với đầu vào “mở”, điều kiện dễ hơn vào chương trình đào tạo ĐH đại trà liệu có đảm bảo chất lượng thực chất cho những tấm bằng ngoại “made in Việt Nam”?

Đúng là có những trường nhỏ, LKĐT nhiều sẽ có khó khăn. Sẽ phải mời giảng viên nước ngoài, giảng viên bên ngoài từ các trường khác đến tham gia giảng dạy.

Trên thực tế, thường các trường nhỏ thì cũng có ít giảng viên đủ điều kiện dạy các chương trình LKĐT vì hầu hết các chương trình này dạy bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, chỉ có một số dạy bằng tiếng Việt.

Đối với các trường nhỏ, qua LKĐT với nước ngoài, tính ra cái được nhiều hơn: nâng cấp, phát triển được nhiều thứ, nhất là về phương pháp giảng dạy, quản lý đào tạo. Hợp tác đào tạo quốc tế không chỉ là sử dụng chương trình, còn sử dụng cả phương thức giảng dạy, quản lý thi cử, đánh giá.

Về phương thức tuyển sinh, chúng tôi khẳng định là không có gì đáng lo ngại. Chất lượng đào tạo, chất lượng bằng cấp sẽ phụ thuộc chủ yếu vào quá trình đào tạo.

Tuy nhiên, người học phải chuẩn bị tinh thần học ở các chương trình LKĐT với nước ngoài là sẽ học theo một phương thức đào tạo khác, tức là mở rộng đầu vào nhưng siết chặt đầu ra, có thải loại rất mạnh trong quá trình đào tạo.

Vậy công nhận bằng cấp do các trường nước ngoài cấp cho SV tốt nghiệp các chương trình LKĐT ở Việt Nam như thế nào?

Văn bằng đương nhiên được công nhận tại Việt Nam. Trường nước ngoài sẽ phải chịu trách nhiệm về bằng cấp. Theo tôi được biết, hằng năm các trường nước ngoài có kiểm định chất lượng cũng phải thực hiện kiểm định đối với các chương trình LKĐT ở nước ngoài, trong đó có chương trình LKĐT ở VN.

* Xin cảm ơn bà.

Theo Thanh Hà
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG