Đóng cửa hoặc sát nhập các trường chưa có cơ sở vật chất

Các đại biểu góp ý tại hội nghị
Các đại biểu góp ý tại hội nghị
TPO - Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị trường đại học ngoài công lập (ĐH NCL) với sự tham dự của 60 trường ĐH NCL, lãnh đạo Sở GD&ĐT, Hiệp hội các trường ĐH- CĐ… để tháo gỡ cơ chế cũng như bàn về các giải pháp phát triển hệ thống giáo dục ĐH NCL một cách bền vững được tổ chức tại TPHCM ngày 14/4.

Có “thân hữu, gia đình trị” trong điều hành

Tại hội nghị, đại diện nhóm chuyên gia nghiên cứu các trường đại học ngoài công lập cho biết, năm 1987, hệ thống GDĐH chưa có trường ĐH NCL, năm 1994 có 5 trường và đến cuối năm 2016 đã có 60 trường, chiếm tỷ lệ 25,5% số trường đại học với quy mô đào tạo trình độ đại học là 232.367 sinh viên, chiếm tỷ lệ 13,16% sinh viên đại học trong cả nước. Mạng lưới các trường ĐH nói chung và ĐH NCL nói riêng gần như phủ kín toàn quốc, trong đó mạng lưới các trường ĐH NCL đã phát triển ở 29/63 tỉnh/thành và hầu hết các trường ĐH NCL tập trung tại các thành phố lớn và các khu kinh tế trọng điểm.

Theo số liệu kê khai năm 2016, tổng số giảng viên của các trường ĐH NCL là trên 20.500 giảng viên, trong đó 71% là giảng viên cơ hữu, số còn lại là giảng viên thỉnh giảng. Đặc biệt trường ĐH Quốc tế Bắc Hà 97 giảng viên thì số lượng giảng viên thỉnh giảng nhiều hơn giảng viên cơ hữu (48 cơ hữu và 49 thỉnh giảng).

Ở một số trường, tỷ lệ nhân sự lãnh đạo kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ cao (như ĐH Thành Đô, Vạn Xuân, Dân lập Hải Phòng), vấn đề “thân hữu, gia đình trị” cũng được đề cập nhưng với tư duy khác nhau. “Việc kiêm nhiệm này sẽ giảm thiểu những vấn đề không đáng có phát sinh trong nội bộ lãnh đạo nhà trường nhưng ngược lại, việc kiêm nhiệm này ảnh hưởng tới sức sáng tạo và cơ hội điều chỉnh các chiến lược và chính sách nhà trường theo hướng mới”, đại diện nhóm khảo sát nhận định.

Cũng theo nhóm chuyên gia này, đội ngũ giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư phần lớn là cán bộ nghỉ hưu, có tuổi cao, khả năng cập nhật kiến thức khoa học hạn chế. Giảng viên của trường ngoài công lập đa phần có trình độ cử nhân. Có 5/60 trường thành lập đã 20 năm nhưng chưa có đất xây trường phải đi mướn, thuê. Nguồn lực tài chính của các trường còn hạn chế. Học phí là nguồn thu chủ yếu của các trường, chiếm trên 61,17% tổng thu.

Công tác tuyển sinh của các trường gặp khó khăn...Cụ thể như Trường ĐH Hùng Vương TPHCM không có sinh viên (hiện vừa được Bộ GD&ĐT cho phép tuyển sinh trở lại) thì trường ĐH Hà Hoa Tiên còn rất ít sinh viên đang theo học do đã dừng tuyển sinh; Trường ĐH Mỹ Thuật Công nghiệp Á Châu chỉ có 135 sinh viên…

Đóng cửa hoặc sát nhập nếu không đủ điều kiện

Trước những vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, đến nay đã có hơn 20 năm ra đời, hệ thống các trường ĐH NCL đã có 60 trường góp phần vào việc đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội, tổng số thuế năm 2016 đóng góp là 1000 tỷ đồng. “Các trường NCL đã đóng góp tích cực vào công tác giáo dục, đóng góp nguồn nhân lực cho đất nước như thuế, tạo việc làm cho hàng nghìn giáo viên…”, ông Nhạ nói.

Tuy nhiên, ông Nhạ cho rằng, sau hơn 20 năm cần nhìn lại, đánh giá nghiêm túc hơn. “Nhìn chung các trường còn rất nhỏ về quy mô, thiếu thốn và chưa đảm bảo như những cam kết, chất lượng sinh viên chưa cao, các hoạt động của các nhà trường chưa đồng bộ, phần lần lớn hoạt động chủ yếu là đào tạo, nghiên cứu khoa học chưa nhiều, thậm chí nhiều trường chưa chú trọng nghiên cứu khoa học. Cơ sở vật chất của nhiều trường chưa đáp ứng yêu cầu như cam kết, nhiều trường còn đi thuê chưa đồng bộ, đặc biệt cho NCKH”, ông Nhạ nói.

Ông Nhạ cũng dẫn chứng thêm nhiều mặt chưa được của các trường ĐH NCL như tỷ lệ giảng viên trình độ TS chưa cao với khoảng 22%, số giảng viên trình độ cử nhân còn nhiều, tỷ lệ thỉnh giảng còn cao; Tự chủ về đội ngũ giảng viên cơ hữu còn hạn chế; Tài chính phụ thuộc tài chính vào đầu tư ban đâu và học phí của sinh viên là chính; Quản trị nội bộ, hệ thống văn bản pháp lý chưa hoàn chỉnh, nhiều cán bộ lãnh đạo chưa được đào tạo bày bản mà chỉ là kinh nghiệm cá nhân…

“Đối với Bộ, hội nghị hôm nay đã có vô số góp ý hợp lý trong đó các trường đều thống nhất tiếp tục rà soát các quy định đã có và căn cứ vào thực tế của các trường để thấy rõ vấn đề nào chưa hợp lý để điều chỉnh. Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ, Quốc hội cần sửa đổi và bổ sung 2 luật: Giáo dục và : Giáo dục đại học”, ông Nhạ nhấn mạnh.

Ngoài ra, người đứng đầu Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các trường ĐH NCL phải ra soát lại chiến lược phát triển của trường sau 10 năm, 20 năm và đối chiếu với cam kết thực hiện ra sao. Theo ông Nhạ, cơ chế tốt đến mấy mà các trường không tự thân thì sẽ rất khó. Đề nghị các trường rà soát lại, phải đối chiếu với cam kết ban đầu, có kế hoạch cụ thể để thực hiện đúng cam kết. Bộ sẽ tăng cường thanh tra nếu trường nào không thực hiện như cam kết sẽ xem xét dừng chứ không phải vì kéo dài khó khăn đến mức ảnh hưởng chất lượng, gây bức xúc dư luận”, ông Nhạ nhấn mạnh đồng thời lưu ý các trường phải chú ý đến điều kiện đảm bảo chất lượng trong đó gồm cơ sở vật chất, những trường chưa có cơ sở vật chất có thể tính đến phương án sát nhập và đóng cửa.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.