Đồng phục học đường: Mẫu mã nên đơn giản, chào giá công khai

Ông Dương Văn Bá
Ông Dương Văn Bá
TP - Ông Dương Văn Bá - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) trả lời về đồng phục học sinh.

Mục tiêu của đồng phục là tạo ra sự bình đẳng giữa các em học sinh. Tuy nhiên, hiện nay có tình trạng ganh đua thái quá về đồng phục. Ông đánh giá như thế nào về hiện tượng này?

Bộ GD&ĐT chỉ đạo rất sớm việc này. Từ tháng 10/1993, Bộ trưởng GD&ĐT lúc đó đã ban hành chỉ thị về việc mặc đồng phục trong học sinh, sinh viên. Ngày 30/9/2009, Bộ ban hành thông tư quy định về việc mặc đồng phục và lễ phục tốt nghiệp của học sinh, sinh viên (Thông tư 26 - PV). Một trong những nguyên tắc mặc đồng phục của học sinh được quy định trong thông tư này là phải phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của từng địa phương, từng trường. Thời gian qua, Bộ có nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc, lưu ý các địa phương thực hiện việc mặc đồng phục của học sinh.

Nếu các trường thực hiện nghiêm túc sẽ không có tình trạng ganh đua giữa các trường và không có sự phản ứng của học sinh hay cha mẹ học sinh về mẫu mã hay giá cả của đồng phục.

 Có ý kiến cho rằng, nên có một mẫu chung cho các trường (nhất là trường công), chỉ sử dụng phù hiệu riêng cho từng trường. Biện pháp này có thể tạo ra bình đẳng, tiết kiệm hơn?

Thông tư 26 quy định, đồng phục phải bảo đảm ba yếu tố. Thứ nhất, cần đảm bảo tính thẩm mỹ, phù hợp với giới tính, lứa tuổi của học sinh, sinh viên và bản sắc văn hóa của dân tộc, đặc điểm của từng địa phương, đồng thời đảm bảo tính ổn định, thể hiện truyền thống của nhà trường. Thứ hai, phù hợp với điều kiện thời tiết, thuận tiện cho việc học tập, sinh hoạt ở trường và tham gia các hoạt động khác. Cuối cùng, cần bảo đảm tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của từng địa phương, từng trường. Tuy nhiên, theo tôi, quy định này cần đơn giản, tránh gây tốn kém, phiền hà cho cha mẹ học sinh.

Nhiều phụ huynh phàn nàn, chất lượng vải và đường may của đồng phục chưa tốt. Ông nhận định gì về điều này?

Bộ đồng phục thoải mái, chất lượng sẽ giúp mỗi em học sinh thực hiện việc vui chơi, học tập và rèn luyện một cách thuận lợi và tích cực nhất. Có thể một số trường thực hiện chưa đúng. Vừa qua một số sở GD&ĐT như Khánh Hòa, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu… đã có văn bản chấn chỉnh về vấn đề này.

 Vẫn có hiện tượng thiếu minh bạch, lấy phần trăm khi mua đồng phục cho học sinh. Thời gian tới, Bộ có giải pháp thay đổi như thế nào, chẳng hạn yêu cầu các trường, hội phụ huynh thực hiện việc chào giá, đấu giá công khai? 

Thông tư 26 đã quy định phụ huynh học sinh hoặc ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức việc may hoặc mua đồng phục. Như vậy, nhà trường không có trách nhiệm tổ chức may, mua đồng phục cho học sinh. Trong các văn bản hướng dẫn đầu năm học, Bộ GDĐT tiếp tục chỉ đạo các sở kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những trường hợp làm sai quy định.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG