Du học sinh tổ chức Tết "ra trò"

Du học sinh tổ chức Tết "ra trò"
Ở nước ngoài, Tết Nguyên đán cũng giống như bao ngày bình thường khác. Không “cam chịu” điều này, các bạn du học sinh Việt Nam tại nước ngoài đã quyết tâm tổ chức một cái Tết thật “ra trò” và ấm cúng…

Từ đầu tháng chạp không khí Tết đã có mặt ở nhiều cộng đồng du học sinh Việt Nam trên thế giới. Sung sướng nhất phải kể tới các du học sinh ở những nơi cũng có Tết âm lịch như Trung Quốc, Đài Loan, Singapore…

Bạn Trần Phương Trang, hiện đang học trung học tại Singapore cho biết: “Đi học xa nhà em còn háo hức Tết hơn cả hồi bé. Giờ chỉ mong sáng mai ngủ dậy là có mặt ở nhà luôn thôi”.

Không may mắn như Trang, đa phần các du học sinh đều phải làm quen với cảnh ăn Tết ở nước bạn.

Du học sinh tổ chức Tết "ra trò" ảnh 1
Phan Hồng Hạnh, thứ hai từ phải qua, cùng các bạn tại Seoul, Hàn Quốc - Ảnh nhân vật cung cấp

Hàn Quốc cũng đón Tết Nguyên đán như Việt Nam nhưng chỉ có 3 ngày nghỉ: 30, mùng 1, mùng 2 nên sinh viên Việt Nam cũng không kịp về nhà.

Đã đón một cái Tết xa nhà, nhưng năm nay, Phan Hồng Hạnh, sinh viên trường Đại học Luật và Kinh doanh quốc tế (trụ sở tại Seoul) vẫn chưa quen được cái cảm giác nhớ Tết Việt Nam.

“Tết ở Hàn chẳng có không khí mua sắm ngoài phố nhộn nhịp như ở Việt Nam đâu. Họ mua sắm trong siêu thị! Mà cũng phải đến gần ngày Tết họ mới mua. Vì thế, Hạnh nhớ cái không khí Tết ở Việt Nam lắm, nhớ cảm giác háo hức những ngày trước Tết”, Hạnh bùi ngùi tâm sự với chúng tôi.

Năm nay đã là cái Tết xa nhà thứ 3 của Nguyễn Phi Hùng, sinh viên khoa Khoa học kỹ thuật và Công nghệ máy tính, Đại học La Trobe, Melbourne, Australia. Chàng kỹ sư này tâm sự về cách “thưởng” Tết rất đặc biệt của mình: “Thường thì mọi người vẫn đến khu chợ của người Việt để tìm cho mình không khí Tết, riêng Hùng thì lại không muốn đến đó. Vì như thế mình sẽ càng cảm thấy nhớ nhà hơn mà thôi”.

Những cái tết “hoành tráng”

Những cái Tết của người Việt ở Ukraine thì chẳng bao giờ buồn. Trong số các du học sinh, cộng đồng người Việt luôn được coi là “number one” vì có rất nhiều hoạt động ấn tượng.

Tết năm nào Hội Sinh viên tại Ukraine cũng đứng ra tổ chức đón Tết cho các bạn du học sinh, năm nay là vào ngày 12.2 (tức 29 tháng chạp).

Trao đổi với chúng tôi, bạn Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó bí thư Thành Đoàn Kiev, người đang theo học chương trình thạc sĩ Khoa Hàng không vũ trụ trường Đại học Bách Khoa Kiev (sắp sửa đón cái tết thứ 6 tại đây) cho biết: “Hiện giờ, bọn mình đã lên kế hoạch chi tiết đầy đủ cả rồi. Các bạn nữ trong trường cũng đã lên thực đơn các món ăn. Chắc chắn, sinh viên bọn mình sẽ tham gia rất “xôm” đấy. Nói chung, tất cả đã sẵn sàng đón Tết!”.

Du học sinh tổ chức Tết "ra trò" ảnh 2
Du học sinh tại Kiev tập trung bên nhau và cùng làm những món ăn truyền thống Việt Nam - Ảnh nhân vật cung cấp

Vừa gửi cho chúng tôi xem những bức hình chụp Tết năm ngoái, Tuấn vừa giới thiệu thêm: “Bên này thì chịu, không có đào, mai, quất tươi như ở nhà nhưng năm ngoái, cộng đồng người Việt tại đây cũng làm một cây đào rất hoành tráng. Bạn nhìn mà xem, chẳng kém gì đào rừng Việt Nam đâu nhé!”.

Nhóm sinh viên tại Kiev được các bạn nước khác nể phục còn vì những đôi tay khéo léo, rất tỉ mẩn và rất Việt Nam.

Bùi Trâm Anh, một cô gái vô cùng dễ thương và khá nhiều “chức vụ”: Ủy viên BCH Thành Đoàn Kiev, Ủy viên BCH đơn vị Đại học Bách khoa Kiev kiêm Đội trưởng Đội Văn nghệ, tự hào nói: “Với em, năm nay sẽ là cái Tết thứ 5. Mỗi năm là một kỷ niệm không thể nào quên. Tết của bọn em luôn được gọi là “cây nhà lá vườn”. Tất cả đều “hand-made”. Ngoài bánh chưng, giò lụa, chả quế, chúng em còn tự nấu xôi gấc, xôi đậu xanh; canh sườn nấu măng, nem rán, bánh phồng tôm… Mà món nào cũng được các bạn nước ngoài suýt xoa khen ngon nữa chứ”.

Riêng các bạn nữ tại Kiev thì có thêm một công việc đặc biệt khác để đón Tết, đó là thiết kế và may trang phục. Một mình Trâm Anh sẽ phụ trách cắt vải, các bạn nữ khác sẽ đảm nhận nhiệm vụ khâu, vá.

“Năm nào, tụi em cũng tự may trang phục múa hát đấy! Từ quần áo dân tộc như áo yếm, váy đụp, áo bà ba, đến quần áo của Âu Cơ, Lạc Long Quân... tất cả bọn em chỉ làm một tuần là xong!”, Trâm Anh nói.

Các du học sinh vẫn thường tâm sự, Tết cũng là dịp đặc biệt nhất để mình giới thiệu văn hóa của đất nước đến các bạn nước ngoài. Vì vậy, với các sinh viên du học tại Anh, Tết năm nào cũng có rất nhiều chương trình để họ vơi đi nỗi nhớ nhà. Đúng giờ giao thừa ở Việt Nam, họ tập trung bên nhau, nấu nướng và cùng chúc nhau những lời chúc đẹp nhất đầu xuân.

Bạn Đinh Mai Long (Đại học Tổng hợp London) cho biết: “Bọn mình cũng đi lùng sục khắp các chợ để tìm mua bằng được những nguyên liệu làm các món ăn Việt Nam”.

Chẳng ai như Long, năm nay lần đầu tiên được về nhà ăn Tết nhưng anh vẫn thấy có gì đó tiêng tiếc. “6 năm đón Tết ở nước ngoài, Tết năm nào bọn mình cũng tổ chức các chương trình để đón Tết thật hoành tráng và ấm cúng. Tết của du học sinh không hề buồn đâu nhé. Về nhà ăn Tết cũng thấy nhớ các bạn, nhớ Tết xứ người lắm đấy”, Mai Long nói.

Theo Thanh Lan - Hà Ly
Thanh Niên

MỚI - NÓNG