Du học sinh: trở về và hội nhập

Du học sinh: trở về và hội nhập
Du học sinh (HS) về nước làm việc ngày càng nhiều, đang là một nguồn nhân lực dồi dào, ở nhiều nơi là “hàng săn” của doanh nghiệp (DN).
Du học sinh: trở về và hội nhập ảnh 1
Nhân viên VinaCapital (50% là du HS) học cách hội nhập từ trò chơi vận động trong những buổi dã ngoại

Nhưng có một thực tế mà nhiều DN nhận xét: không ít du HS kiến thức nền tốt nhưng khả năng hội nhập với môi trường làm việc VN, kỹ năng linh hoạt trong ứng dụng kiến thức lĩnh hội từ các nước vào thực tế chưa cao, thậm chí yếu.

Chưa thích ứng

Tại giao lưu tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp giữa du HS VN đang học ở các nước với các DN, anh Phạm Uyên Nguyên - giám đốc điều hành VinaCapital - cho biết có một sinh viên (SV) sau khi học chín năm ở nhiều đại học (ĐH) danh tiếng của Mỹ, với bằng tiến sĩ chuyên ngành về làm việc cho VinaCapital.

Được phân công làm ở bộ phận đầu tư, vận dụng luật VN vào những tình huống cụ thể trong kinh doanh, suốt một năm trời anh tiến sĩ này vẫn lóng ngóng.

Nguyên nhân mà lãnh đạo công ty nhận ra là anh không tự học thêm kiến thức chuyên ngành này của VN, chỉ dùng những luật học được ở Mỹ cho môi trường trong nước. “Cuối cùng phải chuyển anh ấy sang bộ phận khác làm việc không liên quan gì đến chuyên ngành đã học”, anh Nguyên nhận xét.

“Nhiều du HS chưa tìm hiểu kỹ môi trường làm việc trong nước, thường rập khuôn ứng dụng kiến thức mình đã học nên dễ thất bại”, chị Nguyễn Vũ Vân Anh, trợ lý giám đốc nhân sự - đào tạo Ngân hàng Đông Á, lý giải.

Trong mắt các nhà tuyển dụng, điều quan trọng không phải ứng viên có bằng cấp hay kiến thức gì mà là nhuần nhuyễn trong công việc cộng với sự hòa nhập văn hóa, gốc rễ của mình như thế nào.

Anh L.H.Phi - giám đốc một công ty quảng cáo - nhận xét: “Ba năm nay tôi thống kê: chỉ khoảng 50% số du HS có khả năng thích ứng cao, làm việc hiệu quả”.

Hội nhập cách nào?

Nguyễn Thị Hương Giang - chuyên viên của VinaCapital - được nhận xét là người hòa nhập nhanh chóng với hiệu quả công việc. Bí quyết của Giang: khi còn du học ở ĐH California (Mỹ), hằng ngày Giang đều không bỏ sót thông tin về VN qua báo chí trên mạng.

Mỗi năm Giang đều tranh thủ về VN đi thực tập ở một số công ty hoặc du lịch để không quá xa với môi trường mà mình định trở về sau khi ra trường.

Cũng vậy, chị Nguyễn Vũ Vân Anh - Ngân hàng Đông Á, cũng có thời gian học ở nước ngoài - cho rằng việc kết hợp thời gian nghỉ hè hoặc về thăm gia đình với việc tham gia các chương trình dành cho du HS của DN là cơ hội áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế, tìm hiểu nhiều hơn về môi trường làm việc, cách thức và phương pháp làm việc của các DN trong nước.

Còn Nguyễn Thành Nam, một du HS VN ở Úc, rút kinh nghiệm: “Kiến thức chỉ là điều kiện cần, còn lại là sự hội nhập với môi trường trong nước, kể cả tự học văn hóa VN, văn hóa kinh doanh là điều hết sức quan trọng”.

Nhiều công ty chú trọng việc đào tạo sự hội nhập cộng đồng cho các du HS. Hương Giang cho biết VinaCapital hằng tháng lại tổ chức những buổi sinh hoạt dã ngoại, thông qua những trò chơi giúp nhân viên hòa đồng vào môi trường, tìm hiểu thêm văn hóa VN. VinaCapital hay Ngân hàng Đông Á hằng năm có chương trình thực tập (internship) giúp du HS có môi trường làm việc trong nước.

Với chương trình này, các bạn được tham gia các dự án, giúp có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, kiến thức nhiều hơn. Ngoài ra, Ngân hàng Đông Á cũng đang xây dựng câu lạc bộ du HS, tạo điều kiện cho các bạn tiếp cận thực tế, nghiên cứu và học tập kinh nghiệm.

Theo Đặng Tươi
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.