Dự thảo quy chế thi tốt nghiệp 2020: Người lo, người ủng hộ?

Thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2019 Ảnh: Như Ý
Thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2019 Ảnh: Như Ý
TP - Nhiều ý kiến của đại diện các trường đại học tỏ ra lo lắng về một số nội dung trong Dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp 2020 đang được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến. 

Một trong những nội dung mới dự kiến của năm nay là không có sự tham gia của các trường ĐH trong công tác coi thi, chấm thi đang được các trường ĐH rất quan tâm. 

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM  cảm thấy thất vọng với nội dung dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2020. “Với  dự thảo này thật sự chúng tôi cảm thấy không yên tâm. Theo tôi, muốn có kỳ thi THPT trung thực thì phải giữ như mọi năm theo cách các trường ĐH tham gia với sở GD&ĐT ở tất cả các khâu: coi thi, chấm thi, thanh tra”, PGS Đỗ Văn Dũng đề xuất. Vì theo ông, nếu giao hết cho các địa phương thì sợ sinh ra tiêu cực giống như từng xảy ra tại một số tỉnh phía Bắc trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, sẽ để lại hậu quả nặng nề.

Ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT) cho rằng, những năm trước ông luôn khẳng định giao kỳ thi THPT quốc gia về cho các địa phương là một sai lầm. Sai lầm đó trả giá bằng gian lận thi cử năm 2018. Nhưng năm nay, ông Ngọc cho rằng, giao kỳ thi tốt nghiệp THPT cho các địa phương, lại là hợp lý.

“Với  dự thảo này thật sự chúng tôi cảm thấy không yên tâm. Theo tôi, muốn có kỳ thi THPT trung thực thì phải giữ như mọi năm theo cách các trường ĐH tham gia với sở GD&ĐT ở tất cả các khâu: coi thi, chấm thi, thanh tra”, PGS Đỗ Văn Dũng đề xuất

Theo ông:”Đã đến lúc người đứng đầu các địa phương phải đứng ra chịu trách nhiệm về kỳ thi này, phải biết sát sao đến mức độ nào.Những năm trước việc quy trách nhiệm này không rõ ràng nên cứ bên nọ nghĩ trách nhiệm của bên kia nên tiêu cực có chỗ để hoành hành. Ngoài những giải pháp về công nghệ, về phần mềm như những năm trước, năm nay Bộ GD&ĐT sẽ công khai dữ liệu đối sánh giữa kết quả thi và kết quả học bạ của thí sinh cũng là một công cụ để hạn chế tiêu cực.

Hơn nữa, cũng giống như kỳ thi năm 2018, chính những học sinh sẽ là những giám sát viên tốt nhất để hạn chế, phát hiện tiêu cực”. Vị chuyên gia này gợi ý, sau một năm học, các trường ĐH cần có một đợt đánh giá lực học của sinh viên so với điểm đầu vào để soi chiếu lại kỳ thi.

Thanh tra 3 cấp

Ông Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, thanh tra của ba cấp gồm Bộ, Tỉnh, Sở, sẽ đảm nhiệm tất cả các khâu của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Bộ chỉ đạo và tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra tăng cường, theo nguyên tắc: xác định rõ trách nhiệm trong công tác thanh tra/kiểm tra các khâu của kỳ thi đối với Bộ; UBNDcấp tỉnh; Sở GD&ĐT; việc thanh tra/kiểm tra đảm bảo đúng quy định của pháp luật; thiết thực, hiệu quả và khả thi.

Thanh tra, kiểm tra của ba cấp được thực hiện ở tất cả các khâu của kỳ thi, tại các Hội đồng thi, điểm thi, phòng thi… của địa phương. Bộ sẽ huy động cán bộ, giảng viên đại học có đạo đức tốt, có kinh nghiệm trong công tác thi tham gia hoạt động thanh tra/kiểm tra thi ở địa phương đảm bảo đúng các quy định pháp luật về thanh tra.

Còn nhớ, năm 2018, gian lận tiêu cực xảy ra tại Hà Giang có trách nhiệm không nhỏ của thanh tra giám sát khâu chấm thi của Bộ GD&ĐT. Vì theo kết quả xác minh của Bộ GD&ĐT, hai thanh tra ủy quyền của Bộ GD&ĐT có nhiệm vụ giám sát khâu chấm thi tại đây đã “bỏ chốt âm thầm” về trường ĐH của mình có việc riêng mà không báo cáo. Làm thế nào để những sai sót trớ trêu không lặp lại và có thể bao quát được hết tất cả các tình huống có thể xảy ra sẽ cần sự chuẩn bị và năng lực quản lý của Bộ GD&ĐT đối với lực lượng thanh tra giám sát kỳ thi năm nay.

MỚI - NÓNG