Dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2009: Số hồ sơ giảm nhiều

Dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2009: Số hồ sơ giảm nhiều
17h ngày 17/4, các trường ĐH, CĐ trong cả nước đã kết thúc việc thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh nộp trực tiếp tại các trường. Đây cũng là thời điểm kết thúc quy trình đăng ký dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009.
Dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2009: Số hồ sơ giảm nhiều ảnh 1
Thí sinh làm thủ tục nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Số hồ sơ nộp trực tiếp của trường này chỉ bằng 3/4 năm 2008 - Ảnh: Như Hùng

Theo phòng đào tạo của nhiều trường ĐH, lượng hồ sơ đăng ký dự thi do thí sinh trực tiếp nộp tại các trường giảm so với năm 2008. Trong đó giảm rõ rệt nhất là ở những trường có điểm trúng tuyển năm 2008 cao.

Trường tốp đầu giảm hồ sơ

Cơ sở Hà Nội của Trường ĐH Ngoại thương nhận được hơn 800 hồ sơ trực tiếp, giảm khoảng 30% so với năm trước. Con số này ở Trường ĐH Hà Nội là hơn 1.000 hồ sơ, giảm rất nhiều so với 1.700 hồ sơ trường đã nhận trực tiếp năm 2008.

Tương tự, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng chỉ nhận được 900 hồ sơ, Học viện Tài chính nhận được 620 hồ sơ, ít hơn so với năm trước...

Xu hướng có sự cân nhắc kỹ lưỡng năng lực, thận trọng hơn khi chọn trường, “né” trường có điểm trúng tuyển cao hoặc tuyển ít chỉ tiêu thể hiện khá rõ khi một số trường ĐH có điểm trúng tuyển năm 2008 nằm ở tốp giữa và thấp hơn vẫn thu hút được thí sinh.

Ví dụ như Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) có lượng hồ sơ nộp trực tiếp tăng 20%. Một số trường có chỉ tiêu tuyển sinh lớn, điểm trúng tuyển ở mức dưới 18 điểm cũng vẫn có lượng hồ sơ cao như ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Nông nghiệp Hà Nội, ĐH Điện lực... Thực tế này cũng phù hợp với những thống kê ban đầu từ một số sở GD-ĐT trong cả nước.

Đến đầu tháng 5/2009, sau khi hoàn tất việc thống kê, phân loại hồ sơ đăng ký dự thi theo từng mã trường, các sở GD-ĐT sẽ tiến hành bàn giao hồ sơ cho các trường. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Ngô Kim Khôi - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bộ GD-ĐT - nhấn mạnh: sau khi kết thúc thời hạn theo quy định chung của Bộ GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ tuyệt đối không được gia hạn hoặc nhận thêm hồ sơ đăng ký dự tuyển của thí sinh.

Trường chỉ được phép giải quyết đối với những trường hợp cần bổ sung các giấy tờ cần thiết hoặc chỉnh sửa thông tin. Tuy nhiên, thí sinh không nhất thiết phải đến tận trường ĐH, CĐ để nộp bổ sung các giấy tờ hoặc chỉnh sửa sai sót trong hồ sơ. Để tránh đi lại tốn kém, phức tạp, theo quy định của Bộ GD-ĐT, thí sinh có thể thực hiện việc này trong ngày làm thủ tục trước mỗi đợt thi.

Thí sinh tự do ít nộp hồ sơ hơn

Tại các sở GD-ĐT cũng đang hoàn tất khâu thu nhận hồ sơ từ các đơn vị đăng ký dự thi và đã có những số liệu, đánh giá ban đầu về xu hướng đăng ký dự thi của thí sinh năm nay. Ông Hồ Văn Sơn, trưởng Phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương, cho biết số lượng hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh trên địa bàn tỉnh năm nay giảm khoảng 20% so với năm 2008.

Ông Sơn nhận xét: “Trong đó số lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường ĐH tốp trên, có điểm trúng tuyển cao rất ít.

Theo tôi, có hai lý do: Một là năm nay bộ có thay đổi trong cách tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, siết chặt hơn kỷ luật thi cử, chấm thi... nên có thể những học sinh học lực trung bình, yếu không đủ tự tin sẽ vượt qua được kỳ thi tốt nghiệp để tiếp tục dự thi tuyển sinh nên đã cân nhắc hơn khi làm hồ sơ đăng ký dự thi.

Lý do thứ hai là ngày càng có nhiều chương trình đào tạo liên thông từ trung cấp lên các bậc học cao hơn, vì thế nhiều thí sinh có sức học vừa phải cũng chọn con đường khác để học lên ĐH, CĐ thay vì tham dự kỳ thi tuyển sinh”.

Cũng theo ông Sơn, lượng hồ sơ của thí sinh tự do năm nay trên địa bàn tỉnh giảm có thể do nhiều thí sinh chưa trúng tuyển năm 2008 đã tìm những loại hình đào tạo phù hợp hơn, không chờ để thi lại vì e ngại trước những thay đổi trong phương thức tổ chức thi cử của Bộ GD-ĐT.

Ông Phạm Hữu Luận - trưởng Phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng - cho biết sở đã tiếp nhận khoảng 18.000 hồ sơ của gần 40 trong tổng số 60 đơn vị đăng ký dự thi trong toàn tỉnh. So với số lượng thí sinh, bình quân mỗi thí sinh nộp khoảng 1,8 bộ hồ sơ. Đối với thí sinh tự do, sở đã thu được 2.200 bộ hồ sơ, bình quân mỗi thí sinh nộp 1,48 hồ sơ.

Con số này bước đầu tương đương năm 2008. Nhưng theo đánh giá của ông Luận, số lượng hồ sơ không tăng so với những năm trước đã là một thành công của công tác tư vấn hướng nghiệp. Năm nay công tác tư vấn tuyển sinh được tổ chức tốt. Bản thân sở cũng thực hiện hai vòng tư vấn tuyển sinh đến tận các trường THPT nên đã có những kết quả rõ rệt trong việc phân luồng.

Số lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường có điểm trúng tuyển cao như ĐH Ngoại thương, ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Ngân hàng... ít hơn những năm trước. Trong số hồ sơ đã tiếp nhận, ông Luận cho biết có khoảng 2/3 là đăng ký dự thi vào các trường ĐH và 1/3 vào các trường CĐ, song ông nhận xét: “Những con số đó chưa phản ánh chính xác xu hướng chọn dự thi CĐ của thí sinh năm nay, vì trong số hồ sơ nộp vào các trường ĐH có một tỉ lệ đáng kể là dự thi “nhờ” để lấy kết quả xét tuyển vào các trường không thi”.

Tại Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, đến hết ngày 17-4, số hồ sơ nhận trực tiếp của thí sinh chỉ khoảng 700 bộ. Trong khi đó Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) chỉ nhận được số hồ sơ bằng phân nửa năm trước với trên 300 bộ.

Tại Trường ĐH Y dược TP.HCM, TS Huỳnh Văn Hóa, phó trưởng phòng đào tạo, cho biết tuy trường chưa có thống kê nhưng nhìn chung số lượng hồ sơ giảm hẳn so với những năm trước. Việc nộp hồ sơ trực tiếp của thí sinh cũng thưa thớt hơn. Ngay tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, một trường được dự báo là có nhiều thí sinh chọn lựa trong năm nay, số hồ sơ cũng chỉ bằng 3/4 năm 2008 với gần 1.500 bộ (năm 2008 hơn 2.000 hồ sơ).

Theo Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG