Đưa tiếng Anh vào tiểu học: Đột phá từ thầy giáo

Đưa tiếng Anh vào tiểu học: Đột phá từ thầy giáo
TP - Theo ông Nguyễn Ngọc Hùng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ GD&ĐT, thành viên ban thư ký Ban điều hành Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, đào tạo lại 62.000 giáo viên ngoại ngữ hiện tại là nhiệm vụ cấp bách nhất.

Ông Nguyễn Ngọc Hùng nói: Sau quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân 2008 - 2020 (ban hành tháng 9-2008), ban chỉ đạo quốc gia việc thực hiện đề án này được thành lập.

Trước đó, trong số những dự án dạy và học tiếng khác như Pháp, Nhật, Đức, Tây Ban Nha, Italia, có dự án đã khởi động, có dự án (tiếng Pháp) triển khai từ 14 năm nay.

Các dự án đó khởi động được đều nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của đại sứ quán, cơ quan giáo dục của các nước liên quan. Riêng chương trình tiếng Anh thì chưa có ai giúp đỡ.

Đưa tiếng Anh vào tiểu học: Đột phá từ thầy giáo ảnh 1
Ông Nguyễn Ngọc Hùng

Theo kế hoạch, tháng 10-2009, dự án sẽ được lãnh đạo Bộ GD&ĐT phê duyệt. Nhưng do mong muốn dự án phải thể hiện được những nội dung tốt nhất, việc thông qua dự án được lùi lại đến cuối năm. Giờ thì không kịp  nên phải để sang tháng 1- 2010. 

Thưa ông, vì sao các thứ tiếng khác được khởi động từ sớm, còn tiếng Anh - một ngoại ngữ thu hút sự quan tâm của đông đảo phụ huynh/học sinh, một dự án cho nó lại chậm trễ?

Như tôi đã nói, các thứ tiếng khác chúng ta nhận được sự giúp đỡ của các nước liên quan. Còn tiếng Anh, nhu cầu gia tăng đột biến sau khi ta gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Việc cần phải kích hoạt ngay dự án dạy và học tiếng Anh trong hệ thống giáo dục quốc dân xuất phát từ một thực tế quan hệ hợp tác thương mại kinh tế, du lịch, giao lưu về văn hoá, giáo dục giữa Việt Nam và các nước tăng đột ngột.

Để tổ chức một việc mà chúng ta phải tự bỏ nguồn lực ra là rất khó. Trước đó, các trường đại học, các cơ sở giáo dục cũng đã đưa ra những giải pháp tạm thời phục vụ cho các nhu cầu ở mức độ của thời điểm hội nhập ấy. Nhưng đòi hỏi giờ đây cao hơn thế.

Theo đề án mà Chính phủ phê duyệt, mục tiêu của chúng ta là, năm 2020, đa số thanh niên tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học có đủ năng lực sử dụng ngoại ngữ độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa.

Bỏ lỡ tuổi vàng?

Phải chăng, một trong những giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu này là đưa tiếng Anh vào dạy trong nhà trường từ lớp 3 như đề án đã thể hiện?

Chủ trương của Chính phủ là đưa tiếng Anh vào dạy trong trường học từ lớp 3, nghĩa là sau 8 tuổi chúng ta mới dạy tiếng Anh. Tuy nhiên tuổi vàng (golden age) để người ta học ngoại ngữ là từ 1 đến 8 tuổi.

Sở dĩ người ta gọi là tuổi vàng bởi đó là khoảng thời gian trẻ nhỏ hấp thụ ngoại ngữ một cách hết sức tự nhiên và đơn giản, việc học vì thế rất dễ dàng. Đến khoảng 8 tuổi, giai đoạn này khép lại, bắt đầu một quy trình học theo một hình thức khác.

Nhiều nước cho các em học ngoại ngữ càng sớm càng tốt. Nhưng có lẽ do điều kiện của nước ta, ý kiến của dư luận chưa thuận, những nghiên cứu về tâm lý học, thần kinh học chưa được công bố để mọi người hiểu rằng, con em chúng ta nếu được học ngoại ngữ từ lớp 1 sẽ tốt hơn rất nhiều so với việc học từ lớp 3.

Dư luận chưa đồng thuận một phần do chưa tin chúng ta có thể dạy tốt ngoại ngữ cho trẻ em trong trường tiểu học?

Tôi chia sẻ điều này. Việc học ngoại ngữ sớm tuy sẽ tận dụng được ưu thế của tuổi vàng nhưng có thành công hay không lại phụ thuộc vào giáo viên. Các trường đào tạo sư phạm của ta từ trước đến nay chưa có chương trình đào tạo giáo viên tiểu học.

Ở tiểu học, các em không học ngữ pháp, không học từ vựng theo cách mà chúng ta vẫn dạy hiện nay. Cấp học này đòi hỏi phương pháp tiếp cận hoàn toàn khác để giúp các em cảm thụ, hấp thụ được ngôn ngữ này. Nếu chúng ta áp đặt những phương pháp học giống như đối với các lứa tuổi về sau thì chắc chắn sẽ thất bại.

Mặt khác, trước đây, khi chúng ta đưa ngoại ngữ vào dạy từ bậc THCS, cách làm của chúng ta là hướng tới việc dạy từ vựng, ngữ pháp; thi cử, kiểm tra cũng tập trung vào lĩnh vực đó, hậu quả là có những giáo viên từ 10 - 20 năm nay không còn khả năng  nghe, nói và phát âm chính xác tiếng Anh.

Nếu sử dụng đội ngũ này dạy cho học sinh tiểu học thì đó là một thảm họa. Vì thế, trong quá trình soạn thảo dự án dạy và học tiếng Anh, chúng tôi đặt vấn đề đào tạo lại giáo viên là nhiệm vụ cấp bách, là nhiệm vụ quan trọng nhất trong tất cả các nhiệm vụ.

Đào tạo lại 62.000 giáo viên?

Việc thay đổi ông thầy được bắt đầu như thế nào?

Chúng tôi dự kiến sẽ bắt đầu bằng cách đổi mới chương trình đào tạo giáo viên ngoại ngữ tại các trường đại học, đặc biệt là những chương trình đào tạo giáo viên dạy tiểu học.

Chúng tôi cũng sơ bộ đưa ra đề xuất, giáo viên dạy tiếng Anh tiểu học phải có trình độ đại học. Dự kiến từ nay đến năm 2020 chúng ta cần đào tạo mới 20.000 giáo viên.

Ngoài ra cần phải tính đến việc sử dụng hiệu quả lực lượng sẵn có (khoảng 62.000 giáo viên cả bậc THCS và THPT) để họ có thể thừa hưởng thành quả của tiếng Anh tiểu học mà chúng ta gây dựng được vào khoảng 2015 - 2016.

Thời điểm này sẽ có một lứa học sinh đầu tiên hoàn thành tiếng Anh tiểu học vào học THCS. Vì thế cần có một đội ngũ giáo viên ở THCS tiếp quản các em,  vừa giữ được khả năng ngôn ngữ mà các em đã cảm thụ và tiếp thu được từ giáo dục tiểu học, vừa giúp các em bứt phá học tiếp lên trình độ cao hơn.

Bộ GD&ĐT dự kiến thực hiện chương trình tiếng Anh mới ở phổ thông từ tháng 9-2011. Bây giờ là tháng1-2010 rồi mà dự án còn chưa được thông qua trong khi đào tạo giáo viên không chỉ là chuyện của một vài tháng…

Những giáo viên có trình độ cao đẳng rồi chỉ cần thêm một năm nữa là có trình độ đào tạo đại học để dạy tiếng Anh tiểu học.

Hơn nữa, chúng ta có thể định hướng để sinh viên đang học khoa tiếng Anh tại các trường đại học sư phạm có thể tập trung học tiếng Anh tiểu học từ năm thứ tư. Do đó nếu chúng ta đào tạo tích cực thì sẽ không lo thiếu giáo viên.

Với 62.000 giáo viên, nếu chúng ta lôi tất cả đến lớp để học tập trung trong mấy tháng hè thì phải mất 38 năm. Cách giải quyết là Bộ GD&ĐT sẽ ban hành chuẩn, giáo viên căn cứ vào đó để tự hoàn thiện những gì còn thiếu của mình so với chuẩn.

Chúng tôi sẽ đưa ra các chương trình đào tạo online cung cấp tài liệu tự học trên mạng cho giáo viên, họ có thể download về để sử dụng bất kỳ lúc nào.

Không dùng lại chương trình ngoại

Còn chương trình học? Dẫu đào tạo mới hay đào tạo lại giáo viên thì phải có một chương trình học để bám vào…

Từ trước đến nay chúng ta có một sự ngộ nhận về chương trình. Chẳng hạn các chứng chỉ A, B, C tương đương với việc phải làm hết bao nhiêu bài tập ngữ pháp, học được mấy nghìn từ vựng... Thế giới, người ta không học như thế từ rất lâu rồi.

Học ngoại ngữ bây giờ là để hướng tới việc sử dụng trong cuộc sống. Chương trình của chúng ta chắc chắn phải xây dựng theo hướng này. Chúng ta đưa ra chuẩn kỹ năng, kiến thức.

Sau đó trao cho giáo viên một chương trình và cái quyền lớn nhất là quyền được dạy. Họ sẽ biết cần mang những gì đến lớp, sẽ biết làm thế nào để học sinh nghe được, nói được.

Hoạt động dạy tiếng Anh cho trẻ em những năm qua rất phát triển ở các thành phố lớn với sự tham gia của các tổ chức giáo dục nước ngoài. Chúng ta có thể mua chương trình của các tổ chức này…

Chương trình mà các tổ chức giáo dục nước ngoài đang sử dụng ở Việt Nam có rất nhiều ưu điểm vì nó tiếp cận với phương pháp giảng dạy mới. Nhưng chương trình đó không viết riêng cho học sinh Việt Nam trong khi mục tiêu của chúng ta là giáo dục các em trở thành những công dân Việt Nam sử dụng tiếng Anh tốt.

Chúng tôi huy động các chuyên gia hàng đầu thế giới, tham gia nghiên cứu, giúp cho các nhà khoa học Việt Nam, những người hoạch định chương trình chính sách này bắt kịp đà phát triển chung của thế giới.

Họ sẽ đưa cho những cảnh báo trong việc chúng ta thực hiện một chương trình lớn thế này, những bài học thành công, thất bại của các quốc gia khác trên thế giới.

Cảm ơn ông.

Quý Hiên
Thực hiện

MỚI - NÓNG