Dựng lều học chữ dưới chân dãy Trường Sơn

Dựng lều học chữ dưới chân dãy Trường Sơn
TP - Nằm sát dưới chân dãy Trường Sơn, xã biên giới Tri Lễ được xem là một trong những vùng sâu, vùng xa và khó khăn nhất của huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An).

Mặc dù trong thung lũng hoang vắng nhưng nhiều ngôi trường bằng tranh tre, nứa lá trông giống như những túp lều ọp ẹp được dựng lên để giúp con em đồng bào các dân tộc thiểu số, ít người gồm:  Thái, Mông, Khơ Mú... tới học bài.  

Dựng lều học chữ dưới chân dãy Trường Sơn ảnh 1
Những học sinh con em của đồng bào Khơ Mú

Dựng lều kiếm con chữ

Từ thị trấn Kim Sơn (nơi cách trung tâm TP Vinh gần 200 km), chúng tôi phải băng rừng, vượt núi mất một ngày trời bằng xe gắn máy mới tới xã biên giới Tri Lễ (giáp nước bạn Lào).

Tại bản Tà Pàn, phân hiệu 2 của Trường Tiểu học Tri Lễ - 2 dãy lều làm bằng tranh tre, nứa lá được mọc lên từ mấy năm nay. Một dãy 2 phòng để làm nơi các em nhỏ của thôn bản học bài, dãy còn lại lụp xụp hơn làm nơi ở trọ cho 2 cô giáo ở nơi khác vào cắm bản.

Trường chia làm 2 phòng học cho tổng số 20 em học sinh của 3 khối lớp gồm: khối 1, khối 2 và khối 3.  Thấy khách lạ vào thăm, cả lớp học trố mắt lên nhìn ngơ ngác.

Cô giáo Mạc Thị Hương cho biết: Tất cả học sinh của hai  lớp này đều là con em đồng bào dân tộc Khơ Mú. Do cách trung tâm xã Tri Lễ quá xa nên địa phương cho mở thêm phân hiệu ngay tại bản Tà Pàn.

Sau khi mở phân hiệu, Trường Tiểu học Tri Lễ phân công 2 cô Mạc Thị Hương và Vi Thị Hạnh về đây dạy chữ cho các em nhỏ.  Cả hai cô tâm sự: Ngày đầu về cắm bản này công việc dạy  học hết sức vất vả, các em học trò là người dân tộc Khơ Mú, hai cô Hương và cô Hạnh lại là người dân tộc Thái, cô  trò đều bất đồng ngôn ngữ, trong khi đó lại phải dạy các em học bằng tiếng Việt. 

Để giúp các em có cái chữ, suốt từ  lúc mới về cho  đến nay, ngày nào cũng vậy, dù mưa hay nắng các cô  đều phải lặn lội đến từng nhà của bản làng  để động viên các em đến lớp.

Được  biết, cuộc sống của đồng bào Khơ Mú nơi đây hiện đang gặp không ít khó khăn, ngoài hạt gạo, củ sắn làm ra, bà  con còn phải  trông chờ vào trợ  cấp  của chính quyền  địa phương trong những dịp giáp hạt.

Tất cả các em tới lớp đều được nhà trường cấp  cho sách vở và đồ dùng, nhưng mỗi giờ tan học tất cả đồ dùng đó đều phải  để lại tại lớp, vì nếu để các em mang về thì các em sẽ không mang tới lớp nữa.

Dựng lều học chữ dưới chân dãy Trường Sơn ảnh 2
Cô Mạc Thị Hương được mệnh danh là "mầm già" cắm bản!

Những “mầm già” cắm bản

Điều đáng nói, để giúp con em đồng bào Khơ Mú  có cái chữ, 2 cô Hương và Hạnh (cả hai đều được mệnh danh là “mầm già” cắm bản, vì tuổi đã ngoài ngũ tuần) đã phải sống một cuộc sống thiệt thòi so với nhiều đồng nghiệp khác, mặc dù vậy nhưng các cô chưa từng than vãn lấy nửa lời.

Gia đình cô Hương hiện đang ở xã Châu Kim, cô Hạnh ở thị trấn Kim Sơn, cách nơi dạy học gần 50 km đường rừng. Từ khi về đây dạy học, hai cô được địa phương và nhà trường dựng cho túp lều tranh ở trọ dạy học.

Không điện đóm, muốn có nước sinh hoạt các cô phải ra khe suối cõng về. Do đời sống quá khó khăn, đường sá xa xôi cách trở nên ngoài giờ soạn bài và dạy học, hai cô còn tranh thủ trồng cây rau, cây cỏ để làm thức ăn hằng ngày.

Mặc dù có chồng, con, nhưng cả hai cô mỗi tuần mới bắt xe ôm về nhà được một lần. Sau mỗi lần về như thế các cô phải kèm theo lương thực, thực phẩm, đồ dùng và kể cả sách vở, giấy bút cho các em học sinh... vào thung lũng, vì sống trong này dẫu có tiền cũng không biết mua gì. Nhưng đó là  đối với những hôm trời nắng, còn nếu gặp phải trời mưa thì không thể về nổi.

Rời bản Tà Pàn, chúng tôi tiếp tục ngược rừng lên biên giới. Leo qua đỉnh Pù Hốc là bản Huồi Mới. Cuộc sống của thầy trò phân hiệu 3, Trường Tiểu học Tri Lễ cũng khó khăn không kém.

Ngôi trường được dựng lên bằng những tấm ván gỗ đơn sơ, trên được lợp bằng mái tranh tre, nứa, lá. Thầy giáo Thò Bá Sinh là người lên đây cắm bản đã hơn 30 năm tâm sự: Bản Huồi Mới có 49 hộ gia  đình, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, bản làng có 80 em học sinh hiện đang theo học các khối lớp của Tiểu học và THCS.

Để con em đồng bào  vùng sâu này  biết chữ, suốt hơn 30 năm qua, thầy Sinh đã đi đến tận từng nhà vận động bao thế hệ con em tới trường tới lớp. Một số  em học được một thời  gian là bỏ lớp để theo bố mẹ lên nương, vào  rừng kiếm sống, nhưng sau đó thầy giáo Sinh trực  tiếp  đến nhà vận động thì các  em lại tiếp tục trở lại trường.

Cũng tại đây, thầy giáo Hờ Bá Rùa (người duy nhất của dân tộc Mông ở huyện biên giới Quế Phong làm nghề dạy học) cho biết: Thầy lên đây dạy học đã 14 năm, mặc dù nhà ở cách trường chỉ hơn 10 km nhưng mỗi tuần, có khi hai, ba tháng mới về nhà được một lần, vì  đường sá đi lại vất vả. 

Được biết, nhiều năm học sinh ở vùng núi này bình quân 4 - 5 em học sinh phải chung nhau một quyển sách, hoặc ghi chung một quyển vở. Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết các em đến lớp đều ăn mặc rất nhếch nhác, có  em áo không ra áo, quần không ra quần, chân không giày, không dép.

Một số giáo  viên tâm sự: đó là chưa kể nhiều em cả tháng trời đi học chỉ  được mỗi một bộ quần áo, mặc cho sờn vai, sờn cổ.

Trước lúc chia tay, hầu hết các giáo viên cũng như các đồng chí cán bộ địa phương ở xã Tri Lễ đều lo ngại là mùa rét sắp đến, liệu có đủ cơm no, áo ấm cho các em thơ tới lớp, tới trường?

MỚI - NÓNG
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
TPO - Hoàng tử Harry đã ghi Mỹ là nơi cư trú chính, thay vì Vương quốc Anh như trước đây, trong hồ sơ kinh doanh. Đáng nói, thay đổi này được thực hiện vào thời điểm anh chính thức dọn khỏi nhà tân hôn Frogmore Cottage.