'Dưới sàn' tại sao không?

'Dưới sàn' tại sao không?
TP - Mới đây, trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bành Tiến Long cho biết: Đối với những ngành học đặc thù, gặp  khó khăn về nguồn tuyển, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh nhà trường có thể đề nghị Bộ trưởng có hướng giải quyết thỏa đáng, cho phép được áp dụng mức điểm chuẩn thấp hơn điểm sàn.

Có lẽ khó khăn lắm Bộ mới đưa ra một ý kiến đáng chú ý như thế, bởi vì về nguyên tắc lâu nay: Điểm chuẩn là phải trên sàn. Nhưng quyết định này là rất hợp lý! Bởi vì Bộ đã hướng về các trường, có sự cân nhắc kỹ càng về điều kiện đặc thù của các nhóm ngành, nhóm trường, vùng miền khác nhau.

Lâu nay các ngành đặc thù thuộc khối Nông- Lâm- Ngư, khối văn hóa- thể thao, khối ngành khoa học cơ bản; khoa học vật liệu,  khối ngành  khí tượng, hải dương học; các ngành học thuộc các trường đại học địa phương, các ngành học thuộc các trường ngoài công lập… đều lấy mức điểm chuẩn nguyện vọng 1 ngang với mức điểm sàn nhưng vẫn thiếu chỉ tiêu  buộc các trường phải xét tuyển thêm thí sinh nguyện vọng 2, thậm chí nguyện vọng 3 (là những thí sinh có điểm thi trên sàn nhưng trượt nguyện vọng 1) để nâng cao chất lượng đầu vào. 

Không phủ nhận mặt tích cực của việc xét tuyển nguyện vọng 2,3. Tuy nhiên, công bằng mà nói, trong trường hợp nào đó, xét tuyển nguyện vọng 2,3 có khi trở thành “con dao 2 lưỡi”. Thực tế, rất nhiều thí sinh điểm cao, đăng ký nguyện vọng 2 vào các trường và trúng tuyển nhưng chỉ với tâm lý “học tạm”, sang năm thi tiếp nên việc học hành rất bê trễ. 

Một chuyên viên tuyển sinh có nhiều tâm huyết với ngành giáo dục tâm sự : “Tôi thật sự “sốc” khi phỏng vấn nhanh một lớp học năm thứ 3 của một trường đại học lại có đến trên 50% không mặn mà gì về ngành mình đang học. Các em muốn chuyển ngành học khác mà theo các em là phù hợp hơn…

Tôi thấy thực sự băn khoăn khi nghĩ đến cha mẹ các em đang ngày đêm vất vả lo toan cho con mình ăn học, bao nhiêu là chi phí cho việc ăn, việc học, việc ở, việc khác… ở chốn đô thành để rồi gia đình họ sẽ đón nhận một tương lai như thế nào đây?

Và hơn thế nữa, biết bao nhiêu lãng phí cho nhà trường và xã hội khi mà chỉ tiêu tuyển sinh của các trường, các ngành là luôn có mối quan hệ chặt chẽ với nhu cầu lao động? Cách đây vài năm, dư luận xã hội nghi ngờ về số liệu điều tra mà dự án giáo dục đại học đưa ra: Khoảng 60% số sinh viên tốt nghiệp đại học được… đào tạo lại hoặc bổ sung kiến thức!?”.

Một cán bộ ở phòng Đào tạo ĐH dân lập Hùng Vương (TPHCM) thì đưa ra một nghịch lý: Mặc dù nhà trường luôn gặp khó khăn trong tuyển sinh nhưng lại không cảm thấy mừng, thậm chí buồn khi thí sinh có điểm thi cao nộp hồ sơ xin xét tuyển vào trường bởi lẽ những thí sinh này sẽ …ra đi.

Vị cán bộ này còn nói thêm: Hằng năm, nhà trường đều có chương trình cấp học bổng cho thủ khoa của trường và đến sang năm, kiểm tra lại thì, thủ khoa “biến” hết.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia tuyển sinh, có thể Bộ GD-ĐT cho phép các trường và các ngành khó tuyển sinh lấy điểm chuẩn nguyện vọng 1 thấp một chút nhưng tuyển được một lứa sinh viên thiết tha muốn học, nói một cách nôm na là cần cù bù thông minh; còn hơn xét tuyển nguyện vọng 2 với đầu vào chất lượng nhưng rốt cuộc tuyển được một lớp sinh viên luôn luôn có tâm lý...trú chân tạm bợ!

Chân đứng đó nhưng trong đầu lại không một chút tâm huyết gì với ngành nghề đó? Vậy làm sao để có được sự phát huy hết năng lực, sở trường để cống hiến đóng góp cho xã hội, cho đất nước?  

MỚI - NÓNG