'Đường ngược chiều' của cô gái Dao Tuyển

TP - Vượt qua định kiến, cô gái người Dao Tuyển đã chọn con đường học hành. Tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp, đoạt học bổng thạc sĩ tại châu Âu, cô trở về nước làm đúng nghề yêu thích và ra mắt tự truyện. Mục tiêu tiếp theo của Chảo Thị Yến là làm giầu, góp sức giúp cải thiện kinh tế cộng đồng.

Vượt qua định kiến, cô gái người Dao Tuyển đã chọn con đường học hành. Tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp, đoạt học bổng thạc sĩ tại châu Âu, cô trở về nước làm đúng nghề yêu thích và ra mắt tự truyện. Mục tiêu tiếp theo của Chảo Thị Yến là làm giầu, góp sức giúp cải thiện kinh tế cộng đồng.

'Đường ngược chiều' của cô gái Dao Tuyển ảnh 1

Năm 2016, sau khi nhận học bổng Erasmus trị giá 50 nghìn USD và bắt đầu khóa học thạc sĩ tại Đại học Gottingen (Đức), câu chuyện “cô sinh viên miền núi nghị lực vượt khó” được lên báo. Biên tập viên của một nhà xuất bản tìm Yến qua email, đề nghị cô viết tự truyện. Vào đầu tháng 3 vừa qua, tự truyện “Đường ngược chiều - Từ bản người Dao đến học bổng Erasmus” được xuất bản và phát hành.

Học để thoát nghèo

Được biên tập viên của nhà sách Alpha Books khuyên “em cứ viết y như những gì em nghĩ” thế là Yến sa đà kể chuyện thời tuổi thơ, “sau này bị cắt bỏ hơn trăm trang”. Với cô những năm tháng tuổi thơ ở thôn Ngám Xá (xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát, Lào Cai) là đẹp nhất còn “giai đoạn từ hồi học cấp 3 đến lúc này thì đời tôi không phải quá vui, trừ lần nhận được học bổng du học”.

Hồi xưa ở bản không có lớp mẫu giáo, 4 tuổi Yến đã vào lớp 1. Hết lớp 9 gia đình bắt Yến thôi học ở nhà làm nương, sau bao lần xin bố mẹ, cả thầy hiệu trưởng trường THCS Nậm Chạc thuyết phục gia đình, Yến được học cấp 3. Giới thiệu về tác giả Chảo Yến và tự truyện, trong một phóng sự mới đây trên truyền hình VTV1 có đoạn phỏng vấn bố mẹ của Yến, bà Lý Thị Hoa nghẹn ngào kể về những ngày tháng nuôi con đi học. Yến giải thích “Mẹ khóc không phải vì nhớ lại hoàn cảnh túng thiếu mà vì những tháng ngày bị tổn thương khi hàng xóm đều không ai ủng hộ việc cho con đi học, nhất là con gái”. Yến đi học luôn trong tâm trạng day dứt “trong nhà còn 3 anh chị em nữa đều phải hy sinh, chấp nhận nghỉ học để nhường suất học hành cho mình. Cả gia đình đã đặt cược vào mình rồi, không có đường lui, chỉ có lựa chọn duy nhất là bước tiếp”.

Đỗ Đại học Lâm nghiệp với ngành Kiểm lâm, sau đó trong buổi họp khoa Yến được các thầy giới thiệu về ngành Quản lý Tài nguyên Thiên nhiên (Chương trình tiên tiến) đào tạo 100% tiếng Anh, với 50% giáo viên quốc tế. Năm đầu tiên học tiếng, “lúc ấy do xấu hổ vì học không hiểu gì nên Yến thường xuyên bỏ về nhà”. Năm thứ hai cô tự tìm tài liệu mầy mò học tăng tốc, xem phim phụ đề tiếng Anh. “Năm thứ tư tôi chém gió được rồi”. Tốt nghiệp xong, Yến từng trượt hai lần du học thạc sĩ vì lý do lãng xẹt, sai năm sinh và vấn đề sức khỏe. Năm 2015, cô nộp hồ sơ xin học bổng Erasmus học thạc sĩ 2 năm tại Đức và Ý thì trúng luôn. Tự truyện của Chảo Yến kết thúc ở khoảnh khắc cô chuẩn bị rời Việt Nam sang một vùng đất mới. “Chỉ cần tôi bước lên máy bay, con đường tôi đi sẽ không còn là ĐƯỜNG NGƯỢC CHIỀU nữa, mà đó là: “BẦU TRỜI”.

“Tôi khá là nổi loạn”

Trò chuyện với Yến, đọc status trên trang cá nhân không khó để nhận ra độ bướng bỉnh, cá tính của một người không hề an phận và khó bị bắt nạt. Yến tự trào “mình mới 29,5 tuổi mà trông như gần 30” và không tỏ ra lo lắng về việc chồng con. “Hồi đầu mẹ cứ giục ời ời, sau thấy con học lên cao lại bảo “cứ từ từ””.

Từ hồi sinh viên, Yến đã xin đi làm caddie (nhân viên kéo bao gậy) ở sân golf Chương Mỹ gần trường để có thêm tiền ăn học. Tốt nghiệp xong cô xin làm tại phòng Chăm sóc khách hàng ở Khu Du lịch Cáp treo Fanxipan.

Là con gái người dân tộc thiểu số lên thành phố đi học, đi làm nhiều năm, phiền toái thường gặp là thái độ kỳ thị phân biệt của người miền xuôi, Chảo Yến luôn nhìn nhận tình huống với con mắt hài hước và tự tin. Cô từng bỏ việc mức lương 15 triệu/tháng hồi mới ra trường vì không phục sếp. Yến tự nhận mình xông xáo và khá liều. Có lần cô cùng bạn gái đi phượt đảo Điệp Sơn (Nha Trang), dám dựng lều ngủ lại qua đêm trong khi toàn bộ du khách rời đi trước chiều tối.

'Đường ngược chiều' của cô gái Dao Tuyển ảnh 2 Tự truyện của Chảo Yến

Được làm đúng nghề theo ngành học Quản lý tài nguyên rừng, cô mong mỏi làm điều gì đó nhiều hơn cho cộng đồng. Yến nhận thấy truyền thông hay đổ lỗi cho dân trong việc hủy hoại rừng là không hoàn toàn đúng và đủ. Trong khi nhiều dự án phát triển cũng làm mất rất nhiều rừng, mặc dù có trồng rừng thay thế nhưng vẫn còn hạn chế về nhiều mặt.

“Tôi không thích câu khẩu hiệu “Nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc bảo vệ rừng mà tôi muốn thay thế bằng câu “Nâng cao sinh kế cho người dân để giảm áp lực lên tài nguyên rừng” vì tôi cho rằng cộng đồng họ hiểu được tầm quan trọng của rừng, chỉ là “khi cái bụng đói, người ta bắt buộc phải kiếm kế sinh nhai”.  Cô còn ấp ủ việc gây dựng nghề thêu và bán sản phẩm thủ công của phụ nữ Dao Tuyển ở Nậm Chạc để gây quĩ “Dạy viết chữ Dao”.

Chảo Yến cho biết, 10% số tiền bán tự truyện lần này sẽ đóng góp vào Quỹ học bổng Lee MacDonald. Quỹ học bổng này thay vì chỉ trao cho sinh viên tiên tiến sẽ mở rộng đối tượng được nhận là các bạn sinh viên nghèo đang học tại trường Đại học Lâm nghiệp và trẻ em nghèo Tây Bắc.

MỚI - NÓNG