Đường tới đại học của một nữ sinh khiếm thị

Đường tới đại học của một nữ sinh khiếm thị
TP - Bằng nghị lực và lòng hiếu học, Trương Thị Hoài Hạnh đã vượt qua bao khó khăn để trở thành sinh viên khoa Tâm lý (ĐH Sư phạm Huế). Cô là học sinh khiếm thị thứ hai ở Huế thi đậu đại học.
Đường tới đại học của một nữ sinh khiếm thị ảnh 1
Trương Thị Hoài Hạnh

Câu chuyện về hành trình đến với giảng đường đại học của cô khiến nhiều người  khâm phục.

Sinh năm 1988, tại xã Lộc An - Phú Lộc (TT Huế) trong gia đình có 3 anh em. Đôi mắt của Hạnh bị dị tật bẩm sinh.

Năm 4 tuổi, Hạnh được bố mẹ đưa đi chữa trị và phẫu thuật mắt lần thứ nhất. Sau ca mổ đã phải đeo cặp kính lên tới... 13 độ, nhưng mắt Hạnh cũng chỉ thấy được khi tỏ khi mờ. Đến tuổi cắp sách tới trường, Hạnh luôn chịu thiệt thòi bởi đôi mắt của mình.

“Phải cúi thật sát sách, mình mới thấy được chữ, còn chữ cô viết trên bảng thì không nhìn thấy. Mình phải mò mẫm chép bài rồi về nhà nhờ anh chị đọc và chép lại!” - Hạnh kể.

Năm Hạnh học đến lớp 6, bố Hạnh đột ngột qua đời, gánh nặng dồn lên vai người mẹ. Thương mẹ, nhớ bố, Hạnh đã khóc rất nhiều và đôi mắt của Hạnh cứ mờ dần.

Năm 12 tuổi, Hạnh phẫu thuật lần thứ hai. Mặc dù tìm mọi cách chạy chữa nhưng mắt của Hạnh vẫn cứ mờ dần. Những năm học cấp 2 mẹ phải dẫn Hạnh đến lớp. Cô giáo bố trí cho Hạnh một chỗ ngồi thuận lợi và luôn có một bạn ngồi bên để đọc cho Hạnh chép.

Hạnh kể: “Bạn đọc, mình viết theo quán tính. Học hết lớp 9, mình vẫn thi tốt nghiệp bình thường. Tới hội đồng thi, một giám thị đọc đề cho mình làm. Thi tốt nghiệp xong, mẹ cứ nghĩ mình sẽ không học tiếp. Nhưng mình quyết theo đuổi đến cùng!”.

Rồi Hạnh được giới thiệu đến hội người mù. Sự động viên của mẹ, anh chị, với sự giúp đỡ của các cô chú và bạn bè cùng cảnh ngộ, đã làm “nóng” lên trong Hạnh ước mơ vươn tới giảng đường đại học.

Hạnh được học chữ Brai. Tốt nghiệp THPT, Hạnh làm hồ sơ và chọn ngành Tâm lý học. Kết quả, Hạnh đã thi đậu với số điểm khá cao (17,5). Nước mắt đã rơi trên khóe mắt cô học trò khiếm thị và trên khuôn mặt khắc khổ của người mẹ một đời tần tảo vì con. Ước mơ vào giảng đường đại học của cô học sinh khiếm thị đã thành hiện thực.

Bước vào đại học, một môi trường mới mở ra với cô sinh viên khiếm thị - con đường đến trường lại càng cam go hơn. Hằng ngày, Hạnh được các bạn dẫn đến lớp và luôn có một bạn ngồi cạnh bên.

“Đến lớp mình nghe cô thầy giảng rồi chép lại bằng chữ Brai. Khi kiểm tra, mình viết ra rồi dịch cho giáo viên hoặc trả lời vấn đáp. Cũng nhờ sự giúp đỡ của các bạn và thầy cô nên trong học kỳ đầu, mình vẫn theo kịp các chương trình học!” - Hoài Hạnh tâm sự .

Hạnh nói: “Bây giờ mình chỉ biết học và học thôi. Còn tương lai mình mong rằng sẽ trở thành một giáo viên tâm lý giỏi và giúp đỡ được nhiều bạn có hoàn cảnh giống mình!”.

Ước mơ khiêm nhường của cô sinh viên khiếm thị đáng trân trọng nhưng để thực hiện thì còn quá nhiều khó khăn phía trước, khi một mình mẹ Hạnh lo cho cả ba anh em cùng ăn học. Cô sinh viên khiếm thị đang rất cần được tiếp sức để thực hiện ước mơ của mình!

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.