Gần 1.000 học sinh có nguy cơ... mất học!

Gần 1.000 học sinh có nguy cơ... mất học!
Huyện Đức Trọng, Lâm Đồng vừa tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào hệ trung học phổ thông (THPT) cho hàng ngàn học sinh được công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) năm học 2005 - 2006.

Khác với những năm trước, kỳ thi năm nay giảm đột ngột số học sinh tuyển vào lớp 10 tới 938 học sinh. Và như vậy, số học sinh này đang đứng trước nguy cơ ... mất học, gây nỗi bức xúc lớn với các phụ huynh.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bất cập nêu trên là do việc tập trung xúc tiến xây dựng Trường THPT Đức Trọng trở thành trường chuẩn quốc gia cho năm học tới.

Từ chỗ quy mô 66 lớp, rồi hạ dần xuống 45 lớp, và nay là 36 lớp đã khiến việc tuyển sinh vào ngôi trường được đánh giá là một trung tâm giáo dục chất lượng cao của địa phương, trung bình hàng năm thu nhận 1.100 học sinh vào lớp 10 (22 lớp), năm nay bó hẹp lại chỉ được tuyển 500 học sinh (10 lớp).

Bởi nếu mặt bằng diện tích khuôn viên tính trên đầu học sinh không đạt chuẩn của Bộ Giáo dục - Đào tạo thì không được công nhận trường chuẩn quốc gia. 4 trường THPT khác trong huyện Đức Trọng cũng đã đồng loạt giảm đầu vào tuyển sinh lớp 10 là 338 học sinh.

Để xử lý số lượng học sinh "dôi dư", cơ quan chức năng đã giao cho Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp dạy nghề Đức Trọng đảm nhận dạy theo chương trình bổ túc văn hoá cho 900 học sinh.

Trớ trêu thay, Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp dạy nghề hiện chỉ có trên dưới 10 phòng học và số giáo viên khiêm tốn chủ yếu dạy một số ngành nghề, bao gồm cả giảng dạy cấp chứng chỉ cho học sinh THCS, THPT nhằm "cộng điểm" ưu tiên trong các kỳ thi tốt nghiệp, chuyển cấp.

Vì vậy, khi tổ chức dạy BTVH với số lượng học viên đột ngột phát sinh lớn như thế này, Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp dạy nghề không còn đường nào khác ngoài việc buộc phải thuê phòng học lẫn giáo viên của Trường THPT Đức Trọng, dạy liên tục 3, 4 ca ngày đêm, chủ nhật, thứ bảy.

Thu hẹp việc tuyển sinh khi các em vừa hết THCS, trong khi huyện Đức Trọng không có lấy một trường dân lập hay tư thục hệ THPT, không có một trường đào tạo nghề chuyên nghiệp sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới gần 1.000 học sinh độ tuổi 15.

Gần một ngàn học sinh không được cắp sách vào trường phổ thông đồng nghĩa kéo theo nỗi lo lắng khôn cùng của hàng ngàn phụ huynh, từ cha mẹ, ông bà cô bác, anh chị em. Chậm vài ba năm để cứu lấy một thế hệ hay bằng mọi cách có trường THPT Đức Trọng đủ chuẩn quốc gia, bằng mọi cách quyết tâm "phân luồng", thẳng tay loại bỏ khi các điều kiện thực hiện phương án chưa đáp ứng các yếu tố cần thiết.

Thử nhìn vào thực tế, thời điểm hiện tại giao cho Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp dạy nghề đảm nhận mà cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên đều thuê của Trường THPT Đức Trọng, liệu có hợp lý không?

Xây dựng các trường thổ thông đạt chuẩn quốc gia, phân luồng để cân đối hài hoà, điều tiết lưu lượng học sinh tham gia đào tạo nghề lập nghiệp và phục vụ xã hội là chiến lược đúng đắn, nhưng phải căn cứ tình hình cụ thể của từng nơi mà vận dụng vào thời điểm thích hợp.

Chúng tôi khẩn thiết đề nghị các cấp lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, huyện Đức Trọng và Sở Giáo dục - Đào tạo Lâm Đồng xem xét điều chỉnh phương án này.

Hãy cho các em học sinh cơ hội được tiếp tục học phổ thông, đến khi địa phương hình thành được loại hình trường THPT dân lập, tư thục, dạy nghề chuyên nghiệp hay Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp dạy nghề Đức Trọng xây dựng đủ cơ sở vật chất, phòng học, đủ đội ngũ giáo viên đứng lớp, lúc đó đưa Trường THPT Đức Trọng vào quỹ đạo chuẩn quốc gia và thực hiện phân luồng cấp học, ngành nghề cũng chưa muộn.

Theo Lao động

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.