Gần 1.200 giáo viên Hải Dương không được trả lương: Người bỏ việc, kẻ bám trụ lay lắt

Giáo viên mầm non ở Hải Dương. (Ảnh chỉ mang tính minh họa).
Giáo viên mầm non ở Hải Dương. (Ảnh chỉ mang tính minh họa).
TP - 1.191 giáo viên hợp đồng của tỉnh Hải Dương đã 3 tháng nay không nhận được một đồng lương nào, đến nay đã có 61 giáo viên xin nghỉ việc. Sự việc xảy ra trong bối cảnh Bộ GD&ĐT đề xuất tăng lương cho nhà giáo khiến dư luận đặc biệt quan tâm và đặt câu hỏi về sự bất cập trong quản lý cũng như chi trả chế độ cho giáo viên hiện nay.

Cô giáo phải đi xuất khẩu lao động

Chị N.T.H ở xã Hồng Lạc (Thanh Hà) đã gắn bó với công việc giáo viên mầm non 10 năm nay. Cách đây 3 tháng, chị vẫn còn là giáo viên một trường mầm non của  thành phố Hải Dương. Nhưng từ tháng 9, sau khi không nhận được lương, chị đã xin nghỉ hẳn. “Tôi đã gắn bó với nghề được 10 năm. Dù thu nhập thấp, chỉ đủ 2 mẹ con sống tằn tiện, nhưng tôi vẫn vui. Vì được làm cô giáo, được gắn bó với trẻ thơ là niềm mơ ước của tôi từ lâu. Tôi vẫn thấy hạnh phúc khi đến trường. Nhưng việc 3 tháng nay không có lương, nó như một giọt nước tràn ly. Tôi phải dứt áo ra đi, tìm con đường mưu sinh khác”– chị H chia sẻ. Con đường mưu sinh khác mà chị N.T.H chia sẻ ở đây chính là chị đang theo học lớp tiếng Nhật, sắp tới dự định của chị là sẽ sang Nhật xuất khẩu lao động.

Chưa đến mức dứt áo ra đi, nhưng cô Tăng Thị Hòa, nhân viên dinh dưỡng tại trường mầm non Thạch Khôi, thành phố Hải Dương cho hay cô không biết gắng gượng được đến khi nào. Chia sẻ với PV trong nước mắt, cô Hòa cho biết cô gắn bó với nghề cũng tròn 10 năm. Ban đầu vào trường, cô ký hợp đồng là nhân viên dinh dưỡng. Nhưng sau đó, với mong muốn được làm giáo viên, cô vừa làm, vừa học và đã  tốt nghiệp ngành sư phạm mầm non bậc ĐH.

Hoàn  cảnh gia đình của cô Hòa khá đặc biệt. Cô cho biết, cách đây 2 năm, chồng cô đi làm về bị tai nạn giao thông nặng. Đến giờ, anh mất hoàn toàn sức lao động. Toàn bộ kinh tế gia đình trông chờ vào cô với mức lương 1,86, tương đương 2,7 triệu đồng/tháng của cô.

“Hai con thơ, chồng mất sức lao động, sức khỏe của chồng cũng đang dựa vào người thân để hy vọng phục hồi. Tôi không biết với hoàn cảnh hiện tại, tôi sẽ còn gắng gượng với nghề được bao lâu hay là sẽ phải tìm một công việc khác” – giọng cô Hòa nghẹn lại. 3 tháng nay không lương, 4 người trong gia đình cô Hòa sống tối giản mọi thứ.  Cô chua chát cho biết đến lúc không có gì để tiêu nữa thì sẽ về bố mẹ nuôi hoặc đi vay.

Được biết, tại thành phố Hải Dương, đến nay đã có 24 giáo viên, nhân viên hợp đồng làm việc tại các trường mầm non trên địa bàn nghỉ việc.

Chỉ tiêu biên chế giảm, học sinh tăng

Ông Vũ Văn Lương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương cho biết, toàn tỉnh có 4.056 giáo viên hợp đồng ở tất cả các cấp học, trong đó có 1.191 giáo viên hợp đồng đã 3 tháng nay không nhận được lương, có 61 giáo viên xin nghỉ việc. Theo ông  Lương, có nhiều nguyên nhân khiến các trường phải ký hợp đồng với giáo viên.

Trong đó, nguyên nhân chính là việc tỉnh giao chỉ tiêu biên chế thấp hơn mức quy định của Bộ GD&ĐT. Chỉ tiêu biên chế giảm mạnh nhưng học sinh lại tăng lên. Riêng trong năm học 2017 - 2018, toàn tỉnh tăng 10.300 học sinh.  Theo ông Vũ Văn Lương, học sinh tăng nếu không hợp đồng giáo viên thì phải tăng sĩ số các lớp. Hiện nay, nhiều trường sĩ số lớp lên đến 50 học sinh, gần gấp đôi quy định.

Ông Phạm Văn Tỏ, Giám đốc Sở Nội vụ Hải Dương cho biết thêm, quy định hiện nay nêu rõ các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có ngành giáo dục được tăng trường, tăng lớp nhưng phải cân đối quy mô biên chế tỉnh giao. Có nhiều huyện ký hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế tỉnh giao nhưng có những huyện ký theo định mức của Bộ GD&ĐT, dẫn đến số giáo viên hợp đồng tăng mạnh.

Trả lời trong buổi giao ban báo chí trong chiều ngày 6/12, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương ông Vũ Văn Sơn cho biết, có tình trạng các trường lạm dụng ký hợp đồng với các giáo viên ngoài biên chế. Thời gian tới tỉnh sẽ rà soát để chấn chỉnh lại cho sát với thực tế. Những vấn đề tồn đọng cũng phải có giải pháp để giải quyết.

Ông Vũ Văn Sơn cũng nêu rõ, Hải Dương sẽ tổng rà soát xem thừa bao nhiêu tiết học chưa có giáo viên dạy để bố trí cấp tiền cho các trường thuê giáo viên dạy. Về lâu dài, ngành giáo dục phải tính toán đưa biên chế từ trường thừa sang trường thiếu. Sau khi đã luân chuyển xong, nếu các trường vẫn còn thiếu biên chế, tỉnh mới bổ sung.

Trao đổi với PV Tiền Phong,  ông Trương Văn Hơn, Chánh văn phòng UBND tỉnh Hải Dương cho biết, sau khi nắm thông tin sự việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh đã họp thống nhất các ngành. Cuộc họp đã thống nhất, giáo viên đứng lớp là công sức của họ nên nhất định phải giải quyết sớm chế độ tiền lương. Việc này, thường trực cũng đã thống nhất, hiện nay vấn đề là sớm hay muộn thực hiện việc đó.

Cũng theo ông Hơn, việc ký hợp đồng với giáo viên số lượng nhiều năm qua là để đảm bảo tỉ lệ giáo viên đứng lớp. Vấn đề của địa phương là năm qua, học sinh tăng lên 10.300 em , tăng 4 trường học. Còn lâu dài, địa phương sẽ rà soát để thực hiện theo đúng chế độ.

Chiều qua 7/12, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch tỉnh Hải Dương cho biết, hiện địa phương đang giao cho Sở Nội vụ giải quyết các vấn đề liên quan tới chuyện nợ lương giáo viên. 

MỚI - NÓNG