Giải đáp những thắc mắc về tuyển sinh 2006

Giải đáp những thắc mắc về tuyển sinh 2006
TP - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long đã giải đáp các thắc mắc liên quan đến kỳ tuyển sinh của thí sinh nhân mùa thi tuyển sinh 2006
Giải đáp những thắc mắc về tuyển sinh 2006 ảnh 1
Ôn lại bài trước lúc vào thi  ảnh: Hồng Vĩnh

Năm 2006, tuyển sinh theo phương án “ba chung” nhưng vẫn có một số điều chỉnh, xin Thứ trưởng cho biết mùa thi này có những điểm nào khác với “ba chung” năm trước không?

Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2006 vẫn thực hiện giải pháp ba chung theo Đề án cải tiến tuyển sinh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 1/2002, có một số điều chỉnh sau:

- Các môn ngoại ngữ thi theo phương pháp trắc nghiệm khách quan.

- Bỏ quy định cộng điểm thưởng vào kết quả thi tuyển sinh ĐH, CĐ đối với thí sinh tốt nghiệp THPT loại giỏi.

- Cán bộ chấm thi không quy tròn điểm đối với từng môn thi. Việc quy tròn điểm do máy tính tự động thực hiện đối với tổng điểm 3 môn thi, trên nguyên tắc nếu tổng điểm 3 môn thi có điểm lẻ từ 0,25 đến 0,5 thì quy tròn thành 0,5; có điểm lẻ từ 0,75 đến 1,0 thì quy tròn thành 1,0 điểm.

- Bổ sung đối tượng 04 thuộc nhóm Ưu tiên 1:

+ Con của người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 hoặc con của người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến trước ngày Tổng khởi nghĩa 19/8/1945.

+ Con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là người được UBND cấp tỉnh công nhận bị dị dạng, dị tật, suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt, học tập do hậu quả của chất độc hóa học.

- Tăng mức kỷ luật đối với một số hành vi vi phạm nghiêm trọng Quy chế tuyển sinh, buộc thôi việc hoặc bị xử lý theo pháp luật đối với người có một trong các hành vi sai phạm sau đây:

+ Đưa đề thi ra ngoài khu vực thi hoặc đưa bài giải từ ngoài vào phòng thi trong lúc đang thi.

+ Cán bộ tuyển sinh làm mất bài thi của thí sinh khi thu bài thi, vận chuyển, bảo quản, chấm thi hoặc có những sai phạm khác trong công tác tuyển sinh.

+ Thí sinh khi vào phòng thi mang theo tài liệu; phương tiện kỹ thuật thu, phát, truyền tin, ghi âm, ghi hình, thiết bị chứa đựng thông tin có thể lợi dụng để làm bài thi; vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, các vật dụng gây nguy hại khác bị đình chỉ thi.

Thí sinh có thể in thẳng mẫu phiếu đăng ký dự thi từ trên mạng xuống không? Tính pháp lý của văn bản này?

Thí sinh có thể in thẳng mẫu phiếu ĐKDT từ mạng, qua cổng thông tin thi và tuyển sinh theo địa chỉ: ts.edu.net.vn. Tuy nhiên, thí sinh cần lưu ý:

- Vẫn phải có túi đựng hồ sơ ĐKDT, thực chất là 1 phiếu ĐKDT.

- Phiếu ĐKDT ĐH, CĐ năm 2006 (phiếu số 1) phải có chữ ký của thí sinh.

- Phiếu ĐKDT ĐH, CĐ năm 2006 (phiếu số 2) phải có chữ ký của thí sinh và chữ ký (ghi rõ họ và tên) và đóng dấu của nơi thu hồ sơ.

Phiếu ĐKDT ĐH, CĐ năm 2006 in từ trên mạng có giá trị như phiếu ĐKDT do các Sở GD&ĐT phát hành. Thí sinh có thể dùng phiếu này khi viết hỏng tờ phiếu trong túi hồ sơ đăng ký dự thi do các Sở Giáo dục và Đào tạo phát hành.

Để tăng cường kỷ luật phòng thi, quy chế tuyển sinh đã bổ sung những hình thức kỷ luật gì, thưa ông?

Buộc thôi việc hoặc bị xử lý theo pháp luật đối với người có một trong các hành vi sai phạm sau đây:

+ Đưa đề thi ra ngoài khu vực thi hoặc đưa bài giải từ ngoài vào phòng thi trong lúc đang thi.

+ Cán bộ tuyển sinh làm mất bài thi của thí sinh khi thu bài thi, vận chuyển, bảo quản, chấm thi hoặc có những sai phạm khác trong công tác tuyển sinh.

Khi vào phòng thi mang theo tài liệu; phương tiện kỹ thuật thu, phát, truyền tin, ghi âm, ghi hình, thiết bị chứa đựng thông tin có thể lợi dụng để làm bài thi; vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, các vật dụng gây nguy hại khác”.

Bài làm của các thí sinh có thể được thưởng tới 1 điểm. Xin Thứ trưởng nói rõ hơn về quy định này.

Những bài làm đúng, có cách giải sáng tạo, độc đáo khác với đáp án có thể được thưởng điểm. Mức điểm thưởng do các cán bộ chấm thi thống nhất đề xuất và do Trưởng môn chấm thi trình Trưởng ban chấm thi quyết định nhưng không quá 1 điểm.

Bộ sẽ có hướng dẫn thêm về điều này tới các Hội đồng chấm thi, ví dụ: Hội đồng thống kê danh sách của những thí sinh được điểm thưởng, thông tin công khai những cách giải sáng tạo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thực tế trong những năm vừa qua, tuy chưa có thống kê, nhưng hầu như không có thí sinh được thưởng điểm vì có cách giải độc đáo, sáng tạo.

Đề thi năm nay được làm theo hướng nào, đặc biệt trong tình hình năm nay học sinh học chương trình phân ban và không phân ban thi cùng nhau?

Bộ GD&ĐT tổ chức ra đề thi chung cho các trường ĐH: Các môn văn hóa vẫn theo phương pháp tự luận, các môn ngoại ngữ ra theo phương pháp trắc nghiệm. Các ngành năng khiếu của các trường ĐH, CĐ và một số trường ĐH, CĐ tổ chức thi tuyển sinh theo đề thi riêng của trường.

Nguyên tắc:

- Nội dung đề thi bám sát chương trình và sách giáo khoa THPT, chủ yếu là lớp 12, không quá khó, quá phức tạp, không đánh đố, phù hợp với thời gian làm bài, có khả năng phân loại thí sinh.

- Đề thi gồm 2 phần : Phần câu hỏi bắt buộc đối với tất cả thí sinh và phần câu hỏi tự chọn được ra theo nội dung chương trình THPT phân ban và chương trình không phân ban. Phần câu hỏi tự chọn này, thí sinh được tùy ý lựa chọn để làm bài thi một trong hai nội dung, dù thí sinh đã học theo chương trình phân ban hoặc không phân ban.

- Đối với chương trình THPT phân ban, đề thi khối A và B ra theo chương trình ban Khoa học tự nhiên, Khối C và D ra theo chương trình ban khoa học xã hội và nhân văn.

Như vậy hai đối tượng thí sinh kể trên nên tập trung ôn thi theo hướng nào?

Nội dung ôn tập của thí sinh không có gì thay đổi, tức là theo chương trình và sách giáo khoa trung học phổ thông phân ban hoặc không phân ban hiện hành, chủ yếu là lớp 12. Nhưng bỏ qua những nội dung đã được giảm tải, cắt bớt, các phần đọc thêm.

Ngành GD&ĐT sẽ làm gì để đề thi năm nay không có hiện tượng đề Toán khối B, D có thể khó hơn Toán khối A như đã từng xảy ra?

Ban đề thi của Bộ GD&ĐT phải nghiêm túc thực hiện quy trình làm đề thi, đảm bảo yêu cầu về cấu trúc, nội dung, độ dài, độ khó, khả năng phân loại và đảm bảo tính khoa học, tính chính xác, không quá khó, quá phức tạp phù hợp với thời gian làm bài của thí sinh, theo quy trình của quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy.

Việc quy định về nội dung đề thi Toán cho các khối A, B, D cũng như các môn của các khối khác đã nêu rất rõ trong Quy chế và sẽ được Bộ tiếp tục chỉ đạo để Ban đề thi quán triệt thật tốt.

Dư luận cho rằng đề thi hiện nay đang có xu hướng phổ thông hóa khiến cho những học sinh học thuộc chương trình có cơ hội làm bài được điểm cao và các học sinh năng khiếu nếu không thuộc bài cũng khó  được điểm cao tuyệt đối  và dần dần sẽ mất đi các học sinh giỏi. Bộ tính đến yếu tố này trong việc ra đề thi như thế nào?

Theo quy chế, đề thi phải đạt các yêu cầu về kiểm tra những kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành của thí sinh trong phạm vi chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12, phù hợp với quy định về nội dung học tập bậc trung học (cấp THPT).

Mặt khác, đề thi cũng phải đạt yêu cầu về phân loại được trình độ học lực của thí sinh và phù hợp với thời gian qui định cho mỗi môn thi. đề thi của một bài thi tất nhiên phải được phân bố tỷ lệ khó, dễ khác nhau và phải đảm bảo tính khoa học cho hệ thống học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông trong toàn quốc.

Vì vậy, các học sinh năng khiếu cũng phải học toàn diện, không học tủ, học lệch, có như vậy mới hy vọng đạt kết quả cao trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ - Kỳ thi tuyển sinh có tính sàng lọc và cạnh tranh rất cao.

Năm nay, lần đầu tiên thi trắc nghiệm đối với môn ngoại ngữ. Rút kinh nghiệm kết quả làm bài của các thí sinh cả nước trong đợt thi thử trắc nghiệm vừa qua, ông có lưu ý gì tới các thí sinh khi làm bài thi?

Khi làm bài thi trắc nghiệm môn ngoại ngữ, thí sinh cần chú ý:

- Điền phiếu trả lời trắc nghiệm: Dùng bút mực (không phải mực đỏ) điền đầy đủ các mục từ 1 đến 9, ghi chính xác họ, tên thí sinh bằng chữ in hoa, ghi đầy đủ, chính xác số báo danh vào các ô vuông nhỏ trên đầu mỗi cột của khung số báo danh. Dùng bút chì tô lần lượt theo từng cột, tô kín ô tròn có chữ số tương ứng với chữ số ở đầu cột.

- Nhận đề thi: Khi nhận đề thi, thí sinh ghi tên và số báo danh của mình vào đề thi, kiểm tra đề thi có đủ số lượng câu hỏi như đã ghi trong đề không? nội dung đề thi có được in rõ ràng không?... Nếu có chi tiết bất thường, thí sinh phải báo ngay cho Cán bộ coi thi (CBCT) để xử lý.

- Làm bài thi: Mỗi câu trắc nghiệm có 4 lựa chọn A, B, C, D. Cần đọc kỹ và chọn phương án đúng, và tô kín ô tròn tương ứng với chữ cái A hoặc B, C, D trong phiếu trả lời trắc nghiệm. Tuyệt đối không gạch chéo hoặc đánh dấu vào ô được chọn. Phải giữ phiếu trả lời trắc nghiệm sạch sẽ, không làm rách, nhàu hoặc có vết gấp, mép giấy bị quăn,… Bài làm phải có chữ ký của 2 CBCT.

Thời gian nào thí sinh được gửi đơn xin phúc khảo bài thi, khi nào sẽ có kết quả. Thí sinh sẽ mang đơn phúc khảo gửi trực tiếp đến trường dự thi hay có thể gửi qua đường bưu điện?

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày trường công bố điểm thi trên các phương tiện thông tin đại chúng, thí sinh được nộp đơn xin phúc khảo bài thi. Trong thời hạn 15 ngày kể từ khi hết hạn nhận đơn, trường phải thông báo kết quả phúc khảo cho thí sinh. Thí sinh có thể nộp đơn xin phúc khảo qua đường bưu điện chuyển phát nhanh. Không phúc khảo các môn năng khiếu.

Năm nay mỗi thí sinh được phép đăng ký bao nhiêu nguyện vọng, là những nguyện vọng nào?

Mỗi thí sinh có 3 nguyện vọng xét tuyển, đó là: Những thí sinh dự thi đại học theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT nếu có kết quả thi bằng hoặc cao hơn điểm sàn đại học (hoặc cao đẳng) được xét tuyển đợt 1 vào trường đã dự thi, hoặc trường ĐH, CĐ không tổ chức thi hoặc hệ CĐ của trường ĐH theo NV1.

Nếu không trúng tuyển đợt 1 (NV1), thí sinh dùng Giấy chứng nhận kết quả thi số 1 để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt 2 (NV2) vào các trường không tổ chức thi hoặc có tổ chức thi nhưng còn thiếu chỉ tiêu.

Nếu vẫn không trúng tuyển đợt II (NV2) thì dùng Giấy chứng nhận kết quả thi số 2 để nộp hồ sơ  đăng ký xét tuyển đợt III (NV3) vào trường không tổ chức thi hoặc trường có tổ chức thi nhưng còn chỉ tiêu xét tuyển.

Thí sinh nộp hồ sơ ĐKXT NV2, NV3 qua đường bưu điện chuyển phát nhanh.

Thời gian tuyển nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 và các nguyện vọng khác như thế nào?

Thời hạn xét tuyển các nguyện vọng như sau:

- Các trường công bố điểm trúng tuyển và danh sách thí sinh trúng tuyển NV1, gửi giấy báo trúng tuyển, Giấy chứng nhận kết quả thi, phiếu báo điểm cho các Sở GD&ĐT trước ngày 20/8/2006.

- Các trường nhận hồ sơ ĐKXT đợt 2 từ ngày 25/8 đến hết giờ mở cửa giao dịch thường lệ của bưu điện trong ngày 10/9/2006. Công bố điểm trúng tuyển và gửi giấy báo trúng tuyển cho các Sở GD&ĐT trước ngày 15/9/2006.

- Các trường nhận hồ sơ ĐKXT đợt 3 từ ngày 15/9 đến hết giờ mở cửa giao dịch thường lệ của bưu điện trong ngày 30/9/2006. Công bố điểm trúng tuyển và gửi giấy báo trúng tuyển cho các Sở GD&ĐT trước ngày 5/10/2006.

Đến thời điểm nào sẽ có điểm sàn và chủ trương xác định điểm sàn của Bộ GD&ĐT ?

- Theo lịch công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2006, điểm sàn xét tuyển sẽ được công bố trước ngày 15/8/2006.

- Chủ trương xác định điểm sàn xét tuyển là:

+ Đảm bảo chất lượng tuyển chọn đầu vào của các trường ĐH, CĐ nhằm từng bước nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước.

+ Đảm bảo tính công bằng và chính sách ưu tiên theo đối tượng và khu vực theo Quy chế tuyển sinh.

+ Tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo tính tự chủ của các trường trong công tác xét tuyển các nguyện vọng.

+ Đảm bảo tỷ lệ trúng tuyển hợp lý theo cơ cấu vùng miền, cơ cấu xã hội và loại hình trường.

+ Đảm bảo cho các trường tuyển đủ chỉ tiêu.

Hồ Thu
(Thực hiện)

MỚI - NÓNG