Thi tốt nghiệp phổ thông đợt 2:

Giải pháp nào cho học sinh bị trượt ?

Giải pháp nào cho học sinh bị trượt ?
TP - Theo dự báo của các địa phương, dù có kỳ thi tốt nghiệp lần 2 trong năm nhưng số thí sinh trượt tốt nghiệp cả 2 kỳ thi vẫn ở mức hàng trăm nghìn em trên cả nước.
Giải pháp nào cho học sinh bị trượt ? ảnh 1
Sau  ngày thi 19/8 - Ảnh: Hồng  Vĩnh

Về phương án giải quyết đối với những học sinh trượt tốt nghiệp phổ thông lần 2, ông Lê Quán Tần - Vụ trưởng Vụ GD Trung học, Bộ GD&ĐT nói:

Lâu nay HS trượt tốt nghiệp lớp 12 hầu như không học lại mặc dù quy chế không cấm. Năm nay, Bộ trưởng đã có chỉ đạo: Nếu những em nào trượt tốt nghiệp rồi mà đăng ký học lại vẫn cho học lại.

Nhưng theo tôi số thực sự đăng ký sẽ không bao nhiêu. Các em không học lại chương trình lớp 12 mà sẽ chọn các trung tâm GD thường xuyên để theo học rồi dự thi với tư cách thí sinh tự do.

Hình thức này vừa nhẹ nhàng cho các em, vừa có khả năng đỗ cao hơn. Nếu các em chọn giải pháp lưu ban thì các em sẽ phải học tất cả các môn (11 môn) như những HS lớp 12 khác mà khả năng đỗ thấp hơn do chương trình THPT nặng hơn chương trình bổ túc THPT.

Trong khi đó giá trị của văn bằng tốt nghiệp THPT và tốt nghiệp bổ túc THPT là ngang nhau.

Một hình thức khác, có thể các em học dự thính tại các trường THPT – nghĩa là thích môn nào học môn đó. Đã lưu ban thì phải học như HS lớp 12 bình thường.

Hoặc cũng có thể nhà trường tổ chức các lớp ôn tập cho các em dưới dạng tổ chức các lớp học thêm. Nếu vậy thì nhà trường phải bàn bạc với phụ huynh để thực hiện.

Trong trường hợp có những địa phương muốn ngành GD&ĐT quản lý được số thí sinh thi trượt này thì họ cần làm gì?

Tùy theo nhu cầu học hành của các em, Giám đốc Sở GD&ĐT làm việc với UBND tỉnh để UBND tỉnh cho một cơ chế để giải quyết nhu cầu học tập đó. Chẳng hạn, các trường THPT tổ chức thành lớp riêng ôn tập và UBND tỉnh sẽ quyết định chi kinh phí trả cho giáo viên dạy các em. 

Trên thực tế số học sinh muốn lưu ban là rất ít. Các em sẽ chỉ muốn học một số môn để thi tốt nghiệp. Trong trường hợp số này quá đông đến mức phải hình thành các lớp, chúng tôi sẽ hướng dẫn các Sở GD&ĐT bố trí GV và xin UBND tỉnh cơ chế đáp ứng nhu cầu học tập của các em.

Ngay từ trước khi thi tốt nghiệp, chúng tôi đã báo động với các Sở về tình hình này và Bộ trưởng yêu cầu các địa phương chuẩn bị định hướng để giải quyết.

Các Sở GD&ĐT cho rằng nếu “thả” các em thì các em không có động lực học, việc các em đỗ năm tới là khó?

Thực tế có một số em tự bỏ không thi vì biết nếu thi nghiêm túc thì không đỗ. Đó là chuyện bình thường. Còn những em có ý chí, quyết tâm thì ta có những hình thức giúp đỡ các em, tạo điều kiện cho các em học hành.

Những em nào xin lưu ban thì chúng tôi sẵn sàng chấp nhận. Chúng tôi đã thông báo cho các Sở GD&ĐT điều này.

Có nhiều ý kiến cho rằng nên cấp chứng nhận cho HS đã  học xong lớp 12 trong tình huống các em không đỗ tốt nghiệp. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?

Dù các nước chưa làm mà ta cần phải làm thì vẫn làm. Vấn đề là đừng đánh đồng lẫn lộn giữa giấy chứng nhận này với bằng tốt nghiệp.

Đến nay Bộ GD&ĐT chưa đặt vấn đề gì về việc cấp chứng nhận này bởi các em giữ học bạ trong tay, học bạ đó đủ để chứng minh là các em đã học xong lớp 12.

Muốn chứng minh người đó đã hoàn thành chương trình phổ thông thì họ phải vượt qua được kỳ thi tốt nghiệp. Họ đã không vượt qua được kỳ thi tốt nghiệp nghĩa là năng lực của họ, kiến thức của họ không đủ để công nhận.

Các em chỉ có thể xuất trình học bạ để chứng minh rằng các em đã học lớp 10, lớp 11, lớp 12.

Ông có cho rằng vì thi nghiêm túc, tỉ lệ trượt tốt nghiệp nhiều nên  số HS theo học  THPT sẽ ít đi không?

Sẽ có một số HS có suy nghĩ như vậy nhưng không lớn. Bộ phận lớn là các em vẫn vào THPT nhưng với một quyết tâm học hành thực sự. Hơn nữa, không có một nước nào trên thế giới mà học xong THCS, HS đều vào THPT hết, kể cả những nước có nền GD phát triển.

Cho nên có một bộ phận HS học hết THCS không lên THPT là điều bình thường. Tỉ lệ HS THCS học tiếp THPT bao nhiêu là hợp lý còn tùy từng vùng. Nơi nhu cầu học vấn thành nhu cầu bức xúc thì tỉ lệ sẽ cao.

Điều đó có ảnh hưởng tới chủ trương phổ cập trung học?

Trong các văn bản Nhà nước không bao giờ yêu cầu phổ cập chung chung. Bao giờ cũng có mệnh đề này đi kèm: “Phổ cập ở nơi có điều kiện”. Địa bàn nhu cầu dân trí cao, nhu cầu nhân lực trình độ cao thì dân đổ xô đi học.

Nơi nào không đạt được điều đó thì thôi, Nhà nước không bắt ép các tỉnh đều phải phổ cập.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG