Giảm tải các môn lớp 12: Toán, Ngữ văn phù hợp, băn khoăn Ngoại ngữ

Học sinh vẫn phải học hết chương trình để thi ảnh: p.v
Học sinh vẫn phải học hết chương trình để thi ảnh: p.v
TP - Nhiều giáo viên cho rằng, nội dung chương trình các môn Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học được tinh giản phù hợp, nhưng môn Ngoại ngữ có chút vướng mắc.

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Trưởng tiểu ban rà soát tinh giản nội dung chương trình môn Ngữ văn, cho biết, việc tinh giản, điều chỉnh chương trình môn Ngữ văn lần này có 3 hình thức, gồm không dạy; khuyến khích học sinh tự học và tự học có hướng dẫn. Không dạy gồm một số nội dung tiếng Việt, tập làm văn mang tính lý thuyết được giảm hẳn, không thực hiện trên lớp.

Khuyến khích học sinh tự đọc nghĩa là không dạy trên lớp nhưng giáo viên nên khuyến khích học sinh đọc thêm, thường là các văn bản đọc hiểu (truyện, thơ, ký, kịch...). Đáng chú ý là yêu cầu tự học có hướng dẫn. “Theo cách này, giáo viên sẽ bớt được một lượng thời gian đáng kể mà lại thực hiện được yêu cầu dạy học theo hướng phát triển năng lực, học sinh phải đọc trực tiếp văn bản và thực hành là chính”, ông nói.

Toán, Ngữ văn tinh giản phù hợp

Bà Phan Thị Thanh Hà, giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội), nhận định, Bộ GD&ĐT tinh giản môn học này khá phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. So với nội dung học để thi THPT quốc gia trước đó, các nội dung, bài học được giảm khá nhiều. Trước kỳ nghỉ, nhiều trường đã dạy đến tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”, “Vợ nhặt”.

“Với việc tinh giản như vậy, học sinh có thể học qua truyền hình kết hợp với học trực tuyến với giáo viên, làm bài tập thì việc hoàn thành chương trình không quá khó khăn. Khi có đề minh họa, giáo viên sẽ bám vào đề để có kế hoạch ôn tập cụ thể hơn”, cô Hà nói. Tuy nhiên, cô Hà lo học sinh nghỉ học dài ngày, sẽ lơ là học tập và nếu các em quay lại trường học muộn quá sẽ có ít thời gian để ôn tập.

Thầy Đào Nguyên Sử, giáo viên dạy Toán, Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An), nói rằng, chương trình môn Toán lớp 12 không bị cắt một cách cơ học mà giảm độ khó, những phần mở rộng, nhưng vẫn đảm bảo giảm 10-20% kiến thức. “Cách giảm tải như vậy là hợp lý, chỉ cắt thời lượng mà không bỏ phần kiến thức nào. Cụ thể, lâu nay chúng ta dạy kỹ hơn thì nay dạy cơ bản hơn nhưng học sinh vẫn phải học toàn bộ nội dung”, thầy Sử nói. Thầy Sử cũng cho rằng, trong 2-3 tuần tới, học sinh quay lại trường học sẽ vẫn đảm bảo thực hiện chương trình và ôn tập. Thầy cô đã dạy trực tuyến, truyền hình kết hợp, điều còn lại phụ thuộc tinh thần, ý thức học tập của học sinh.

Vật lý, Hoá học chỉ giảm 10-15%

Trong khi đó, ở môn Vật lý, Hoá học, một số giáo viên nhận định, không tinh giản quá nhiều nội dung mà chủ yếu rút ngắn thời gian dạy học, tăng cường thời gian học sinh tự học. Thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên dạy Hoá học trực tuyến ở Hà Nội nói rằng, nội dung kiến thức bị lược bỏ không quá lớn, chỉ chiếm 10-15%. Có thể thấy những điều chỉnh mà Bộ GD&ĐT mới công bố là hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế, khi mà phần lớn các trường học bị đóng cửa để thực hiện công tác phòng chống dịch, cả nước buộc phải chuyển sang phương thức học tập trực tuyến và qua truyền hình.

“Nhưng đối với học sinh, việc điều chỉnh phạm vi kiến thức là không nhiều, do đó các em vẫn cần phải duy trì thái độ và ý thức học tập nghiêm túc”, thầy Ngọc nói.

Băn khoăn Ngoại ngữ

Một số giáo viên môn Ngoại ngữ lớp 12 cho rằng, Bộ GD&ĐT chỉ mới dừng lại ở việc tinh giản SGK cũ, trong khi thực tế các trường học đang dạy học cả SGK Tiếng Anh theo chương trình cũ và SGK tiếng Anh thí điểm (sách mới).

Giáo viên Ngoại ngữ - Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho rằng, các nội dung tinh giản không liên quan nội dung dạy học ở trường hiện nay. Theo giáo viên này, các bài học của môn Tiếng Anh mà Bộ tinh giản hoàn toàn nằm trong sách cũ, trong khi Hà Nội và nhiều địa phương hiện đã dạy hoàn toàn theo chương trình tiếng Anh mới. Kể cả ôn tập lớp 12 năm nay, Hà Nội cũng đang dạy học cho học sinh theo chương trình mới, vì thế giáo viên kỳ vọng Bộ sẽ giảm tải cho cả 2 chương trình.

Ngọc Hiền, lớp 12D7, Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), nói rằng, các môn chỉ giảm tải một phần nội dung kiến thức, số còn lại chỉ rút ngắn giờ học để học sinh tự học, vì thế các em sẽ không dám bỏ qua phần “khuyến khích tự học”. Hiền cũng cho rằng, học hết chương trình trên lớp chỉ là một phần nhỏ, vì sau đó quan trọng nhất là các em có bao nhiêu thời gian để ôn tập, giải đề, đào sâu kiến thức. Học sinh được học online nhưng Hiền đánh giá tính hiệu quả chỉ được 50-60% so với thực tế.

MỚI - NÓNG