Gian lận học đường lộ rõ qua điểm thi

Gian lận học đường lộ rõ qua điểm thi
Tiến sĩ Quách Tuấn Ngọc - Giám đốc Trung tâm Tin học, Bộ GD&ĐT cho rằng gian lận trong thi cử và bệnh chạy theo thành tích, được thể hiện qua những con số thống kê trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học.
Gian lận học đường lộ rõ qua điểm thi ảnh 1

TS Quách Tuấn Ngọc - Ảnh: Như Hùng (Tuổi Trẻ)

Hôm nay 31/7/2006, tại hội trường Thống Nhất TPHCM sẽ diễn ra Hội nghị tổng kết năm học 2005-2006, đồng thời diễn ra lễ phát động thực hiện cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và với bệnh thành tích trong giáo dục”, do Bộ GD-ĐT tổ chức.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Quách Tuấn Ngọc xoay quanh vấn đề này. Tiến sĩ Quách Tuấn Ngọc nói: Tôi đề xuất gọi chung là “gian lận học đường” bao gồm từ loại gian lận hằng ngày như cấy điểm, sửa sổ điểm đến gian lận có tổ chức trong các kỳ thi...

“Gian lận học đường” là hành vi để đạt được thành tích ảo, nhiều khi là hành vi phạm pháp như tổ chức làm bài thi ngay sau khi bóc đề, ném bài giải mang tính tập thể vừa qua.

Nguyên nhân của căn bệnh đôi lúc là có sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, không chấp nhận kết quả thi tốt nghiệp THPT quá thấp, bắt lãnh đạo Sở GD-ĐT phải thay đổi kết quả sao cho bằng chị bằng em với các tỉnh bạn.

Ông có nói “Hai kỳ thi, hai chất lượng và hai loại kỷ cương đối ngược nhau”, tại sao vậy, thưa ông?

Nước ta hiện nay có hai kỳ thi quan trọng nhất là thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh đại học, cao đẳng. Ở kỳ thi tốt nghiệp THPT, khâu coi thi được coi là kém nhất, là kỳ thi có nhiều gian dối nhất, phao thi tràn lan, thậm chí đến mức độ có các hội đồng làm ngơ, có hội đồng tổ chức giải bài cho học sinh chép...

Kết quả kỳ thi tạo ra thành tích ảo không phản ánh thực chất, với tỉ lệ đỗ tốt nghiệp cao, thậm chí nhiều tỉnh có quá nhiều điểm giỏi. Còn kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng thì coi thi nghiêm túc. Mọi hành vi gian lận đều bị coi là phạm pháp và được xử lý nghiêm trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Về kết quả cũng đầy mâu thuẫn giữa hai kỳ thi: phổ điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT là hình chuôm có đỉnh tạt sang bên phải, ở khoảng 7 điểm. Có sở, có hội đồng thi thậm chí không tìm thấy học sinh nào đạt điểm dưới trung bình (!?). Trong khi đó phổ điểm của kỳ thi đại học, cao đẳng thì trải đều từ 0 - 10, hình chuôm lại có đỉnh tạt sang trái, đỉnh nằm ở khoảng 2 - 3 điểm/môn.

Ông có thể cho những ví dụ cụ thể, thưa Tiến sĩ?

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã công bố như là một thí dụ điển hình bài viết của một thí sinh dân tộc nội trú từ Lai Châu được chọn cử đi học tại Hà Tây do EduNet (mạng giáo dục của Bộ GD&ĐT - PV) thu thập. Bài viết mang tính tâm tình gửi đến các giám thị khi thí sinh này không làm được bài thi môn lý.

Thí sinh này kể: Kỳ thi tốt nghiệp THPT khi bóc đề ra, các thầy cô phân công nhau giải bài cho học sinh chép. Kết quả, em chua chát báo rằng em đạt được 57 điểm/6 môn thi tốt nghiệp (tức 9,5 điểm/môn). Song, đến hôm nay đi thi đại học (môn lý) thì cắn bút, không làm được gì.

Ngày thường khi kiểm tra bài, nếu không thuộc, thầy giáo yêu cầu hát một bài thì được 8 điểm. Chúng ta có thể hiểu 8 điểm này là điểm cấy vào cho đẹp cái sổ điểm.

Minh họa hai là kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2006 vừa qua, môn văn cả nước có 60 điểm 10 thì Bến Tre chiếm một nửa với 30 em, trong khi các tỉnh khác chỉ có vài ba em. Hãy xem các em đạt 57 điểm/6 môn trở lên, tức đạt trung bình 9,5 điểm/môn của 10 tỉnh, thành đạt tỉ lệ phần trăm cao nhất (xem bảng).

Gian lận học đường lộ rõ qua điểm thi ảnh 2

Vấn đề là mấy ngày tới khi có kết quả thi đại học, xã hội sẽ rất quan tâm đến số thí sinh đỗ tú tài siêu giỏi này sẽ còn giữ được thành tích này không?

Thưa Tiến sĩ, việc chạy theo thành tích còn do tính chất của các kỳ thi. Ví dụ như các tỉnh tổ chức kỳ thi đầu vào lớp 10 thì rõ ràng việc coi thi, chấm thi “thực hơn” so với tốt nghiệp THPT ngay tại tỉnh đó, Tiến sĩ nghĩ sao?

Theo tôi, vì là kỳ thi mang tính tuyển chọn nên mặc dù tự tổ chức tại địa phương song các tỉnh đã làm nghiêm túc. Làm nghiêm túc thì ra kết quả nghiêm túc.

Số liệu thi tại Quảng Nam: điểm dưới 5 môn toán chiếm 83% và văn chiếm 63%, trong đó dưới điểm 2 chiếm đến 57%. Theo phản ánh của dư luận báo chí, một vài tỉnh, thành khác cũng tương tự.

Nghĩa là với đà này, số học sinh đi học THPT sẽ giảm nhiều (trung bình 30% trên toàn quốc), kết quả sẽ thực chất hơn, sẽ làm giảm áp lực đi thi đại học, sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian và tiền bạc của cả xã hội.

Theo giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Tiến Đoàn, kỳ thi tuyển vào lớp 10 vừa qua ở Hà Nội tỉ lệ đạt điểm trung bình cũng chỉ là 50%. Con số này hoàn toàn khớp với phổ điểm thi đại học.

Tiến sĩ là người hay “qui ra tiền” từ những con số. Theo ông, bệnh thành tích và gian lận học đường gây tốn kém bao nhiêu?

Với thành tích lên lớp 100%, đỗ tốt nghiệp THPT cao đến 90%. Nhưng đi thi đại học, số thí sinh đạt 15 điểm trở lên/3 môn chỉ chiếm 15%, số thí sinh đạt 6 điểm trở lên/3 môn chiếm khoảng 60%.

Cứ giả thiết coi số thí sinh thật sự đảm bảo chất lượng và có thể chấp nhận được vào đại học là số thí sinh có tổng điểm ba môn thi đại học từ 6 điểm trở lên. Số này chiếm khoảng 550.000. Khi đó số học sinh quá kém sẽ chiếm khoảng 300.000.

Chúng ta hãy thử làm con tính thiệt hại từ đây: 300.000 em này nếu được phân luồng sớm, đi học nghề sớm ngay sau THCS và giả sử mỗi tháng thu nhập bình quân 1 triệu đồng thì một năm sẽ là: 12 triệu đồng/năm nhân cho 300.000 em. Con số sẽ là 3.600 tỉ đồng/năm.

Đó là chúng ta chưa tính đến việc ba năm nhiều học sinh đã tiêu tốn thời gian và tiền bạc vào việc ngồi học nhầm THPT.

Cảm ơn Tiến sĩ.

Theo Nguyễn Phan
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG