Gian nan giải quyết giáo viên dôi dư

Gian nan giải quyết giáo viên dôi dư
TP - Trong khi tại nhiều địa phương, tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên cấp tiểu học đang diễn ra trầm trọng, ở nhiều nơi lại đang phải quyết liệt giải quyết tình trạng giáo viên dôi dư.

Ở Thanh Hóa, HĐND tỉnh đã phải vào cuộc để giải quyết thực trạng này.

Gian nan giải quyết giáo viên dôi dư ảnh 1
Học sinh dân tộc Khơ Mú ở bản Đoàn Kết, xã Tén Tằn, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) trên đường đi học về

Do học sinh giảm

Huyện Quan Hoá được tỉnh Thanh Hóa giao 761 biên chế giáo viên, nhưng thực tế toàn huyện có 844 biên chế, dôi dư 83 biên chế, chủ yếu là giáo viên tiểu học.

Việc dôi dư giáo viên là do bình quân số học sinh (HS) ở mỗi lớp thấp hơn so với quy định của ngành. Cụ thể, theo quy định tối thiểu là 20 HS/lớp, nhưng Quan Hoá bình quân chỉ có 13 HS/lớp đối với bậc tiểu học.

Toàn huyện hiện có 115 khu trường, trong đó có khu chỉ có từ 7 - 9 HS/lớp. Nếu dồn khu, dồn lớp thì HS sẽ bỏ học vì điều kiện đi lại quá xa và khó khăn.

Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tế số trường, số lớp, số HS ở các bậc, cấp học thì Quan Hóa vẫn còn thiếu hàng chục giáo viên đặc thù, nhân viên hành chính...

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, nhiều giáo viên dôi dư phải làm những công việc không đúng chuyên môn như quản lý thư viện, bảo quản thiết bị dạy học hoặc họ luôn rảnh rỗi do dạy thiếu giờ theo quy định.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết, giáo viên bị dôi dư do nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến số lượng học sinh giảm và không ổn định.

Bên cạnh đó, một bộ phận giáo viên trước đây được đào tạo theo hệ 9 + 3, hoặc bổ sung từ cán bộ làm công tác xòa mù chữ để đáp ứng yêu cầu phổ cập giáo dục tiểu học và THCS nên không đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục trong những năm qua.

Nội dung chương trình giáo dục phổ thông thay đổi, bổ sung thêm một số môn học mới cũng là nguyên nhân khiến giáo viên bị dôi dư. Nguyên nhân tiếp theo là sự hạn chế, bất cập trong việc tuyển dụng, quản lý và sử dụng giáo viên ở các huyện…

HĐND tỉnh vào cuộc

"Đề án giải quyết giáo viên dôi dư rất khả thi vì   đã vận dụng thực tiễn của tình hình địa phương để đưa ra các giải pháp cụ thể."

Ông Lê Kim Quý

Tháng 12/2008, đề án “Giải quyết cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hành chính các trường tiểu học, THCS thuộc diện dôi dư” của Sở GD&ĐT đã được xây dựng và vừa được kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XV thông qua.

Theo đó, có khoảng 1.900 cán bộ, giáo viên đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi theo quy định, ngoài hưởng các chế độ theo quy định thì còn được hỗ trợ thêm một khoản kinh phí bằng 110% số tiền chênh lệch. Những cán bộ, giáo viên thuộc diện dôi dư, nhưng chưa đủ tuổi để về hưu trước tuổi thì được nghỉ công tác hưởng nguyên lương cơ bản đến khi đủ tuổi thực hiện chính sách về hưu trước tuổi.

Những người thuộc diện dôi dư, có đủ tiêu chuẩn chọn đi bồi dưỡng đào tạo theo chương trình chuyên sâu để chuyển đổi công việc, trong thời gian đi học được hưởng nguyên lương và các khoản phụ cấp và được tỉnh hỗ trợ kinh phí đi học (khoảng 2.890 người).

Theo đề án này, những người thuộc diện dôi dư, nghỉ thôi việc ngay, ngoài được hưởng chính sách theo quy định còn được tỉnh hỗ trợ thêm một nửa tháng lương cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội (trung bình mỗi người được hỗ trợ thêm 10 tháng lương, mỗi tháng được 2.200.000 đồng).

“Đề án rất khả thi vì đã vận dụng thực tiễn của tình hình địa phương để đưa ra các giải pháp cụ thể” - Ông Lê Kim Quý - Phó phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT nói.

MỚI - NÓNG