Giảng văn là sự đối thoại song phương giữa thầy và trò

Giảng văn là sự đối thoại song phương giữa thầy và trò
(TPO) “Theo quan điểm của tôi, giảng văn là sự đối thoại song phương giữa thầy và trò. Trong đó, điểm chung của thầy và trò chính là tác phẩm văn học”

Thầy Vũ Xuân Túc – Nguyên Tổ trưởng tổ văn, trường Hà Nội - Amsterdam đã mở đầu câu chuyện với phóng viên Tiền Phong Online như vậy khi đề cập đến bài văn thi học sinh giỏi của em Nguyễn Phi Thanh (trường THPT Việt Đức).

Với kinh nghiệm của một giáo viên nhiều năm luyện thi học sinh giỏi môn văn, thầy Túc đã thẳng thắn bộc lộ những ý kiến của mình về bài văn “khác thường” của Thanh, cũng như trao đổi nghiệp vụ (thầy Túc nhấn mạnh) về phương pháp giảng văn hiện nay ở các trường phổ thông, trên tinh thần thiện chí và xây dựng.

Ở một khía cạnh nào đó, học sinh không có lỗi...

Tôi rất quý và trân trọng quan điểm của em Thanh vì những suy nghĩ em giãi bày trong bài luận là rất thật. Xét theo một khía cạnh nhất định, suy nghĩ của Thanh phần nào phản ánh suy nghĩ của một bộ phận học sinh phổ thông hiện nay.

Nhưng trước hết, tôi không đồng ý với cách đánh giá về điểm số cho bài văn này. Theo cá nhân tôi, cho 3/15 điểm, 20/20 điểm hay chấm 0 điểm như một số ý kiến đã nêu đều chưa chính xác.

Nếu là tôi, tôi sẽ không cho điểm bài văn này mà đơn thuần chỉ coi đó là một “lá thư đặc biệt” mang tâm tư, tình cảm chân thật của một học sinh giỏi văn cảm nhận về môn văn và rộng hơn là cách giảng văn trong trường phổ thông hiện nay.

Từ đó, chúng ta phải đặt câu hỏi cho chính bản thân chúng ta - Những người có nhiệm vụ khơi dậy sự rung cảm của các em để có thể tiếp nhận đúng giá trị của văn học.

Qua những gì em Thanh thể hiện, phải thừa nhận là còn thiếu sót. Điển hình nhất là việc em đưa ra lý do không cảm thấy vẻ đẹp của tác phẩm “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” vì... đang sống trong thời bình.

Nhưng vì sao em Thanh lại có cảm nhận như vậy? Theo tôi, ở một góc độ nào đó, học sinh không có lỗi. Học sinh không rung động trước vẻ đẹp của văn chương, không cảm thụ được giá trị của tác phẩm là lỗi của người lớn.

“Người lớn” ở đây không đơn thuần chỉ có thầy, cô mà gồm từ việc soạn chương trình SGK, ra đề thi, chấm thi... Nhưng rõ ràng, vai trò của người trực tiếp truyền cảm hứng sáng tạo cho các em là rất quan trọng.

Cá nhân tôi cho rằng, cách giảng văn “cầm tay chỉ chữ” mà không ít các thầy cô áp dụng ở trường phổ thông hiện đã và đang làm hạn chế cảm xúc của học sinh. Với phương pháp giảng dạy một chiều, dường như, thầy cô mới chỉ truyền đạt cái xác của chữ, chứ chưa đưa các em bắt được cái hồn của chữ. Vậy nên, học sinh chán học văn, ghét văn, không hứng thủ với văn... không có gì là quá khó hiểu. Đó đâu phải là lỗi của học sinh.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Chúng ta cũng phải thông cảm cho những thầy, cô dạy văn học. Những hạn chế về thời gian, tài liệu tham khảo, lại phải “ôm” cả một phạm vi văn học rộng lớn (từ cổ chí kim, từ trong nước đến nước ngoài)... nên ít nhiều đã ảnh hưởng và làm cho bài giảng không phải lúc nào cũng đạt được thành công như mong muốn.

Tuy nhiên, nói như thế không phải là phủ nhận trách nhiệm mà là mong muốn các thầy, cô sẽ vượt qua khó khăn để “trồng người” cho đất nước.

Hãy dạy học sinh cách “câu cá” thay vì cho “con cá”

Suốt 40 năm trong nghề sư phạm, tôi luôn quan niệm rằng, giảng văn là một sự đối toại song phương giữa thầy và trò. Trong đó, điểm chung gặp nhau của thầy và trò chính là tác phẩm văn học.

Tôi không tán thành việc ép học sinh soạn bài theo cách trả lời trước câu hỏi trong SGK. Tôi thấy điều đó là hoàn toàn vô lý, bởi các thầy đã giảng và giải đâu mà bắt học sinh “đánh vật” với những câu hỏi dạng nêu vẻ đẹp này, ý nghĩa kia của tác phẩm?

Thay vào đó, tôi nghĩ nên yêu cầu các em đọc thật kỹ tác phẩm. Nếu là đoạn trích thì khuyến khích học sinh đọc cả tác phẩm. Các em hãy cứ đọc bằng “đôi mắt” của một học sinh đến với tác phẩm văn học, cho dù chưa hiểu, thậm chí là không thích. Trong quá trình nghiền ngẫm, học sinh có thể đánh dấu những đoạn chưa hiểu để khi đến lớp, thầy trò trao đổi với nhau, đàm thoại với nhau.

Trong cuộc đối thoại song phương này, người thầy có nhiệm vụ khơi dậy trong học sinh sự cảm nhận đúng đắn về giá trị văn học. Thầy bảo tác phẩm này hay ở điểm này, đẹp ở điểm kia thì phải đưa ra bằng chứng thuyết phục chứ không thể nói chay “nó đẹp vì... nó đẹp”.

Muốn được như vậy, người thầy phải có “nghệ thuật đổi chỗ”. Thầy “đổi chỗ” vào vị trí của học sinh, đọc tác phẩm với con mắt của học trò, suy nghĩ và cảm xúc bằng cảm xúc của học trò..., từ đó tiên liệu trước những chi tiết khó hiểu, nhàm chán mà học sinh vướng... Tôi cho rằng đó là cách soạn bài hiệu quả nhất chứ không nhất thiết phải “giấy trắng mực đen” theo kiểu gạch đầu dòng, I, II....

Khi “biến” thành học sinh trong tưởng tượng, người thầy sẽ tìm ra cách thuyết phục học sinh cái hay, cái đẹp của tác phẩm. Và quan trọng hơn, trên cơ sở “hóa thân” đó, thầy giáo sẽ có cơ sở làm hình thành trong nhận thức của học sinh một phương pháp luận cảm nhận, đánh giá khoa học khi đứng trước bất cứ một tác phẩm văn học nào.

Điều đó cũng có nghĩa là, dạy cho học sinh biết cách “câu cá” thay vì đưa “con cá” – cách giảng dạy mà chỉ biến học sinh trở thành những con vẹt biết nói tiếng người như đang diễn ra thực tế ở không ít trường hiện nay.

MỚI - NÓNG