Giảng viên đại học dân lập, họ là ai?

Giảng viên đại học dân lập, họ là ai?
TP - Cả nước hiện có 19 trường đại học dân lập, mỗi năm đào tạo hàng chục ngàn sinh viên. Tuy nhiên, có một thực tế đáng lo ngại là giảng viên ở các trường đang rất thiếu và yếu.
Giảng viên đại học dân lập, họ là ai? ảnh 1
Sinh viên trường ĐH dân lập Lạc Hồng đang thực hành lắp ráp máy tính tại xưởng sản xuất máy tính của trường

Giảng viên cơ hữu là gánh nặng

Theo Quy chế 86 (Quy chế đại học dân lập), giảng viên cơ hữu ở các trường đại học dân lập phải đạt  50% trong tổng số giảng viên. Thực tế, đối với các trường dân lập, đây là điều “không tưởng”.

Trường có tỷ lệ giảng viên cơ hữu cao nhất hiện nay là Đại học dân lập Lạc Hồng (Đồng Nai) cũng chỉ có 41% giảng viên cơ hữu (168/402); Trường Đại học dân lập Đông Đô có 548 giảng viên thì  chỉ có 47 giảng viên cơ hữu, chỉ chiếm 8,57%.

Tương tự, Trường ĐH dân lập Phương Đông có tổng cộng 600 giảng viên thì chỉ có 80 giảng viên cơ hữu; Trường ĐH dân lập Thăng Long có 68 giảng viên cơ hữu; Trường ĐH dân lập Lương Thế Vinh có 37 giảng viên... Ở khu vực miền Trung, trường ĐH dân lập Phú Xuân chỉ có 20 giảng viên cơ hữu.

Ở khu vực phía Nam, Trường ĐH dân lập Văn Hiến có 28 giảng viên cơ hữu; Trường Hồng Bàng có 4 giảng viên; Trường ĐH dân lập Hùng Vương có 43 giảng viên; Trường ĐH dân lập Cửu Long có 65 giảng viên...

Theo tìm hiểu của Tiền phong, để có một giảng viên cơ hữu, các trường phải trả lương cho họ trung bình mỗi tháng khoảng 2 triệu đồng. Đó là chưa kể nhà trường phải còn làm nghĩa vụ trả lương tháng 13, mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và thực hiện các nghĩa vụ khác đối với người lao động.

Ngược lại, giảng viên cơ hữu có nghĩa vụ đảm nhiệm khối lượng giờ giảng theo quy định và phải làm công tác chủ nhiệm, công tác nghiên cứu khoa học, hướng dẫn luận văn tốt nghiệp cho sinh viên... Tóm lại, giảng viên cơ hữu là người gắn bó, tâm huyết với sự nghiệp phát triển của trường.

Tuy nhiên, đối với hầu hết các trường đại học dân lập, trong tình hình kinh phí thiếu hụt, giảng viên cơ hữu trở thành gánh nặng. Do vậy, để tồn tại, ngoài bộ máy cơ hữu gọn nhẹ, các trường sử dụng chủ yếu  giảng viên thỉnh giảng. Họ dạy tiết nào, nhà trường trả tiền tiết đó, hết giờ trên lớp  là hết... trách nhiệm.

Hiện nay, các trường đại học dân lập trả công cho giảng viên thỉnh giảng thấp nhất là  25.000 đồng/tiết đối với phần thực hành và 40.000 đồng/tiết đối với phần lý thuyết; cao nhất khoảng 150.000 đồng/tiết đối với giảng viên có học hàm, học vị  hoặc giảng viên người nước ngoài. Cũng vì kinh phí khó khăn nên các trường ít mời được những giảng viên có học hàm, học vị.

Cụ thể như Trường ĐH dân lập Cửu Long có 274 giảng viên nhưng chỉ có  1 giáo sư, 4 phó giáo sư và 8 tiến sỹ, còn lại chủ yếu là thạc sỹ và cử nhân; Trường ĐH dân lập Hùng Vương có 321 giảng viên chỉ có 2 tiến sỹ; Trường ĐH dân lập Duy Tân có 4 tiến sỹ/234 giảng viên; Trường ĐH Kinh tế và Công nghệ Hà Nội: 2 tiến sỹ/106 giảng viên; Trường ĐH dân lập Hải Phòng có 3 tiến sỹ/428 giảng viên... Và có rất nhiều trường không có giảng viên là giáo sư, phó giáo sư  hoặc tiến sỹ.

Giảng viên đại học dân lập, họ là ai? ảnh 2  Số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy: Có 5.012 giảng viên đang giảng dạy ở 19 trường đại học dân lập nhưng chỉ có 35 giáo sư (0,70%); 78 phó giáo sư (1,56%) và 206 tiến sỹ (4,11%). Giảng viên đại học dân lập, họ là ai? ảnh 3

Tuyển lãnh đạo cũng... khó!

“Muốn nhà trường ổn định, chủ động trong việc xếp lịch giảng dạy, muốn đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, không còn cách nào khác, chúng tôi  phải tăng cường đội ngũ giảng viên cơ hữu.

Thế nhưng, không phải muốn tuyển là được vì không tìm ra nguồn”, một cán bộ ở trường ĐH dân lập Hùng Vương (TPHCM) phân trần.  Trường ĐH dân lập Hùng Vương đã từng đăng báo tuyển cán bộ lãnh đạo trong nhiều tháng trời nhưng rốt cuộc không tuyển được chỉ  vì... lương quá thấp.

Thật khó mà tuyển được một tiến sỹ, thậm chí một thạc sỹ khi lương chỉ khoảng 2 triệu đồng/tháng. Những sinh viên giỏi mới ra trường, dù  chưa có học hàm học vị nhưng vẫn chê, không muốn đầu quân về  trường đại học dân lập vì làm việc ở đây ít cơ hội để  thăng tiến.

Rốt cuộc, giảng viên cơ hữu của các trường đại học dân lập chủ yếu là cán bộ về hưu hoặc sinh viên có học lực “thường thường bậc trung” vừa mới tốt nghiệp ra trường.

Ở trường ĐH dân lập Hùng Vương có 43 giảng viên cơ hữu nhưng hơn một nửa số đó chỉ có bằng cử nhân; Trường ĐH dân lập Văn Lang có 110 giảng viên cơ hữu thì chỉ có 13 tiến sỹ, 41 thạc sỹ, còn  56 giảng viên có trình độ cử nhân.

Trường ĐH dân lập Văn Hiến có 28 giảng viên cơ hữu thì có đến 23 giảng viên có trình độ cử nhân... Với tình hình này, công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học ở  các trường đại học dân lập khó có thể đạt chất lượng cao.

MỚI - NÓNG